Dũng cảm đồng hành cùng doanh nghiệp
Trong vòng 10 năm qua, do những sai lầm nội tại cùng bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngành ngân hàng Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn chồng chất. Có thời điểm, các nhà băng đứng trước những thách thức sống còn khi lạm phát phi mã, nợ xấu tăng rất nhanh, thanh khoản suy kiệt, lãi suất liên ngân hàng có giai đoạn lên tới 35% và khả năng sinh lời sụt giảm chưa từng thấy.
Thông thường, trong hoàn cảnh như vậy, các quốc gia khác trên thế giới sẽ đóng băng tín dụng, đặc biệt đối với doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ như tại Mỹ giai đoạn 2008 - 2014, hay Nhật Bản từ năm 1990 đến năm 1998. Theo đó, mặc dù ngân hàng trung ương các quốc gia này hạ lãi suất tới 0%/năm nhưng chỉ có DN, tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính mới vay được tiền từ ngân hàng, những DN nhỏ không vay được vốn.
Trong khi đó, tại Việt Nam, ngay cả trong thời điểm khó khăn, dù các ngân hàng phải vật lộn với việc xử lý nợ xấu, củng cố thanh khoản, chống lạm phát, nhưng không một nhà băng nào đóng băng tín dụng đối với DN nói chung, DN vừa và nhỏ nói riêng. Thậm chí, nhiều ngân hàng tái cơ cấu lại nợ và cho vay mới để DN vừa và nhỏ sống sót, tồn tại, tiếp tục phát triển, trả nợ ngân hàng dần dần.
TS. Lê Xuân Nghĩa.
Điều này cho thấy, ngân hàng là một trong những ngành dũng cảm đồng hành với DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ trong những thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế. Hiếm có ngành nào tại Việt Nam có sự tồn tại, phát triển gắn liền với DN vừa và nhỏ - vốn yếu thế về mọi phương diện, như ngành ngân hàng. Hay nói cách khác, đây là ngành nâng đỡ DN nhỏ và vừa ra đời, tồn tại, phát triển.
Với động thái này, các nhà băng phải gánh chịu những rủi ro cùng DN. Đó là một trong những lý do chương trình tái cấu trúc của ngành ngân hàng không đạt được tiến độ như mong muốn. Vì ngành ngân hàng không thể “thẳng tay” với DN như tại nhiều quốc gia khác.
Nhạy cảm, nhiều khả năng gánh chịu rủi ro
Chúng ta cũng thấy, hàng loạt chính sách của chính phủ liên quan đến DN như hỗ trợ hộ đánh bắt xa bờ, cho vay đóng tàu thép, chương trình nhà ở xã hội, cổ vũ DN vừa và nhỏ, thậm chí chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, DN khởi nghiệp… gần đây đều được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng thương mại với các chính sách tín dụng, lãi suất ưu đãi.
Nói như vậy để thấy rằng, có rất nhiều chính sách của Chính phủ liên quan đến phát triển DN, các ngành kinh tế mũi nhọn đều có sự đóng góp lớn của hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, đây là ngành nhạy cảm cả về phương diện chính sách và kinh doanh, đồng thời nhiều khả năng gánh chịu rủi ro bởi nguồn vốn chủ yếu là tiền gửi của dân chúng. Để đảm bảo sự ổn định, phát triển của hệ thống, cần giữ vững lòng tin của dân chúng đối với ngành ngân hàng nói riêng, cũng như toàn bộ các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ nói chung.
Tại Việt Nam, ngành ngân hàng mặc dù non trẻ nhưng có tốc độ phát triển rất nhanh. Tổng tài sản hàng năm tăng trên 20% và một số ngân hàng thương mại Việt Nam từ xuất phát điểm là ngân hàng khởi nghiệp đầu thập kỷ 1990 hiện đã trở thành ngân hàng hàng đầu khu vực châu Á. Vốn chủ sở hữu của toàn ngành ngân hàng năm 2000 chỉ có 500 triệu USD, đến nay đã lên tới khoảng 20 tỷ USD.
Với tốc độ phát triển nhanh như vậy, trong khi tồn tại nhiều khiếm khuyết như sở hữu chéo, nợ xấu; các chuẩn mực về quản trị, về thanh tra giám sát… đều trong tình trạng chưa hoàn thiện cả về tầm pháp lý cho đến quy chế hoạt động, ngành ngân hàng không tránh khỏi những “vết nhơ” ảnh hưởng tới hình ảnh của ngành trong mắt người gửi tiền, trở thành một trong những ngành nhạy cảm nhất đối với công chúng.
Gần đây, một loạt vụ án lớn về ngân hàng được phanh phui càng làm cho người gửi tiền lo ngại. Do vậy, việc truyền thông về ngành ngân hàng cần được cân nhắc, thận trọng bởi đây là một ngành gắn kết sống còn với DN, nền kinh tế.
Cách thức truyền thông ngành ngân hàng
Trong bối cảnh kể trên, cần phải có sự chỉ đạo thống nhất về cách thức truyền thông ngành ngân hàng để đảm bảo những vấn đề về tính nguyên tắc. Đây là điều nhiều quốc gia đã thực hiện.
Cụ thể, thứ nhất, giữ vững lòng tin đối với người gửi tiền. Đây là vấn đề quan trọng bậc nhất, đặc biệt là khi có các thông tin liên quan đến chính sách tiền tệ, tín dụng và những rủi ro pháp lý của ngành ngân hàng.
Thứ hai, phải đảm bảo tính minh bạch, tránh tình trạng người gửi tiền hiểu nhầm tạo ra phản ứng số đông rút tiền ồ ạt. Đặc biệt, khi đưa tin liên quan đến lãi suất, tỷ giá, vàng, thanh khoản, nợ xấu… phải nói rõ cho dân chúng hiểu được căn nguyên của vấn đề và giải pháp khắc phục hữu hiệu của Chính phủ.
Thứ ba, khoanh vùng thông tin. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng với Việt Nam khi bảo hiểm tiền gửi còn có vai trò rất hạn chế. Những rủi ro pháp lý ở đâu, thuộc lĩnh vực nào, do ai chịu trách nhiệm cần được khoanh vùng rõ ràng, tránh nói chung chung, không có người chịu trách nhiệm cụ thể khiến dân chúng hoang mang.
Cuối cùng, những cơ quan chịu trách nhiệm về truyền thông của Đảng, Nhà nước cần phải hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng để có định hướng truyền thông và đưa tin rõ ràng, chủ động ngay khi những vấn đề nhạy cảm xảy ra nhằm tạo điều kiện cho ngành truyền thông không bị lúng túng, mất phương hướng khi đưa tin, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay. Cần tránh tình trạng sự việc đã diễn ra, đưa tin trên công luận, cơ quan chức năng mới vào cuộc để xử lý khiến cho ngành truyền thông và công chúng mất niềm tin.