Chưa đúng hướng, chưa đầy đủ
Chia sẻ với giới truyền thông gần đây, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, hiện nay, nội dung truyền thông về bảo hiểm đang thiên về việc bảo hiểm là một công cụ để giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn khi gặp rủi ro.
“Điều này đúng nhưng chưa đủ, bởi lẽ đang bỏ quên một điều quan trọng: bảo hiểm còn giúp các khách hàng hạn chế bớt rủi ro trước khi tổn thất bất ngờ ập đến. Nghĩa là, nếu tôi tham gia bảo hiểm thì tôi sẽ được quản trị tốt trong quy trình sản xuất và nhờ đó, trong nông nghiệp sẽ có các quy trình sản xuất chất lượng tốt, an toàn”, ông Thịnh tiếp lời.
Với sự kiện gây tổn thất lớn như siêu bão số 3, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trước khi cơn bão đổ bộ, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến cơn bão, bằng nhiều hình thức khác nhau đã liên hệ với khách hàng trong vùng tâm bão để hướng dẫn các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản để giảm thiểu tối đa thiệt hại; nhanh chóng cử người đến các vùng bị bão lũ tàn phá để tiếp nhận thông tin về thiệt hại và lên phương án tạm ứng bồi thường. Công tác truyền thông về các hoạt động này của doanh nghiệp bảo hiểm, vì thế, mới làm nổi bật vai trò bảo hiểm như là một công cụ giúp giảm thiểu tổn thất của người dân, doanh nghiệp trước những biến động khó lường.
Thực tế, lâu nay, công tác nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng vệ rủi ro cho khách hàng vẫn chưa được các công ty bảo hiểm ưu tiên. Điều này được cho là xuất phát từ việc các công ty mải mê chạy đua về doanh thu, thị phần - những con số mang tính bề nổi. Trong nhiều vụ tranh chấp, khiếu nại bảo hiểm phát sinh thời gian qua, một số công ty bảo hiểm thừa nhận, do “mải bán”, “mải cấp đơn” bảo hiểm mà khâu tư vấn về sản phẩm, quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng, nhất là khâu cảnh báo tổn thất còn bị lơ là. Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận nhiều trường hợp như vậy.
Khi mua các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm sức khỏe, hay bảo hiểm hàng hóa vận chuyển…, khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân chỉ được hỗ trợ vượt qua khó khăn sau khi đã xảy ra sự cố, chứ ít được phía nhà bảo hiểm lên phương án phòng chống tổn thất trước khi rủi ro xảy đến.
Đề xuất được đưa ra từ Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi cấp đơn bảo hiểm cho các hộ nông dân, cho doanh nghiệp nông nghiệp, nhà bảo hiểm cần phối hợp với các đối tác để gợi mở cho khách hàng áp dụng các công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp... Điều đó sẽ giúp khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm phòng ngừa các sự cố trong chăn nuôi, trồng trọt, chẳng hạn ngăn ngừa ô nhiễm cho nguồn nước tại các vùng nuôi tôm, cá, chứ không phải đợi đến lúc cá chết, nông dân mất trắng thì nhà bảo hiểm mới xuất hiện.
Hệ quả của việc truyền thông bảo hiểm chưa đúng hướng, chưa đầy đủ cũng được nhiều chuyên gia trong ngành chỉ rõ. Đó là người dân còn mơ hồ, chưa hiểu hết vai trò của các sản phẩm bảo hiểm.
Hệ quả của việc truyền thông bảo hiểm chưa đúng hướng, chưa đầy đủ là, người dân còn mơ hồ, chưa hiểu hết vai trò của các sản phẩm bảo hiểm.
Tại lễ công bố về việc Việt Nam đã kết nối thành công vào hệ thống ACMI năm ngoái, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thừa nhận, truyền thông bảo hiểm về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới còn chưa đầy đủ, khiến nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của sản phẩm này và yêu cầu xóa bỏ quy định chủ xe cơ giới bắt buộc phải mua.
Cũng do không hiểu hết ý nghĩa của sản phẩm bảo hiểm này, nhiều người còn lầm tưởng rằng khi xảy ra tai nạn, chủ xe sẽ được bồi thường. Trong khi đó, theo quy định, bên bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường cho tổn thất, thương tật về người, tài sản cho bên thứ ba theo hạn mức đã được giao kết.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, để vun đắp thêm niềm tin của người dân đối với bảo hiểm, ngoài việc tăng cường tuyên truyền về vai trò của bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm cần tăng cường chất lượng tư vấn để khách hàng hiểu rõ hơn về các điều khoản được quy định tại hợp đồng bảo hiểm. Đặc biệt, tư vấn viên cần lưu ý khách hàng về các trường hợp bị từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm, về tài chính của khách hàng trước khi ký kết hợp đồng.
Ngân sách cho truyền thông ngày càng eo hẹp
Ghi nhận từ các cơ quan báo chí, các công ty truyền thông, nếu như ba năm trở về trước, thời điểm hoàng kim của ngành bảo hiểm, ngân sách truyền thông của ngành này cũng rất nhỏ bé so với quy mô doanh thu phí bảo hiểm. Khi khủng hoảng truyền thông của ngành bảo hiểm xảy ra, doanh thu của nhiều doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là khối bảo hiểm nhân thọ, sụt giảm mạnh, ngân sách cho hoạt động truyền thông giảm còn một nửa, thậm chí chỉ còn 1/3 so với trước kia.
Nhân sự phụ trách bộ phận truyền thông - marketing của một số công ty bảo hiểm lớn trải lòng, dù họ rất muốn đề xuất tăng ngân sách cho công tác truyền thông để giảm bớt những hiểu lầm, những nhận thức chưa đúng về bảo hiểm, nhưng trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp phải tiết kiệm chi phí thì chi phí truyền thông là thứ đầu tiên mà lãnh đạo doanh nghiệp nghĩ đến trong diện cắt giảm.
11 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng 0,22%, ước đạt 204.109 tỷ đồng, cho thấy tín hiệu khả quan trong ngắn hạn, nhưng vẫn cần nhiều thời gian để thị trường bảo hiểm hồi phục thực sự. Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của các doanh nghiệp vẫn đi theo hướng thận trọng. Bối cảnh này, cùng với chính sách tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi phí được áp dụng trên diện rộng, một số doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến vẫn tiếp tục thắt chặt ngân sách cho công tác truyền thông.
Trong khi đó, hơn bao giờ hết, các công ty bảo hiểm đang cần những dự án truyền thông chuyên nghiệp, bài bản, dài hơi để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo hiểm - một yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và thị trường bảo hiểm nói chung.