Vào những thời điểm quyết định, giới truyền thông có thể nhấn chìm một DN hoặc làm bệ đỡ cho DN đó phục hồi và tỏa sáng. Khủng hoảng của DN có thể bắt đầu từ truyền thông, nhưng cũng có thể được giải quyết và kết thúc bằng truyền thông. Nhưng tiếp cận các cơ quan truyền thông như thế nào để truyền thông trở thành bệ đỡ giúp cho DN tỏa sáng hay vượt qua khủng hoảng là kỹ năng mà không phải DN, doanh nhân nào cũng nắm được.
Sự kiện Nick Vujicic đến Việt
Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin mà mỗi cá nhân với các thiết bị công nghệ cầm tay đều có thể trở thành người đưa tin, vai trò mà trước đây thường do các nhà báo đảm nhận. Vì vậy, một sự cố thông tin, hay khủng hoảng thông tin có thể đến với các DN bất kỳ lúc nào. Việc kiểm soát thông tin theo cách truyền thống là giữ mối liên hệ mật thiết với những tờ báo lớn đã trở nên lỗi thời và không thể kiểm soát thông tin như trước kia. Vai trò các cơ quan truyền thông lớn đã chuyển trọng tâm từ đưa tin (việc các mạng xã hội đang làm rất tốt) sang thẩm định, phân tích thông tin và giúp dư luận có đánh giá khách quan về sự kiện vấn đề đang diễn ra. Vì vậy, để xử lý khủng hoảng thông tin không thể thiếu vai trò của các cơ quan truyền thông lớn và uy tín.
Sự kiện rất có ý nghĩa Nick Vujicic đến Việt Nam do Tập đoàn Hoa Sen (HSG) kết hợp với truyền hình Việt Nam, Fist News tổ chức mới đây cũng đã gặp sự cố truyền thông khi trên các mạng xã hội, trên báo mạng truyền đi nhiều thông tin khá phản cảm, như diễn giả đòi nhận tiền thù lao cao, đòi chế độ chăm sóc như siêu sao, bảo vệ dẹp đường đưa đón, rồi những câu hỏi về việc tại sao một tập đoàn chi nhiều tiền thế cho một người khuyết tật nước ngoài, trong khi những người khuyết tật trong nước cũng đang cần giúp đỡ…
Những thông tin đó ban đầu đã làm lan ra những nghi ngại về ý nghĩa của chương trình. Nhưng vào ngày cuối cùng của chuỗi sự kiện Nick Vujicic, Ban tổ chức đã có cuộc gặp mặt các phóng viên báo chí để thông tin chính thức về những vấn đề này. Tiền thù lao cho diễn giả chỉ chiếm một phần rất rất nhỏ trong toàn bộ chi phí cho chương trình, toàn bộ chi phí ở khách sạn 5 sao của Nick do khách sạn tài trợ. Còn về việc hoạt động xã hội của Hoa Sen ở trong nước thì không phải ai cũng rõ, từ mấy năm nay, tập đoàn này thường xuyên tổ chức những chương trình lớn như tổ chức đón Tết cho trẻ em ở nhà mở, mái ấm, trẻ em trường giáo dưỡng, sinh viên nghèo không có tiền về quê ăn Tết… Tất cả những thông tin kịp thời từ Ban tổ chức đã giúp dư luận xóa tan nghi ngại.
Bản thân Ban tổ chức và nhà tài trợ khi khởi xướng sự kiện mời Nick Vujicic sang cũng không nghĩ rằng sẽ tổ chức một sự kiện lớn thu hút nhiều người quan tâm đến thế. Số vé mời phát ra cứ tăng lên vùn vụt. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen kể, ngày cuối của sự kiện, một người mẹ có 2 con bị khuyết tật đã đứng rất lâu trước trụ sở Công ty để xin cho được những tấm vé đưa con đến gặp Nick. Một sự kiện nhiều ý nghĩa như thế nếu không có truyền thông chính thống làm nhiệm vụ xác minh thông tin thì rất có thể đã bị hiểu nhầm khi những tin đồn lan truyền nhanh trên các diễn đàn.
Hay trường hợp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) gặp những cáo buộc về vi phạm môi trường và xã hội của Global Witness mới đây cũng là một bằng chứng cho thấy, truyền thông có thể nhấn chìm một DN hay làm bệ đỡ cho DN đó. Thông tin ban đầu được đưa ra chỉ là những cáo buộc của Global Witness khiến không ít người sửng sốt. Sau đó là những phản đối quyết liệt của HAGL để bảo vệ danh dự của mình. Nhưng nếu như một mình HAGL lên tiếng thôi chưa đủ. Rất nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc, phỏng vấn quan chức của Lào, Campuchia, nơi HAGL trực tiếp đầu tư. Lần đầu tiên, các thông tin về số tiền tài trợ, những công trình xã hội mà HAGL đầu tư được công bố một cách toàn diện. Tập đoàn này từ trước đó thường ít khi nói nhiều về các chương trình xã hội, từ thiện của mình bởi một quan niệm rất đời thường là “làm việc từ thiện không phải để đánh bóng hình ảnh hay PR, quảng cáo cho mình”.
Khi sự cố bị cáo buộc vô căn cứ của HAGL khép lại, cũng có ý kiến bình luận về cách phản ứng của HAGL còn thiếu kinh nghiệm, nhưng với một sự cố lần đầu gặp phải như vậy, chưa chắc có DN nào ở Việt Nam có thể phản ứng nhanh và trên diện rộng như HAGL. Đơn giản là vì có nhiều nhà báo đã theo dõi HAGL qua nhiều năm liền và biết rất rõ hoạt động của Tập đoàn này. Họ là những người có chính kiến không dễ bị hoang mang bởi thông tin trái chiều. Vì vậy, nhà báo và cơ quan truyền thông trong nước nhanh chóng nhập cuộc tạo ra một làn sóng thông tin khách quan để giúp dư luận hiểu rõ về HAGL. Sự đồng hành, thấu hiểu của báo chí với HAGL không phải DN nào cũng có được, bởi nó được gây dựng qua nhiều năm với tinh thần cởi mở, thái độ cầu thị, chân thành từ phía DN.
Sự hiểu biết sâu sắc của nhà báo đại diện cho các cơ quan báo chí uy tín về DN đóng góp một phần quan trọng vào thành công của những chương trình truyền thông, xây dựng hình ảnh DN trong lòng công chúng. Hiểu được lý do đó, nhiều DN đã gây dựng mối quan hệ lâu dài với các nhà báo, cơ quan truyền thông. Nhiều doanh nhân chỉ sẵn sàng trả lời phỏng vấn của những cây viết đã có hiểu biết DN từ trước để tránh những rủi ro trong phát ngôn. Nếu một DN không có mối liên hệ thường xuyên với các nhà báo, cơ quan truyền thông uy tín thì nếu sự cố truyền thông xảy ra sẽ mất rất nhiều thời gian để giải quyết, xử lý kể cả khi thuê những công ty tư vấn chuyên nghiệp. Thời gian là kẻ thù trong xử lý khủng hoảng thông tin, vì DN có thể đã bị thiệt hại rất nhiều về uy tín, danh dự và tài chính nếu thông tin không chính xác hay bất lợi không được xử lý kịp thời.
Truyền thông trở thành bệ đỡ hay nhấn chìm một DN vào những thời điểm xảy ra sự cố thông tin phụ thuộc vào chính nhận thức và cách ứng xử của DN đó với truyền thông, báo chí.