Có hiện tượng dòng tiền của nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ vào một cổ phiếu nào đó như một canh bạc dựa vào tin đồn hoặc thông tin được “đánh bóng” trên mạng xã hội.

Có hiện tượng dòng tiền của nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ vào một cổ phiếu nào đó như một canh bạc dựa vào tin đồn hoặc thông tin được “đánh bóng” trên mạng xã hội.

Truyền thông về tài chính, chứng khoán: Liên tục đào sâu, học hỏi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Truyền thông tài chính, nhất là thị trường chứng khoán, đòi hỏi sự chịu khó và đào sâu của các cây bút.

1. Talkshow số 7 ngày 9/6/2022 của Báo Đầu tư có khách mời là ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ Green Fund. Ông Hoàng gia nhập phố Wall (Mỹ) từ năm 19 tuổi và quyết định trở về Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995.

Trong cặp của vị khách mời này có Báo Đầu tư Chứng khoán (một ấn phẩm của Báo Đầu tư) phát hành cách đây hơn 10 năm, bìa in hình ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thời đó trao giấy phép quản lý quỹ cho ông Hoàng. Tờ báo được ông giữ cẩn thận như một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời hành nghề tài chính.

Ông Hoàng kể, ông thích đọc báo in vì sự đọc thường đem lại những hiệu ứng riêng, giúp nhớ sâu và lâu hơn mỗi thông tin, trong khi hiệu quả cảm thụ không kém nghe và nhìn. Với riêng tờ Đầu tư Chứng khoán, đặc sản là những bài báo mang tính nghiên cứu sâu, vì báo mạng ít có các bài viết như vậy.

Theo ông Hoàng, muốn có thông tin khách quan, có tính định hướng, báo phải chuyển tải thông tin đến bạn đọc theo cách riêng, tận dụng những thế mạnh hiện thời. Đó là, không tập trung vào thông tin thời sự, sự kiện, mà phân tích, bình luận, lý giải để thấy được bản chất thông tin, sự toàn cảnh, đa chiều của vấn đề, từ đó giúp độc giả nhận biết giá trị, bản chất căn cốt, tính khách quan, toàn cảnh của thông tin để có thể nhận thức đúng, ứng dụng trong thực tiễn công việc cũng như đời sống.

Ông Hoàng đánh giá cao mức độ chịu khó của các cơ quan như Báo Đầu tư tập trung vào việc lấy ý kiến chuyên sâu, đa chiều, lấy sự phân tích, lý giải và định hướng dư luận để cung cấp cho độc giả.

Ông thích và quan tâm đến các đồ họa, tính lưu trữ của báo in, thích nghiền ngẫm đọc lúc rỗi rãi...

Nhưng bối cảnh chuyển đổi số hiện nay buộc các nhà báo phải đa năng. Các phóng viên, biên tập viên cần không ngừng rèn luyện chuyên môn, bút lực, đạo đức nghề nghiệp, đổi mới tư duy, phương pháp, cách thức hoạt động, nỗ lực sáng tạo, cũng như trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng công nghệ để có thể tác nghiệp báo chí đa phương tiện, vừa chuyên sâu, vừa đa năng, hướng tới việc tạo ra ngày càng nhiều tác phẩm chất lượng, hấp dẫn.

Đặc biệt, để tiếp tục đứng vững và phát triển trước sự cạnh tranh từ các phương tiện truyền thông xã hội, báo chí cần tạo được niềm tin cho người đọc từ chính thế mạnh của mình là chất lượng thông tin, bảo đảm tính chính xác, tính khoa học, tính nhân văn, tính trách nhiệm cao với xã hội.

Ông Hoàng tin rằng, trong kỷ nguyên số, báo in có chất lượng sẽ không “chết”, nhất là khi tự làm mới bằng công nghệ để đưa báo in đến công chúng, ví dụ số hóa bản in, chuyển bản in bằng công nghệ mới đến công chúng tiếp nhận ở dạng file số. Cá nhân ông luôn sẵn sàng hỗ trợ các tờ báo để chia sẻ kiến thức, góc nhìn liên quan đến thị trường tài chính, nhằm góp phần giúp thị trường phát triển bền vững hơn.

2. TS. Hồ Quốc Tuấn là cây bút về tài chính quen thuộc với giới đầu tư Việt Nam và chịu khó chia sẻ. Thông qua Facebook, ông Tuấn thường trao đổi, cập nhật thông tin về thị trường tài chính thế giới, với góc nhìn sâu sắc và cách viết dễ hiểu.

