Đồng thời, các trang mạng, tạp chí mới chuyên thông tin về kinh tế - tài chính xuất hiện. Các phương tiện truyền thông này đóng vai trò cầu nối thông tin chính thức trên thị trường, với phía cung cấp thông tin đến từ phía các công ty cổ phần, đặc biệt là công ty niêm yết, trong khi nhu cầu đến từ các cổ đông hiện hữu và cổ đông tiềm năng. Trong hơn một năm gần đây, khi vấn đề quan hệ NĐT được quan tâm nhiều thì vai trò của kênh thông tin báo chí tài chính và kinh doanh càng quan trọng.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và xuất hiện những thay đổi lớn trong chính sách quản lý ngành tài chính trên thế giới, vai trò của báo chí tài chính ở đâu là một câu hỏi đang được quan tâm nghiêm túc trên thế giới. Năm 2008, một nghiên cứu kéo dài 2 năm mang tựa đề "What is Financial Journalism for? Ethics and Responsibility in a time of Crisis and Change" (tạm dịch: Báo chí tài chính đem lại lợi ích gì? Đạo đức và trách nhiệm trong thời điểm của khủng hoảng và thay đổi) của Tiến sỹ Damian Tambini thuộc Trường Kinh tế và Chính trị London đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm. Qua những nội dung được đề cập đến trong báo cáo nghiên cứu này, người viết nhận thấy tồn tại ba vấn đề có tính tham khảo cho lĩnh vực báo chí tài chính ở Việt Nam như sau.
Tâm lý chạy theo đám đông và phớt lờ tin xấu
Trong báo cáo của mình, Tiến sỹ Tambini cho rằng, báo chí có thể đã không chú ý đúng mức đối với những cảnh báo về rủi ro của khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua. Trước khi khủng hoảng diễn ra, đã có những nhà kinh tế học và nhà báo cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu (chứ không phải như một số ý kiến "không ai dự báo được đợt khủng hoảng"). Nhưng những ý kiến này không được lắng nghe nghiêm túc và nhanh chóng bị phớt lờ. Tiến sỹ Tambini đặt ra một câu hỏi rất nghiêm túc: liệu việc người ta không lắng nghe các ý kiến phản biện này và không phân tích các ý kiến đó một cách đúng mức có phải là một bằng chứng về sự thất bại của báo chí nói chung và báo chí tài chính nói riêng hay không? Nếu có những tờ báo kiên trì và dũng cảm đeo đuổi chủ đề này và cảnh báo liên tục về vấn đề này, thì có lẽ ít người có thể kết luận "không ai dự báo được khủng hoảng lần này" một cách mạnh miệng. Tiến sỹ Tambini cho rằng, đây có thể là một giới hạn của báo chí, vì thật ra, đúng là khó có thể đòi hỏi một nhà báo phải kiên trì theo đuổi một chủ đề mà giới điều hành ngân hàng, nhiều người thông thái nhất trong giới nghiên cứu và những người quản lý chính sách đã phớt lờ nó.
Người viết cảm thấy đây là một vấn đề có liên quan đến tình huống của Việt Nam. Một câu hỏi lớn là khi mà TTCK Việt Nam phát triển quá nóng cách đây vài năm, liệu rằng có một nhà báo hay một ban biên tập nào đã phớt lờ cảnh báo nghiêm túc và có cơ sở phân tích đầy đủ của ai đó hay không? Liệu các nhà báo có đủ dũng khí để đứng ra "tạt nước lạnh" vào thị trường trong khi đã có những bài học cụ thể về phản ứng tiêu cực mạnh mẽ của NĐT với thông tin xấu đến từ các phân tích và dự đoán? Nếu có hiện tượng cố tình bỏ quên hay đề cập đến thông tin cảnh báo một cách chiếu lệ ở Việt Nam trong giai đoạn đó thì vấn đề "phớt lờ" hay "cố tình" không cảnh báo thị trường kịp lúc về những tin xấu có thể không chỉ là vấn đề của giới báo chí về tài chính ở nước ngoài, mà nó còn là một biểu hiện của tâm lý chạy theo đám đông trong báo chí về tài chính ở nước ta.
