Cùng với việc Alibaba, Wechat Pay đang đặt một chân vào Việt Nam, các ngân hàng, fintech cũng đang chạy đua quyết liệt khi ra mắt nhiều ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Thế nhưng, nhìn chung, thanh toán tiền mặt vẫn chiếm vị thế chủ đạo ở nước ta. Ông có cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ phát triển bùng nổ trong thời gian tới?
Tôi tin rằng, đây là điều chắc chắn, ngay cả khi Alibaba chưa vào Việt Nam. Thanh toán điện tử, thanh toán di động đang tăng rất nhanh.
Hiện có tới 44% khách hàng của các ngân hàng đã và đang dùng các sản phẩm ngân hàng số như Mobile banking, Internet banking và tham gia mua bán trên mạng xã hội.
Năm 2016, thương mại điện tử đạt 5 tỷ USD và có thể đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới. Có 32 doanh nghiệp hợp tác kinh doanh trực tuyến với đối tác nước ngoài.
Theo tôi, những năm tới, thậm chí ngay trong năm 2018, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ có nhiều thay đổi. Minh chứng là hình thức thanh toán bằng mã QR, dù mới ra đời, nhưng cũng đã tăng trưởng mạnh mẽ.
Chỉ trong 3 quý đầu năm nay, thanh toán bằng mã QR đã tăng 120%, với 5.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng mã QR. Dự kiến, đến hết năm 2018, số điểm chấp nhận thanh toán bằng mã QR sẽ tăng gấp 10 lần, lên 50.000 điểm.
Tất nhiên, để phát triển mạnh thanh toán phi tiền mặt ở Việt Nam, phải có một hệ sinh thái tốt hơn.
Điều này không chỉ một công ty viễn thông hay một vài ngân hàng có thể làm được, mà phải có sự tham gia của tất cả các bên: người bán, người mua, nhà cung cấp dịch vụ, hạ tầng thông tin và đặc biệt là hành lang pháp lý phù hợp để hỗ trợ hệ sinh thái đó.
Đúng là triển vọng rất lớn, nhưng người dân Việt Nam dường như vẫn còn e ngại với thanh toán không dùng tiền mặt, thưa ông?
Đúng vậy. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ thói quen tiêu dùng tiền mặt. Vì vậy, muốn thuyết phục người dân thanh toán phi tiền mặt, cần phải làm 3 việc.
Thứ nhất, tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là giải tỏa được tâm lý lo ngại về an toàn bảo mật trong thanh toán điện tử.
Thứ hai, cần có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan, kể cả người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.
Thứ ba, phải có hạ tầng công nghệ thông tin khá ổn định và đảm bảo để trong quá trình triển khai không có sự cố đáng tiếc xảy ra.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng. Khách hàng đòi hỏi ngày một cao hơn, các sản phẩm phải mang lại trải nghiệm tốt hơn. Theo ông, các ngân hàng Việt Nam đã sẵn sàng thay đổi?
Các nước trong khu vực đã chuẩn bị khá tốt cho phát triển ngân hàng số nói riêng và cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của nhiều ngân hàng Việt Nam hiện naychưa cao. Tôi hy vọng, Chính phủ sẽ sớm có chiến lược cách mạng công nghiệp 4.0.
Bản thân các ngân hàng thương mại cũng phải lập chiến lược thích ứng cách mạng 4.0, phải xác định thay đổi mô hình kinh doanh, văn hoá kinh doanh số. Trong bối cảnh mới, khách hàng sẽ ít đến các phòng giao dịch hơn, trong khi tương tác qua mạng nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, chi phí đầu tư công nghệ, hạ tầng, chuẩn bị nguồn nhân lực công nghệ cao, gia cố hệ thống an toàn bảo mật… đang là bài toán đau đầu đối với nhiều ngân hàng.
Nhiều cơ hội và cũng không ít thử thách, song dù muốn hay không, thì “con tàu” 4.0 vẫn đang đi, không chờ ai. Vậy chúng ta “lên tàu” để sớm tạo lợi thế cạnh tranh và vị thế mới, hay chần chừ, đứng lại và đối mặt với nguy cơ tụt hậu?.