1. Tôi hiểu một cách giản đơn, truyền thông là việc truyền tải thông tin đến các đối tượng cần được biết, cần được hiểu về các thông tin cần truyền tải. Tôi cho rằng, trong công tác tổ chức thực thi pháp luật, hoạt động truyền thông chính sách có vai trò rất quan trọng, ví như “dẫn lối, mở đường”, vai trò đầu tàu trong giai đoạn triển khai, đưa các nội dung chính sách, các quy định pháp luật vào đời sống xã hội.
Có không ít người cho rằng, truyền thông chính sách thuộc về trách nhiệm của các cơ quan báo chí, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhưng tôi không quan niệm như vậy, mặc dù chức năng chính của cơ quan báo chí là truyền thông và vai trò của họ là rất lớn. Nghề báo là một nghề được xã hội tôn trọng, nhưng nghề này rất gian nan, vất vả, rủi ro…, đòi hỏi người làm nghề phải có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kỹ năng… dựa trên nền tảng của cái “tâm” trong sáng, thiện lương, khách quan, trung thực (thường gọi là đạo đức nghề nghiệp).
Tôi cho rằng, truyền thông chính sách trước hết và trên hết thuộc trách nhiệm của cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, đề xuất chính sách trong tất cả các giai đoạn từ khởi thảo, đề xuất chính sách, ban hành các văn bản, các quy định pháp luật, rồi tiếp đến khi chính sách đó được triển khai, tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm làm công tác nghiên cứu, xây dựng và chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách pháp luật về thuế, tôi cho rằng, cơ quan chủ trì chính sách không tự mình làm truyền thông được, mà phải hợp tác, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông.
Với đặc thù công việc làm chính sách đòi hỏi phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, tính tổ chức rất cao, nên lúc đầu tôi cũng tỏ ra thận trọng, e dè với báo chí. Tuy nhiên, sau này, cùng với bối cảnh xã hội cởi mở hơn, cũng như hiểu được những đóng góp hiệu quả của báo chí với công việc của đơn vị và nhiệm vụ của bản thân mình, đã thúc đẩy tôi cộng tác tích cực với các cơ quan báo chí.
Tác giả trả lời phỏng vấn báo chí tại một cuộc hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức |
Với bất kỳ một chính sách mới nào, thông thường giai đoạn nghiên cứu, đề xuất cần được bí mật thông tin, sau đó thông tin sẽ được mở dần khi chính sách bước vào giai đoạn soạn thảo, trình lên các cấp. Đặc biệt, trong giai đoạn xin ý kiến, tổ chức tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo, thông tin sẽ được chia sẻ rộng rãi với sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông. Đây chính là giai đoạn vất vả nhất, mệt nhất và cũng là “rủi ro” nhất với cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn mà cơ quan soạn thảo có nhiều thông tin nhất, nhiều ý kiến phản biện đa chiều nhất, và đối với những người làm chính sách ham học hỏi, tu dưỡng nghề nghiệp, thì giai đoạn này cũng thu được nhiều thành công nhất về nhận thức, tư duy, rèn luyện bản lĩnh.
Giai đoạn triển khai thực hiện, đưa chính sách vào cuộc sống, việc tuyên truyền, giải trình không phải là nhiệm vụ của bộ phận soạn thảo nữa, mà sẽ do bộ phận khác phụ trách (chẳng hạn Tổng cục thuế có Vụ tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế và bộ phận truyền thông thuộc Văn phòng). Tuy nhiên, tôi luôn cho rằng, những người chủ trì soạn thảo hoặc tham gia vào quá trình soạn thảo nhất định phải tham gia vào công tác truyền thông chính sách, nhiều khi phải dẹp bỏ cái tự ái cá nhân với các bộ phận khác, bởi hơn ai hết, họ mới là người nắm chắc, hiểu rõ các ngóc ngách của nhiều vấn đề, nếu như không muốn nói là nắm “hồn, cốt” của văn bản pháp luật.
2. Nhiều người hỏi tôi làm sao để các đạo luật, chính sách ban hành được người dân, doanh nghiệp... đón nhận một cách tích cực, để chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống? Theo tôi, bất cứ quy định mới nào đều rất khó được đón nhận, bởi nó khiến cho đối tượng chịu tác động phải thay đổi thói quen, đặc biệt khi người dân nhận thấy quy định mới không có lợi cho họ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có không ít chính sách mới được đánh giá là sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đưa vào cuộc sống, nhưng nhờ làm tốt công tác truyền thông, đã phát huy hiệu quả tích cực và thiết thực trong dài hạn, dù lúc đầu cũng gặp không ít trở ngại.