Đạo đức và trách nhiệm của nhà báo viết về tài chính, chứng khoán
Một chủ đề được dành nhiều sự quan tâm thảo luận trong báo cáo của Tiến sỹ Tambini là chủ đề về đạo đức và trách nhiệm của người làm báo trong lĩnh vực báo chí tài chính. Trong thị trường tài chính phức tạp hiện nay, có thể có nhà báo dùng nguồn thông tin mà mình có được để tác động đến thị trường và tìm kiếm lợi ích cá nhân. Nếu đọc những bình luận trên các diễn đàn chứng khoán ở Việt Nam thì có thể thấy đâu đó có sự nghi ngờ của những người tham gia diễn đàn về chuyện phải chăng một nhà báo nào đó viết một bài báo để đẩy giá một cổ phiếu nào đó lên.
Người viết lo ngại rằng, tại Việt Nam có thể còn xảy ra trường hợp một số bài báo có xu hướng định hướng dư luận để tác động đến các quyết định chính sách của Nhà nước theo một hướng nào đó, nhằm tạo ra một số lợi ích ngắn hạn cho một nhóm cộng đồng NĐT chứng khoán, nhưng để lại những tác hại lớn đối với nền kinh tế (ví dụ như sử dụng tín dụng trong lĩnh vực chứng khoán có thể gây ra áp lực lạm phát và nợ xấu trong cho nền kinh tế, nếu nguồn tín dụng này bị lạm dụng). Khi lợi ích ngắn hạn của lĩnh vực tài chính xung đột với lợi ích chung của toàn xã hội, thì báo chí về tài chính và kinh doanh sẽ truyền thông lúc đó như thế nào? Vấn đề phải đặt ra là báo chí về tài chính của Việt Nam phải đứng về "phe" nào trong những tình huống như vậy? Sẽ nghiêng về lợi ích của cộng đồng độc giả của mình, những người mua bán cổ phiếu, những người làm việc trong lĩnh vực tài chính hay nhắm đến lợi ích chung dài hạn của toàn bộ nền kinh tế? Liệu trong những tình huống như vậy, báo chí về tài chính có thể giữ được sự độc lập, dũng cảm và sáng suốt cần có?
Trong những tình huống có nguy cơ xảy ra hiện tượng thao túng thị trường thông qua báo chí như vậy, yêu cầu tất yếu là cần những quy định rõ ràng hơn về việc xác định các thao túng thị trường qua hoạt động báo chí và những quy định về nguyên tắc, quyền hạn và chuẩn mực ứng xử cho giới báo chí tài chính và kinh doanh. Tuy nhiên, một số kinh nghiệm ở những thị trường đi trước cho thấy, những quy định này không dễ thực hiện. Ví dụ, tại châu Âu, từ năm 2002, khối EU đưa ra bộ chỉ dẫn về các vấn đề thao túng thị trường "Market Abuse Directive", trong đó quy định các giới hạn quyền và nguyên tắc mà các nhà báo tài chính phải tuân thủ. Quy định này bị chỉ trích là "vi phạm quyền tự do" của báo chí. Hơn thế, cuối cùng thì việc thi hành bộ chỉ dẫn này chủ yếu là dựa trên nguyên tắc "tự quản". Nói đơn giản, muốn thi hành những quy định này thì chủ yếu phải dựa vào đạo đức của người làm báo và sự giám sát của các đồng nghiệp, chứ để trả lời câu hỏi "bằng chứng đâu" trong việc xác định hành vi thao túng thị trường là rất khó khăn. Đó là chưa kể việc các nhà báo có thể lựa chọn bảo vệ các nguồn tin của mình, khiến việc xác minh sự việc đối với cơ quan có thẩm quyền càng thêm rắc rối và khó mà làm rõ được vấn đề là nhà báo thật sự có ý định thao túng thị trường hay không.
Giới hạn về khả năng và nguồn lực của người làm báo
Một vấn đề khác được đề cập trong báo cáo của Tiến sỹ Tambini mà người viết cảm thấy cũng có liên hệ tới trường hợp của Việt Nam, đó là tình trạng nhà báo ngày càng gặp nhiều giới hạn về khả năng và nguồn lực trong việc truyền tải thông tin tài chính đến công chúng đầu tư. Trong một thế giới tài chính ngày càng phức tạp, nhiều sản phẩm tài chính ra đời và ngày càng nhiều người tham gia "đánh cược" đủ kiểu với nhiều loại phương thức giao dịch khác nhau trên thế giới, thì yêu cầu người làm báo phải đưa ra thông tin chính xác, kịp thời và có chiều sâu là không dễ dàng. Đối với thị trường quốc tế, giới hạn này là dễ hiểu, vì với tình trạng nở rộ đủ loại hình chiến lược đầu cơ và các sản phẩm phức tạp được phát triển để phục vụ các quỹ đầu cơ và ngân hàng đầu tư kiếm tiền, thì áp lực buộc nhà báo viết về tài chính phải hiểu sâu sắc các sản phẩm này là khá lớn.
