Bất động sản phủ sóng truyền thông
Có thể nói, cùng với ngành hàng tiêu dùng, bất động sản là một trong những ngành được truyền thông nhiều nhất trong thời điểm hiện nay.
Chưa có số liệu thống kê cụ thể mỗi năm các doanh nghiệp bất động sản dành bao nhiêu kinh phí cho hoạt động quảng bá, truyền thông, nhưng nhìn tần suất dày đặc các dự án bất động sản được giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể thấy được phần nào mức độ quan tâm của các chủ đầu tư tới vấn đề truyền thông. Ngoài các kênh chính thức, với sự phát triển của internet và mạng xã hội, doanh nghiệp địa ốc còn đẩy mạnh thông tin dự án qua nhiều kênh khác dựa trên nền tảng internet, nhằm tạo sức lan tỏa của thông tin tới người tiêu dùng.
Nghiên cứu gần đây của Vietnam Report cho thấy, trong lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp có sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh trên truyền thông thuộc về nhóm chủ đầu tư với một số tên tuổi nổi bật như Vingroup, Novaland, Nam Long, CEO Group, Him Lam, Hải Phát Invest, Phú Long, MIK Group, HDMon..., hay các nhà thầu xây dựng lớn như Coteccons, Hòa Bình Corp...
Sự xuất hiện trên truyền thông với những thông tin tích cực góp phần không nhỏ vào việc tạo lập sự tự tin cho doanh nghiệp và niềm tin nơi khách hàng. Nhờ đó, uy tín thương hiệu của doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, qua đó góp phần gia tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Ngoài quảng cáo bằng hình ảnh, thông tin của doanh nghiệp ngành này, cũng như dự án mà họ triển khai còn xuất hiện thường xuyên trên các chuyên mục, các bài báo ở nhiều góc độ.
Số liệu thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, trong 3 năm vừa qua, thị trường có bước tăng trưởng nhảy vọt về nguồn cung, cũng như lượng giao dịch thành công với hàng trăm nghìn sản phẩm được giao dịch, trải đều trên các phân khúc khác nhau, từ căn hộ cao cấp, đất nền, cho đến bất động sản nghỉ dưỡng và văn phòng cho thuê.
Trong số sản phẩm được giao dịch thành công đó, có sự đóng góp lớn từ các dự án được có độ phủ mạnh về truyền thông hoặc gắn với tên tuổi của các chủ đầu tư uy tín nêu trên.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, theo ước tính của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, có khoảng 21.000 giao dịch thành công tại Hà Nội và hơn 41.000 giao dịch tại TP.HCM. Trong 6 tháng đầu năm 2018, có khoảng gần 12.000 giao dịch thành công tại Hà Nội và khoảng 17.000 giao dịch thành công tại TP.HCM. Trong đó, các dự án có thanh khoản cao đa số đều gắn với tên tuổi của các chủ đầu tư có uy tín về mặt truyền thông trên thị trường.
Xu hướng truyền thông bắt đầu thay đổi
Nhận thấy lợi ích mang lại của việc phủ sóng truyền thông, trong khoảng 1 - 2 năm trở lại đây, rất nhiều đơn vị, thậm chí là cá nhân các nhân viên môi giới cũng không tiếc tiền cho việc truyền thông dự án nhằm mục đích bán được hàng. Tuy nhiên, tại một số dự án, do PR quá đà về chất lượng, dịch vụ, khi cư dân về ở, nhận thấy chất lượng công trình và dịch vụ dự án không như kỳ vọng, đã gây ra nhiều vụ tranh chấp chung cư, làm mất niềm tin của khách hàng vào những lời quảng cáo.
Các doanh nghiệp bất động sản sử dụng rất đa dạng các kênh quảng bá dự án. Ảnh: Lê Toàn
Ngoài ra, việc thực hiện truyền thông theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không theo kế hoạch thống nhất chung tại nhiều dự án đôi khi lại phản tác dụng, bởi nó sẽ khiến người mua bị lạc vào ma trận thông tin, dẫn đến nghi ngờ về dự án không quyết định xuống tiền.