Muốn chính sách mới dễ đi vào cuộc sống, gốc vấn đề vẫn là chính sách đó, văn bản pháp luật đó phải có nội dung tốt cho cái chung, tốt cho người dân và xã hội, văn bản đó phải rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ và các chế tài áp dụng đối với hành vi không tuân thủ. Cùng với đó, công tác truyền thông sao cho người dân, những đối tượng chịu tác động hiểu được cái lợi, cái hại nếu không tuân thủ quy định mới, đồng thời luôn tôn trọng, kiên trì động viên, thuyết phục, biểu dương, khích lệ người dân để họ tự nguyện chấp hành các quy định pháp luật, nhất là các quy định động chạm đến lợi ích của cá nhân. Có thể kể đến như các quy định về cấm đốt pháo nổ, bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, xe mô tô, hay không có độ cồn trong máu khi lái xe…
Với các chính sách về thuế, chúng ta đều biết, không một ai thích đóng thuế, nhưng khi người dân hiểu được rõ vấn đề thì họ sẽ tuân thủ. Từ kinh nghiệm của bản thân trải qua hơn 40 năm làm công tác quản lý, xây dựng chính sách và nghiên cứu về chính sách thuế, tôi cho rằng, các cơ quan báo chí, truyền thông có rất nhiều công sức đóng góp với công tác thuế của đất nước, không chỉ riêng đối với cơ quan thu thuế là ngành Thuế, ngành Hải quan.
Trong công việc và cuộc đời nghiên cứu xây dựng chính sách, tôi nhớ mãi kỷ niệm làm việc với 2 nhà báo, cũng là lãnh đạo của 2 cơ quan báo chí lớn.
Câu chuyện đầu tiên là tôi tìm chọn và thuyết phục được một chuyên gia truyền thông của truyền thông, đó là anh Trần Bình Minh, nguyên Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam - VTV (khi đó đang là Trưởng ban Thời sự), thực hiện công tác truyền thông trên chính nghề nghiệp và vị trí của anh, đó là bãi bỏ Thẻ miễn phí dành cho các nhà báo.
Đầu năm 2002, trong ngày đầu triển khai thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (tác phẩm đầu tay của Vụ Chính sách Tài chính thuộc Bộ Tài chính, nay được phát triển thành Vụ Pháp chế và Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí), VTV cùng chúng tôi thực hiện truyền thông tuyên truyền thực tế. Khi xe của VTV đi qua trạm soát vé cầu Chương Dương đã thực hiện mua vé bình thường như các xe khác thay vì được miễn phí.
Sau đó, triển khai thực hiện Pháp lệnh, Bộ Tài chính đã tổ chức rà soát để bãi bỏ 343 khoản phí và lệ phí trong cả nước, giúp nền kinh tế giảm được chi phí khoảng trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Cùng với đó là việc bãi bỏ, chấm dứt hẳn tình trạng miễn giảm phí, lệ phí một cách tràn lan qua các loại “thẻ ưu tiên”.
Có lẽ cũng từ cuộc ra quân đầy “lương duyên” ấy mà tôi đã có sự thay đổi trong nhận thức về những người làm báo. Từ đó, dần dần tôi cũng thay đổi cách tiếp cận, phương pháp làm việc: Từ chỗ “e dè, thận trọng” trong cung cấp thông tin, cho đến việc chủ động cung cấp thông tin, mời báo chí vào cuộc ngay từ khi mỗi dự án chính sách được khởi thảo. Đó là cả một quá trình lâu dài trải nghiệm, cộng tác, cùng làm việc để thấu hiểu, tin tưởng vì nhiệm vụ chung của mỗi cơ quan, cũng như trách nhiệm của một công chức đối với đất nước.
Câu chuyện thứ 2 cũng chứa đầy kỷ niệm, đó là phối hợp công tác với chuyên gia báo chí, TS. Nguyễn Anh Tuấn, khi đó là Tổng Biên tập Báo Đầu tư - người được Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam ủy quyền làm việc với Vụ Chính sách thuế, báo cáo Bộ Tài chính xem xét tháo gỡ những khó khăn đối với cơ quan báo chí. Kết quả là Thông tư số 150/2010/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan báo chí được Bộ Tài chính ban hành vào đúng ngày 27/9/2010.
Chắc cũng vì các mối lương duyên này, mà suốt cuộc đời công tác sau này, tôi luôn nhận được sự tin yêu, hợp tác, giúp đỡ của các nhà báo và bản thân tôi cũng trở thành một “cây viết” cộng tác với nhiều tờ báo, cũng như tham gia nhiều diễn đàn về công tác truyền thông chính sách do các cơ quan báo chí tổ chức.