Tình trạng người mua bảo hiểm kê khai không trung thực ngày càng tăng

Tình trạng người mua bảo hiểm kê khai không trung thực ngày càng tăng

Truyền thông về gian lận bảo hiểm còn yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một trong những nội dung chính được Ban Tuyên truyền bảo hiểm nhân thọ đề xuất tại cuộc họp mới đây là cần tập trung đẩy mạnh truyền thông về gian lận bảo hiểm. Cuộc họp do lãnh đạo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) chủ trì, cùng các thành viên là đại diện truyền thông đến từ các công ty bảo hiểm.

Dừng sử dụng cụm từ “trục lợi bảo hiểm”

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương - đại diện Prudential, từ nay tới cuối năm, bên cạnh cập nhật về những thay đổi của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, cơ quan quản lý cũng như nhà bảo hiểm cần tăng cường truyền thông về gian lận bảo hiểm, khi mà tình trạng khách hàng kê khai không trung thực ngày càng tăng.

Đại diện MB Ageas cũng đồng tình và cho biết, MB Ageas đã và đang nỗ lực tuyên truyền nội dung này để góp phần làm tăng sự minh bạch trên thị trường. Còn đại diện Sun Life cho hay, việc đẩy mạnh truyền thông về gian lận bảo hiểm là cần thiết để tăng tính cảnh báo và răn đe trên thị trường.

Ngoài ra, đại diện của các công ty bảo hiểm còn đưa ra đề xuất cần tổ chức hội thảo educate (tạm dịch là chỉ dẫn) cho khách hàng để hạn chế các tranh chấp, khiếu nại không đáng có sau này.

Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV cho biết, tình trạng gian lận bảo hiểm ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe cũng như sản phẩm bổ trợ nghiệp vụ này được đẩy mạnh bán ra thị trường thời gian gần đây.

“Đặc biệt, đã xuất hiện hình thức các đội nhóm đại lý bảo hiểm thực hiện bảo hiểm có tổ chức, có dấu hiệu của sự tiếp tay cũng như lỏng lẻo trong quy trình khám, cấp hồ sơ bệnh án của một số cơ sở y tế”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, các đội ngũ truyền thông của công ty bảo hiểm vẫn đang dùng cụm từ “trục lợi bảo hiểm” để nói về các hành vi gian lận bảo hiểm. Tuy nhiên, cụm từ này không xuất hiện trong các văn bản pháp luật về bảo hiểm hiện hành nên cần dừng sử dụng, mà chỉ dùng cụm từ “gian lận bảo hiểm” khi truyền thông.

Ông Sơn cho biết, khái niệm “trục lợi” bao hàm cả những hành vi nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm như nhân viên “ôm” phí bảo hiểm, làm sai quy trình, quy định để thu lợi bất chính, khách hàng lạm dụng điểm ưu việt của sản phẩm bảo hiểm để có lợi ích..., trong khi khái niệm “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” chỉ tập trung vào vấn đề bồi thường bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

“Khái niệm ‘trục lợi’ theo định nghĩa cũ rộng hơn so với ‘gian lận’, chưa kể ở thời điểm hiện tại, hành vi ‘gian lận’ mới bị lên án, còn việc ‘trục lợi’ không được định nghĩa nữa vì một số hành vi không bị lên án hoặc để cho các bên chủ động giải quyết. Khi pháp luật bảo hiểm không còn điều chỉnh hành vi ‘trục lợi’, cần hiểu đúng khái niệm ‘gian lận’ thì mới có cách hành xử đúng, truyền thông đúng”, ông Sơn phân tích.

Bà Bạch Thị Nhã Nam, giảng viên Khoa Luật, Trường đại học Kinh tế Luật, Đại học quốc gia TP. HCM cho hay, trước đây, thuật ngữ “trục lợi bảo hiểm” đã xuất hiện trong văn bản dưới luật và cũng hướng đến các hành vi lừa dối, mang tính chất cố ý, nhằm thu lợi bất chính, có ý nghĩa khá tương đồng với “gian lận bảo hiểm”.