Còn nếu khách hàng vì tác động từ những thông tin quảng cáo quyết định mua nhà tại dự án đó, nhưng khi về ở, nhận thấy chất lượng, dịch vụ, tiện ích của dự án không như quảng cáo, sẽ phát sinh tranh chấp. Khi đó, uy tín của chủ đầu tư sẽ giảm đi trong mắt khách hàng, ảnh hưởng xấu tới các dự án sau, như trường hợp xảy ra tại các dự án Hồ Gươm Plaza, Huyndai Hillstate...
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trưởng phòng kinh doanh của một sàn giao dịch bất động sản trên đường Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, sau hàng loạt vụ tranh chấp, nhất là sau sự cố về cháy chung cư xảy ra cuối quý I/2018, xu hướng truyền thông trên thị trường bất động sản đã bắt đầu có sự thay đổi. Các sự cố này khiến tâm lý của khách hàng có sự dao động với công tác truyền thông, ngay kể cả đối với các đơn vị có sự chủ động về truyền thông chuyên nghiệp.
Theo ông Trịnh Nguyễn Tuấn Anh, sáng lập Cộng đồng King Broker, vào thời điểm hiện tại, việc đẩy mạnh thương hiệu dự án bằng các chiến lược marketing là chuyện thực sự không dễ dàng. Làm sao để tìm đúng khách hàng trong phân khúc mình nhắm tới? Làm sao để tiếp cận và truyền tải đúng thông điệp đến họ? Làm sao để họ ra quyết định mua? Đó là những câu hỏi mà chủ đầu tư, cũng đơn vị thực hiện chương trình marketing cần phải trả lời.
Theo đó, uy tín sẽ là bài toán bức thiết đối với các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới. Việc chạy theo xu thế truyền thông, marketing hiện đại của các chủ đầu tư dự án bất động sản, hay doanh nghiệp phân phối là điều đáng khích lệ, nhưng rõ ràng, truyền thông sao cho đúng và đủ hiện nay là không hề dễ dàng.
Thêm vào đó, theo ông Tuấn Anh, ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng trong giai đoạn tới sẽ là ngành gắn liền với công nghệ 4.0, nên sự tác động của công nghệ cũng sẽ dần thay đổi hoạt động kinh doanh của ngành này. Do đó, doanh nghiệp bất động sản hiện nay phải trở nên "đa năng" hơn, hiện đại hơn trong việc xây dựng uy tín của doanh nghiệp trên truyền thông.
Trong đó, theo khảo sát của King Broker, hai yếu tố quyết định đến việc xây dựng uy tín của doanh nghiệp trên truyền thông là doanh nghiệp liên tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau và xuất hiện những đánh giá tích cực về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ở góc độ doanh nghiệp, chất lượng công trình, năng lực tài chính, tầm nhìn thương hiệu dài hạn là 3 mục tiêu doanh nghiệp đánh giá là quan trọng nhằm giữ vững vị thế và nâng cao uy tín.
Khi yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, thông tin công bố trên thị trường ngày càng minh bạch và có tính thời sự, các chủ đầu tư và nhà phân phối sẽ ngày càng phải quan tâm đến sự bền vững và lâu dài của các dự án, công trình xây dựng.
“Dưới áp lực cạnh tranh gia tăng cả trong nước lẫn quốc tế, trong thời gian tới, các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả sẽ dần bị loại bỏ. Để có thể trụ vững trên thị trường, các chủ đầu tư bắt buộc phải chứng minh năng lực thực sự, các nhà thầu xây dựng cũng cần liên tục cải thiện chất lượng, đẩy mạnh tính chuyên nghiệp trong các dự án, công trình”, ông Tuấn Anh nói.
Về góc độ những người làm công tác truyền thông, ông Tuấn Anh nhấn mạnh, cần phải hiểu mong muốn của chủ doanh nghiệp, phải xem xét lại từ việc định vị sản phẩm, định giá bán, làm các chương trình phân phối, tiếp thị và nhất là phải có chiến lược rõ ràng.
Bên cạnh đó, người làm truyền thông phải được đào tạo bài bản về cách làm truyền thông chuyên nghiệp. Mặt khác, phải hiểu rõ nguồn lực của công ty, quy mô, ngân sách để có khả năng làm được câu chuyện truyền thông mà mình mong muốn hay không và phải hiểu sảm phẩm để định ra chiến lược cụ thể.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com