Bài học từ truyền thông và kiểm soát kỳ vọng trên thế giới
Xét theo nghĩa rộng, truyền thông tài chính bao gồm việc truyền tải thông tin giữa các chủ thể tham gia thị trường tài chính, bao gồm các cơ quan quản lý truyền thông các thông điệp về chính sách, các tổ chức nghề nghiệp báo chí - truyền thông cập nhật các thông tin thị trường, nền kinh tế; các doanh nghiệp thực hiện quan hệ nhà đầu tư.
Một trong những khía cạnh ít được nhắc đến trong truyền thông tài chính đó là việc phát đi những thông điệp của cơ quan quản lý với những chính sách mới. Trong điều hành chính sách, việc đưa ra những quyết sách đúng là cực kỳ quan trọng, nhưng việc phát đi thông điệp của chính sách đó đến thị trường cũng không thể xem nhẹ.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC |
Chẳng hạn, đối với điều hành chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương có thể ví như là những người chèo lái cả nền kinh tế với việc thắt chặt hay nới lỏng chính sách tiền tệ ở những thời điểm nhất định. Chúng ta đều đã thấy những quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ảnh hưởng lớn thế nào đến thị trường tài chính toàn cầu. Khâu quản lý kỳ vọng để thị trường tiếp nhận với mức độ thay đổi chính sách là cả một nghệ thuật và quy trình chặt chẽ.
Nổi bật cho sự kỹ lưỡng và thành công trong việc truyền thông và kiểm soát kỳ vọng đó cũng là Fed. Trước nhiều biến động lớn của kinh tế Mỹ và toàn cầu, đặc biệt là sau giai đoạn Covid-19, Fed vẫn khéo léo để làm thị trường hài lòng trong hầu hết các quyết định của mình. Cơ quan này liên tục tăng lãi suất để chống lại lạm phát, nhưng bằng việc lắng nghe kỳ vọng thị trường, những lần tăng lãi suất của Fed không gây sốc và minh chứng rõ nét nhất là cho đến thời điểm hạ lãi suất vừa qua, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ vẫn ở vùng cao nhất mọi thời đại.
Ở thái cực ngược lại, một ví dụ cho thấy sự tương đối vụng về của các ngân hàng trung ương sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến mức nào, đó là quyết định nâng lãi suất qua đêm từ 0-0,1%/năm lên 0,25%/năm - mức cao nhất kể từ năm 2008 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tại cuộc họp hồi tháng 7/2024. Lần tăng lãi suất này đã phá vỡ kỳ vọng của thị trường và diễn ra chỉ vài tháng sau khi BOJ chấm dứt 8 năm lãi suất âm. Không có gì đáng nói nếu BOJ chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để tránh gây sốc cho thị trường, khiến chỉ số Nikkei 225 giảm đến 30% sau ít ngày ngắn ngủi.
Câu chuyện trong nước
Trở lại trong nước, trong giai đoạn áp lực tỷ giá vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng rất tốt khi bán ngoại tệ can thiệp tỷ giá vào những thời điểm cần thiết, đồng thời truyền đi thông điệp rõ ràng với mục tiêu ổn định và đủ khả năng giữ vững tỷ giá, bất chấp những biến động bên ngoài. Hiện tại, chỉ số Dollar Index đã “hạ nhiệt” khiến tỷ giá USD/VND giảm sâu và những quyết định đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước giúp ổn định thị trường trong những thời điểm áp lực nhất. Sự quyết đoán của Ngân hàng Nhà nước là “mỏ neo” niềm tin cho nhiều thành phần tham gia thị trường thời gian qua.
Nguồn: Dittrich & Wohlmann, 2018 |
Tuy nhiên, trong quá khứ có những động thái chính sách và công tác truyền thông chưa tới, gây sốc cho thị trường, ví dụ như 2 lần tăng lãi suất trong giai đoạn cuối năm 2022 khi thanh khoản thị trường trái phiếu khủng hoảng, bất động sản “đóng băng” và các ngân hàng hết room tín dụng. Điều này khiến thị trường rơi vào trạng thái cạn kiệt thanh khoản và hoảng loạn, chỉ số VN-Index có những thời điểm lùi sâu xuống dưới 900 điểm, nhiều cổ phiếu bất động sản bị call margin chéo và giảm hết biên độ trong nhiều phiên. Còn nền kinh tế sau đó như chúng ta đã thấy, suy giảm về nhiều mặt và Ngân hàng Nhà nước lại phải hạ lãi suất nhiều lần để vực dậy.
Nói như vậy để thấy rằng, trong mỗi quyết định chính sách, việc lắng nghe thị trường là rất quan trọng. Bởi lẽ tâm lý thị trường sẽ ngược lại, tác động đến hiệu quả của chính sách và bối cảnh vĩ mô. Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, mọi thứ đều được lan tỏa rất nhanh, kể cả những điều tốt và những điều chưa tốt. Bởi vậy, trong mỗi hành động, cần tham khảo kỹ để tiên đoán trước những phản ứng.
Trong khảo sát mới nhất của S&P, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thị trường có chỉ số am hiểu tài chính khá thấp trong khu vực và trên thế giới, do đó các chính sách khi được ban hành khả năng cao hơn sẽ không được số đông hiểu đúng. Do đó, ngoài việc tiếp tục đào tạo, nâng cao hiểu biết của thị trường, vai trò của việc truyền thông một cách cẩn trọng nên được cân nhắc. Không chỉ với chính sách tiền tệ nói riêng mà với tất cả các chính sách tài chính khác nói chung.