Khoảng 9h ngày 19/12/2016, tổ công tác thuộc Độ 5, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an Hà Nội) phối hợp với Công an phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) kiểm tra hàng hóa tại nhà của Kiểu Văn Sơn (ở phố Lê Trọng Tấn, phường Định Công, quận Hoàng Mai) phát hiện thấy Sơn đang đóng gói phụ tùng xe gắn máy không có nhãn hiệu vào túi nylon có in chữ Yamaha và vào vỏ hộp có in sẵn chữ Yamaha.
Ngoài ra, tổ công tác còn phát hiện tại tầng 1, tầng 2 của nhà Sơn có để nhiều phụ tùng xe gắn máy mang nhãn mác, bao bì của Yamaha và Honda.
Sơn không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số phụ tùng xe gắn máy đó nên tổ công tác đã lập biên bản thu giữ gồm 1.136 phụ tùng xe gắn máy có nhãn hiệu Yamaha và 360 phụ tùng xe gắn máy có nhãn hiệu Honda.
Cơ quan công an còn thu giữ hơn 2.200 sản phẩm xe gắn máy các loại không có nhãn hiệu. Qua giám định đã kết luận, số phụ tùng xe gắn máy mà Sơn đang lưu giữ không phải do hãng Yamaha và Honda sản xuất ra.
Kết quả điều tra xác định, Sơn khai, bắt đầu kinh doanh buôn bán phụ tùng xe gắn máy từ năm 2013. Quá trình kinh doanh, Sơn thấy phụ tùng xe máy nhãn hiệu Honda và nhãn hiệu Yamaha được người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng nhiều hơn các thương hiệu khác nên Sơn đã nảy sinh ý định mua phụ tùng xe gắn máy giả nhãn hiệu Honda và nhãn hiệu Yamaha để đem bán sẽ thu được lợi nhuận cao hơn.
Qua internet, Sơn tìm hiểu và mua số phụ tùng giả này của một đối tượng người Trung Quốc ở Móng Cái (Quảng Ninh).
Sau khi nhận được hàng, Sơn đem vỏ hộp bằng bìa các tông có in nhãn Yamaha, thuê người dán làm thành vỏ hộp, đóng hàng vào hộp. Sơn đem giao bán cho các cửa hàng và giao các khách lẻ tại nhà Sơn.
Để tránh sự phát hiện của người tiêu dùng cũng như các cơ quan chức năng, Sơn còn dùng thủ đoạn mua một số loại phụ tùng xe gắn máy chính hãng Honda và Yamaha để bán cùng các loại phụ tùng giả này. Sơn khai, thu lãi được tổng cộng khoảng 100 triệu đồng.
Văn phòng Luật sư Phạm và liên danh, đơn vị đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Honda Việt Nam và Yamaha Motor Việt Nam đã cung cấp bảng giá phụ tùng. Căn cứ vào đó, cơ quan công an xác định số lượng hàng giả tương đương với số hàng thật có giá trị gần 200 triệu đồng.
Tài liệu truy tố xác định, mặc dù biết rõ Nhà nước nghiêm cấm việc mua bán lưu thông trên thị trường Việt Nam những hàng hóa giả mạo nhãn hiệu chất lượng cả các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh đã đăng ký bản quyền và được bảo hộ ở Việt Nam, nhưng với mục đích hám lợi, Kiều Văn Sơn đã có hành vi mua bán phụ tùng xe gắn máy giả nhãn hiệu Honda và Yamaha rồi bán ra thị trường giả thương hiệu của Công ty Honda Việt Nam và Công ty Yamaha motor Việt Nam.
Đây là các nhãn hiệu đã được đăng bạ quốc gia nhãn hiệu hàng hóa tại Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam, được độc quyền sử dụng nhãn hiệu đó trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tổng số hàng giả thu giữ là 1.459 phụ tùng xe máy, trong đó có 1.099 nhãn hiệu Yamaha và 360 nhãn hiệu Honda, trị giá tương đương với trị giá hàng thật là gần 195 triệu đồng.