Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị Viện Kiểm sát truy tố 2 tội danh.
Cùng với đó, có 50 bị can bị truy tố ở 4 nhóm tội danh, trong đó, 13 bị can bị truy tố tội “Thao túng thị trường chứng khoán”; 23 bị can bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 4 bị can bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; 3 bị can bị truy tố tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”; 8 bị can bị truy tố 2 tội “Thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, đối với hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/1/2022, bị can Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để Huế thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.
Tiếp đó, Huế quản lý, sử dụng các tài khoản để thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Khi giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của Quyết, Trịnh Thị Minh Huế bán cổ phiếu ra thị trường, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Còn với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cáo trạng xác định, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên Công ty cổ phần Xây dựng Faros, các công ty thuộc Tập đoàn FLC; người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn. Điều này giúp nâng khống hơn 3.102 tỷ đồng vốn góp vào Công ty cổ phần Xây dựng Faros, làm tăng vốn điều lệ của công ty từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.
Sau đó, các bị can tạo lập hồ sơ, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty cổ phần Xây dựng Faros tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2022 (thời điểm bị khởi tố, tạm giam), bị can Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu, thu được hơn 4.800 tỷ đồng, trong đó chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Để xảy ra hậu quả trên, Viện Kiểm sát cho rằng có sự tham gia tích cực của các bị can trong vụ án vào quá trình nâng khống vốn góp, ủy thách đầu tư, nhận ủy thác đầu tư, hợp thức dòng tiền từ vốn góp khống, xác định vốn góp khống… giúp Quyết bán cổ phiếu được hình thành từ vốn góp chủ sở hữu khống, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Trong vụ án này, 4 bị can thuộc sàn HoSE là người có chức vụ, quyền hạn, biết rõ chưa đủ xác định số vốn góp thực của Công ty Foros là 4.300 tỷ đồng theo Báo cáo tài chính kiểm toán và Công văn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng vì bị can Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị HoSE do có quan hệ với Quyết nên nhận lời làm nhanh hồ sơ niêm yết của Công ty Faros, đồng ý niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HoSE trái pháp luật, gây thiệt hại cho hơn 30.000 nhà đầu tư.