Những ý kiến đóng góp của vị tiến sĩ trẻ với các cơ quan quản lý Việt Nam được nhiều tờ báo chính thống, trong đó các ấn phẩm của cơ quan Báo Đầu tư được quan tâm đặc biệt, mang tính xây dựng và thực tiễn cao, đóng góp vào sự phát triển của thị trường vốn.

Khi các vụ bắt bớ làm rung chuyển thị trường chứng khoán Việt Nam, niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ông Tuấn đã ngay lập tức kiến nghị giải pháp để ứng phó với tin đồn liên tiếp xuất hiện sau đó. Đó là, cần một tuyên bố thống nhất của nhiều cơ quan liên quan, khẳng định mục tiêu của những vụ điều tra là nhằm làm trong sạch thị trường, nhắm đến các cá nhân thao túng, lừa đảo nhà đầu tư.

Thông điệp chính sách phải rõ ràng và khẳng định những tin đồn chỉ là “nhiễu sóng”, những doanh nghiệp làm ăn tốt, quản trị công ty tốt cần được tin tưởng.

Hoạt động thanh lọc và lấp các lỗ hổng về pháp lý không đồng nghĩa với việc “siết” lại thị trường trái phiếu hay cổ phiếu, mà chỉ là đưa các hoạt động phát hành, công bố thông tin trên thị trường trái phiếu về đúng quỹ đạo phải có, không lỏng lẻo như trước, đồng thời xử lý các vụ thao túng giá cổ phiếu, bán “chui” để trục lợi.

Ông Tuấn cho rằng, để giải quyết tin đồn, thay vì chỉ tìm cách đính chính, cần có sự chủ động cung cấp các thông tin kịp thời qua các đơn vị truyền thông chính thống, tránh tình trạng tin đồn đi trước tin thật. Chỉ có như vậy mới có thể nhanh chóng dập tắt các tin đồn.

“Cần giúp nhà đầu tư nhận ra rằng, khi một cổ phiếu có kết quả kinh doanh và triển vọng ổn định, mức định giá cũng không quá cao, thì về dài hạn vẫn là ổn định. Bán tháo những cổ phiếu đó không phải là lựa chọn tốt, trừ khi đang bị call margin (bán giải chấp)”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Thị trường cổ phiếu là nơi mà dòng tiền và niềm tin của nhà đầu tư quyết định, vì vậy, nên tôn trọng dòng tiền, dù đó là dòng tiền của ai. Điều nên hướng đến là tăng các hàng hóa niêm yết chất lượng, giảm bớt số công ty kém chất lượng, chủ yếu lên sàn để “kéo, xả” trên thị trường, thay vì có năng lực kinh doanh tốt thật sự.

Sự phát triển của mạng xã hội, Internet và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội về tài chính thúc đẩy sự tiếp nhận kiến thức mới và sự lớn mạnh của cộng đồng nhà đầu tư chứng khoán, nhưng đồng thời cũng vô tình tạo ra cơ hội cho những đối tượng lừa đảo kiếm tiền.

Bên cạnh đó, rà soát điều kiện hủy niêm yết và đưa công ty vào diện kiểm soát đặc biệt theo hướng hạn chế những công ty có cơ chế quản trị công ty có nhiều thiếu sót, chứ không chỉ đặt tiêu chí về hoạt động tài chính làm cơ sở kiểm soát hay hủy niêm yết.

Ông Tuấn lưu ý, sự phát triển của mạng xã hội, Internet và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội về tài chính thúc đẩy sự tiếp nhận kiến thức mới và sự lớn mạnh của cộng đồng nhà đầu tư chứng khoán, nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội cho những đối tượng lừa đảo kiếm tiền.

Bởi vậy, cần có những tổ chức nghề nghiệp tự quản được thành lập với hội đồng chuyên môn uy tín để đưa ra những thông điệp cần thiết, với mục tiêu đính chính các thông tin thất thiệt hoặc bị thổi phồng mà các thông tin đó được lan truyền nhằm dẫn dắt sai nhà đầu tư. Thực tế, các tổ chức như vậy đang được thành lập trên cộng đồng và cần được lan tỏa hơn nữa.

“Nên tận dụng sức mạnh của cộng đồng đầu tư và nguồn lực của nhiều bên trong xã hội để gánh vác việc đào tạo và tư vấn về chứng khoán nhằm giải quyết vấn đề”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tin bài liên quan