Với một TTCK mới phát triển và đang hội nhập như Việt Nam, theo người viết, thì những trở ngại với một nhà báo tài chính cũng không hề ít hơn. Đơn giản là vì bên cạnh việc thu thập tin tức về một lĩnh vực mới phát triển và hiểu rõ các vấn đề của thị trường trong nước, người làm báo còn phải tiếp nhận thông tin từ những thị trường phức tạp hơn ở nước ngoài, vốn khác biệt về văn hóa, thông lệ và quy tắc ứng xử, rồi sau đó còn phải truyền thông hiệu quả đến NĐT trong nước các thông tin này. Hiểu lầm về thông lệ, văn hóa và quy tắc ứng xử có thể dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc. Có một điều mà chủ quan người viết nhận thấy là có tồn tại một văn hóa "dị ứng" với những con số dự báo cụ thể như dự báo mức giá cổ phiếu, mức lạm phát hay tỷ giá trong tương lai (nhất là trong trường hợp đây là những tin xấu, tin "nhạy cảm"). Trong khi đó, đây là điều rất bình thường trong thông lệ của các thị trường đã phát triển ở phương Tây. Do đó mà các tổ chức nước ngoài thường xuyên dự báo GDP, lạm phát, tỷ giá của Việt Nam. Vì vậy, nếu các thông tin từ phía nước ngoài không được tìm hiểu kỹ và xử lý khéo léo cho phù hợp "thông lệ tiếp nhận tin tức" của NĐT trong nước, thì đôi khi thị trường sẽ bị "nhiễu" thông tin, thậm chí tin tức đó còn bị người khác lợi dụng để "nhào nặn" thành tin đồn thất thiệt, nhằm thao túng thị trường, gây ra những tổn thất và tranh chấp không cần thiết.
Một tình huống khác là xét trong bối cảnh các thông tin về kế toán phức tạp, chưa hoàn toàn minh bạch, nếu người làm báo không có sự cố gắng tìm hiểu, chắt lọc thông tin và chịu khó đặt câu hỏi về độ tin cậy của thông tin mà các công ty cung cấp thì có thể vô tình tiếp tay dẫn dắt sai thị trường. Như Tiến sỹ Tambini nhìn nhận trong báo cáo của ông, những trường hợp thiếu lập trường cá nhân và lười xác minh độ tin cậy của tin tức, tuy không vi phạm pháp luật của các thị trường lớn, nhưng là hành vi ứng xử kém trong nghề báo chí. Nhưng trong một thị trường ngày càng phức tạp, vận động ngày một nhanh và áp lực ra tin kịp thời hơn khiến cho nhà báo càng khó có thể đầu tư thời gian và công sức để tìm hiểu sâu về một vấn đề. Đây là thách thức không nhỏ đối với ngành báo chí tài chính toàn cầu, chứ không chỉ ở Việt Nam trong thời gian tới.
Lời kết
Những vấn đề ở trên chỉ là một số ít vấn đề mà người viết nhận thấy giới báo chí tài chính phương Tây và giới báo chí tài chính Việt Nam cùng đang đối mặt. Trong một khía cạnh nào đó, một số nước phương Tây đã từng nỗ lực sửa chữa những khuyết tật này thông qua các quy định của pháp luật, nhưng hiệu quả mang lại chưa rõ ràng, trong khi không ít ý kiến phản đối. Do đó, có thể nói, vai trò của quy định pháp luật thôi là chưa đủ, mà còn cần vai trò của cộng đồng nghề nghiệp trong việc xác định những chuẩn mực chặt chẽ hơn, giám sát và liên tục nâng cao trình độ của người làm báo. Mặt khác, về mặt tổ chức thông tin thị trường, cần có những hỗ trợ nhiều hơn, giúp người làm báo dễ dàng tiếp cận và xác minh thông tin nhận được, nhằm kịp thời đưa thông tin chuẩn xác đến NĐT. Tuy nhiên, trên hết, cho đến lúc này, vai trò "tự quản" của mỗi người làm báo có lẽ vẫn là quan trọng nhất trong việc nâng cao chất lượng thông tin đến NĐT.