“Theo Thông tư số 31/2004/TT-BTC, trục lợi bảo hiểm là hành vi cố ý lừa dối của tổ chức, cá nhân nhằm thu lợi bất chính khi tham gia bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm và giải quyết khiếu nại bảo hiểm”, bà Nam dẫn chứng, đồng thời cho biết thêm, nhưng khái niệm “trục lợi bảo hiểm” không được đề cập trong các văn bản pháp luật về bảo hiểm hiện hành. Pháp luật kinh doanh bảo hiểm cũng bỏ ngỏ việc xác định thế nào là “gian lận bảo hiểm” cho đến khi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 chính thức được thông qua.

Thực tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 không xuất hiện cụm từ “trục lợi bảo hiểm”, mà được bổ sung thêm quy định về phòng, chống gian lận bảo hiểm tại Điều 123: “Phòng, chống gian lận bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế các hành vi gian lận trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản từ doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm”.

Cần khảo sát xu hướng người tham gia bảo hiểm

Thị trường cần nhiều hơn nữa những tác phẩm truyền thông mang tính đa chiều, chứ không chỉ “tốt khoe xấu che”, cũng như những bộ phận hỗ trợ truyền thông mang tính độc lập, tâm huyết, thật sự am tường về ngành bảo hiểm.

Tại cuộc họp, ngoài tuyên truyền về gian lận bảo hiểm, việc khảo sát xu hướng của người tham gia bảo hiểm cũng được đề cập tới.

“Hiệp hội cần sớm thực hiện một cuộc khảo sát xu hướng của người tiêu dùng về bảo hiểm để nắm bắt được nhu cầu của người tham gia bảo hiểm”, bà Võ Thị Mỹ Linh, đại diện Manulife chia sẻ.

Đề xuất trên cũng nhận được sự đồng tình của đại diện Prudential, đồng thời đưa ra lưu ý, đối tượng khảo sát cần tập trung hơn vào nhóm khách hàng Gen Z (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2012). Vị này cũng gợi ý, Hiệp hội có thể thuê một tổ chức độc lập thực hiện khảo sát hoặc ký hợp đồng khảo sát với một cơ quan báo chí uy tín để đảm bảo tính chính xác, chuyên nghiệp.

Cho rằng khách hàng có xu hướng trẻ hóa, đại diện Chubb Life đề nghị nên truyền thông trên đa dạng các kênh và hình thức để cảnh báo những thông tin sai lệch, suy nghĩ chưa tích cực về bảo hiểm. Cùng góc nhìn, đại diện AIA cho rằng, cần có sự chỉ dẫn cho các khách hàng mới để họ có cách nhìn bao quát hơn về thị trường bảo hiểm.

Tính đến thời điểm này, việc tiến hành khảo sát xu hướng người tiêu dùng Việt Nam đối với lĩnh vực bảo hiểm từ các tổ chức uy tín là rất ít. Tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ còn thấp, nhưng trong số những người được hỏi, 72% cho biết có sở hữu bảo hiểm, trong đó phổ biến nhất là bảo hiểm sức khỏe (47%), tiếp đó là bảo hiểm nhân thọ (42%) và bảo hiểm tai nạn (38%).

Đáng chú ý, 91% người được hỏi cân nhắc tham gia và mua thêm bảo hiểm trong 12 tháng tới, trong đó bảo hiểm nhân thọ đứng đầu (55%), tiếp đó là bảo hiểm sức khỏe (45%) và bảo hiểm tai nạn (41%). Khi mua bảo hiểm, phần lớn người Việt Nam (84%) tìm kiếm những sản phẩm bảo hiểm đơn giản có thể mua trực tuyến, 71% nhận thấy tầm quan trọng của kế hoạch hưu trí kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Bên cạnh đó, đa số công ty bảo hiểm nhân thọ đề nghị IAV cần đẩy mạnh hơn các hoạt động gặp gỡ, giao lưu với báo chí để cập nhật thông tin thị trường cũng như giải đáp các băn khoăn.

Thực tế, thời gian qua, hoạt động truyền thông về bảo hiểm nhân thọ phần nào được tăng cường và có sự hỗ trợ của các KOLs trong ngành là những người có ảnh hưởng trong cộng đồng bảo hiểm, có lượng người theo dõi lớn trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter… và ở các vị trí quản lý cấp cao, nhưng giới quan sát cho rằng, thị trường cần nhiều hơn nữa những tác phẩm truyền thông mang tính đa chiều, chứ không chỉ “tốt khoe xấu che”, cũng như những bộ phận hỗ trợ truyền thông mang tính độc lập, tâm huyết, thật sự am tường về ngành bảo hiểm.

Tin bài liên quan