Tai nạn xe máy chiếm tới 64% các vụ tai nạn giao thông

Tai nạn xe máy chiếm tới 64% các vụ tai nạn giao thông

Truyền thông bảo hiểm bắt buộc xe còn chưa đầy đủ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là loại bảo hiểm bắt buộc phải mua và đã được quy định trong luật, thế nhưng tranh cãi xung quanh việc bỏ hay giữ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy vẫn diễn ra cho thấy công tác tuyên truyền về loại hình bảo hiểm này còn chưa đầy đủ.

Không bãi bỏ bảo hiểm bắt buộc xe

Tại lễ công bố Việt Nam kết nối thành công vào Hệ thống bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN (ACMI - ASEAN Compulsory Motor Insurance System) hồi trung tuần tháng 11/2023, ông Nguyễn Quang Huyền - Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính nhấn mạnh, đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc bảo hiểm xe không ảnh hưởng đến chính sách bán bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới xuyên biên giới, bởi theo nội dung Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời đại biểu Quốc hội trước đó không lâu là không thể bãi bỏ.

Cần nói thêm là việc Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống ACMI ngoài khẳng định xe cơ giới của ASEAN quá cảnh vào Việt Nam phải mua bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới, còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển xe cộ, hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới ASEAN.

Cũng dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Huyền cho biết, bảo hiểm xe cơ giới được quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Luật Kinh doanh bảo hiểm nên mang tính bắt buộc. Mặt khác, thống kê cho thấy, tai nạn xe máy chiếm tới 64% các vụ tai nạn giao thông. Từ năm 2021 đến tháng 9/2023, các công ty bảo hiểm đã chi trả cho các vụ tai nạn xe máy gần 2.300 tỷ đồng cho thấy các quy định đã bảo vệ người lái xe máy.

Tại phiên chất vấn các “tư lệnh” ngành (Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV) vào đầu tháng 11/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, người đi xe máy tham gia giao thông nếu bị tai nạn được chi trả tối đa 150 triệu đồng, xe bị tai nạn được chi trả 50 triệu đồng. Để thuận lợi hơn trong chi trả bảo hiểm, Nghị định 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định rõ, trong vòng 3 ngày, công ty bảo hiểm phải chi trả bảo hiểm cho người bị tai nạn. Trong trường hợp ảnh hưởng tới tính mạng mới cần có biên bản, giấy tờ của công an, nếu không thì chỉ cần có ảnh và cung cấp hồ sơ điện tử, trong vòng 3 ngày, công ty bảo hiểm phải giải quyết các thủ tục cần thiết.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt - doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất được Bộ Tài chính giao triển khai bán bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới xuyên biên giới cho hay, khi không may xảy ra sự cố, tai nạn lúc tham gia giao thông, Bảo Việt sẽ giải quyết bồi thường theo đúng quy định tại Nghị định 67/2023.

“Đây là một dự án đặc thù nên Bảo Việt sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông cũng như cung cấp thông tin và số hotline để các chủ phương tiện nắm được. Đồng thời, Công ty sẽ bố trí một bộ phận trực tuyến để hỗ trợ chủ xe. Khi có sự cố, Công ty sẽ cử giám định viên đến hiện trường và cố gắng giải quyết sớm nhất có thể, tạo thuận lợi trong quá trình bồi thường”, ông Hưng nói và chia sẻ thêm, Bảo Việt cũng sẽ bố trí phiên dịch viên để giải quyết vấn đề bất đồng ngôn ngữ, qua đó hỗ trợ giải quyết bồi thường nhanh chóng, kịp thời giữa các quốc gia trong khu vực.

Cần tăng cường truyền thông bảo hiểm xe

Từ năm 2021 đến 9/2023, các công ty bảo hiểm đã chi trả cho các vụ tai nạn xe máy gần 2.300 tỷ đồng.

Trên thực tế, không phải đến nay, mà từ vài năm trước đã có nhiều phản ánh mua bảo hiểm bắt buộc, trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực bởi thủ tục bồi thường khó khăn, phức tạp, việc mua bảo hiểm chủ yếu nhằm mục đích tránh bị cơ quan chức năng xử phạt khi điều khiển các phương tiện lưu thông trên đường, do đó mới có đề xuất không bắt buộc mua bảo hiểm xe, mà để người dân tự nguyện.

Thời gian qua, cử tri nhiều địa phương như An Giang, Bến Tre, Long An, Bình Thuận... liên tục than phiền và đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu các công ty bảo hiểm đẩy nhanh bồi thường bảo hiểm xe máy theo cam kết. Bởi theo phản ánh, khi xảy ra tai nạn giao thông gây thiệt hại về tài sản hay tổn thất, thương tật về người, tài sản cho bên thứ ba theo hạn mức trách nhiệm đã được giao kết, việc giải quyết bồi thường còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà. Thậm chí, không ít ý kiến cho rằng, bảo hiểm xe máy không có giá trị sử dụng và chỉ để đối phó cảnh sát giao thông. Do đó, người dân không ít lần kiến nghị Bộ Tài chính xem xét bỏ quy định mua bảo hiểm bắt buộc với xe máy.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đòi bãi bỏ bảo hiểm bắt buộc xe một phần do người dân chưa nắm rõ và nhận thấy ý nghĩa thiết thực của sản phẩm, mà điều này xuất phát từ công tác truyền thông chưa đầy đủ từ cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý, không ít người còn nhầm lẫn quyền lợi bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện xe.

Ông Nguyễn Quang Huyền cũng thừa nhận, công tác truyền thông bảo hiểm nói chung, bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới nói riêng thời gian qua còn chưa được quan tâm đúng mức, khiến người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của sản phẩm này.

Chị Nguyễn Minh Hiền (đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể, chồng chị gặp tai nạn vào đầu tháng 10/2023, chiếc xe máy bị hư hỏng khá nặng và được công an xác nhận, thế nhưng công ty bảo hiểm không đền bù. Sau khi tìm hiểu mới biết, sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô - xe máy chỉ bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn do lỗi của chủ xe cơ giới (chứ không phải bồi thường cho chủ xe). Người bị tai nạn sẽ được bảo hiểm chi trả quyền lợi bồi thường cho những thiệt hại về người và tài sản do lỗi của chủ phương tiện gây ra theo quy định của pháp luật. Người tham gia bảo hiểm sẽ không phải tự mình đền bù thiệt hại.

“Không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của loại bảo hiểm bắt buộc này, khi mà lâu nay nhiều người vẫn nghĩ cứ mua bảo hiểm là chủ xe được đền bù. Như trường hợp của gia đình tôi, phải mua bảo hiểm thân vỏ xe (bảo hiểm tự nguyện) mới được đền bù”, chị Hiền nói.

Là người sử dụng cả bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện dành cho xe cơ giới, anh Đỗ Đức Chinh (Tây Mỗ, Hà Nội) cho hay, loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy là cần thiết cho người tham gia giao thông và các nước trên thế giới đều đang áp dụng, vấn đề ở đây là cần tuyên truyền rộng rãi để người dân nắm rõ và sử dụng.

Theo ông Nguyễn Khắc Xuân, chuyên gia bảo hiểm, Nghị định 67/2023 có nhiều điểm mới theo hướng bảo vệ người tham gia bảo hiểm nên cần được phổ cập rộng rãi để người dân nắm rõ lợi ích của bảo hiểm xe cơ giới, từ đó nâng cao hiểu biết cũng như trách nhiệm về bảo hiểm xe nói riêng, bảo hiểm nói chung.

Tin bài liên quan