Thiệt hại 6.126 tỷ đồng
Vừa qua, Viện KSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 46 bị can trong giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến 3 ngân hàng, gồm Sacombank, TPBank, BIDV.
46 bị can bao gồm Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB, Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Sacombank, Nguyễn Việt Hà, nguyên Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt; Đặng Thị Bích THủy, nguyên Phó giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp TPBank, Đinh Việt Cường, nguyên Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp TPBank; Hoàng Long Hà, nguyên Phó giám đốc BIDV chi nhánh Gia Định; Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên Trưởng phòng khách hàng 1, BIDV chi nhánh Gia Định, Nguyễn Vũ Bảo, nguyên chuyên viên phòng Khách hàng doanh nghiệp 1, BIDV chi nhánh Gia Định...
Tất cả các bị can đều bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Được biết, trong giai đoạn 1 của vụ án, Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh; nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB), và 14 bị can đồng phạm đã bị xét xử và tuyên án về tội danh Vi phạm quy định cho vay và Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định Phạm Công Danh còn có nhiều hành vi sai phạm nên ngày 11/3/2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã quyết định tách vụ án hình sự với nội dung liên quan đến 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV thành giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh.
Đến nay, Viện KSND Tối cao đã hoàn thành và tống đạt cáo trạng truy tố giai đoạn 2 vụ án. Cáo trạng xác định, từ năm 2013 đến năm 2014, Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên Ngân hàng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng nhiều pháp nhân, lập hồ sơ khống để vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.
Các khoản vay này được bảo đảm bởi các khoản tiền gửi của VNCB. Sau đó, các ngân hàng cho vay đã xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ - vốn là tiền gửi của VNCB.
Ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên đến nay không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó, dẫn đến Ngân hàng VNCB bị thiệt hại số tiền 6.126 tỷ dồng.
Vay tiền Sacombank trả cho BIDV
Cụ thể, năm 2013, VNCB đang có khoản nợ 2.600 tỷ đồng tại Ngân hàng BIDV và sắp đến hạn trả nợ. Để có nguồn tiền thanh toán các khoản vay nói trên, Phạm Công Danh chỉ đạo lập biên bản họp HĐQT VNCB thống nhất chủ trương dùng tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng của VNCB làm tài sản bảo đảm cho các khách hàng vay vốn để lấy tiền chi chăm sóc khách hàng.
Phạm Công Danh đến gặp Trầm Bê, khi đó là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Sacombank đề nghị cho vay tiền. Trầm Bê đồng ý và cùng Phạm Công Danh gặp Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank. Hai bên thống nhất sẽ cho Phạm CÔng Danh vay 1.800 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.
Sau đó, Phạm Công Danh đã chỉ đạo giao cho Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB, Mai Hữu Khương, nguyên thành viên HĐQT, Giám đốc khối kinh doanh VNCB và một số thuộc cấp khác chuẩn bị nguồn tiền để bảo lãnh và hoàn thành thủ tục hồ sơ vay vốn khống của 6 công ty. Đây đều là các công ty của Phạm Công Danh.
Sacombank đã giải ngân 1.800 tỷ đồng cho các công ty này và sau đó toàn bộ số tiền được chuyển tới tài khoản của Phạm Công Danh mở tại Ngân hàng ACB. Hết thời hạn vay, Sacombank đã tự động thu nợ gốc và lãi, tổng cộng 1.835 tỷ đồng. Số tiền vay được, Phạm Công Danh sử dụng hơn 1.600 tỷ đồng để trả cho BIDV.
Cơ quan điều tra đã trưng cầu Ngân hàng Nhà nước giám định để xác định hành vi, trách nhiệm và hậu quả trong việc gửi tiền, nhận tiền, thu nợ, cho vay nói trên. Kết luận giám định cho rằng việc bảo lãnh của VNCB cho 6 công ty vay vốn tại Sacombank gây thiệt hại cho VNCB số tiền 1.835 tỷ đồng. Sacombank không có thiệt hại.
Phát hành trái phiếu
Tiếp đó, để có tiền chăm sóc khách hàng và tăng vốn đầu tư, Phạm Công Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai tìm cách rút tiền ra khỏi VNCB chuyển về để Danh sử dụng. Phan Thành Mai đã gặp Nguyễn Việt Hà, nguyên Tổng giám đốc CTCP quản lý quỹ Lộc Việt dùng biện pháp ủy thác đầu tư sang Quỹ Lộc Việt và mượn 11 pháp nhân để vay tiền TP Bank.
Nguyễn Việt Hà đã gặp Đặng Thị Bích Thủy, nguyên Phó giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp và Đinh Việt Cường, nguyên Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp TP Bank thống nhất cho 11 công ty vay tiền để đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, bảo đảm bằng tiền gửi của VNCB.
Nguyễn Việt Hà đã chỉ đạo cấp dưới phối hợp với các nhân sự của VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh phát hành 1.200 trái phiếu và làm hồ sơ vay vốn. Trên cơ sở hồ sơ vay vốn này, TP Bank đã giải ngân 1.666,8 tỷ đồng.
Do các công ty không xuất trình được các hồ sơ thể hiện việc triển khai, thực hiện dự án là mục đích phát hành trái phiếu nên TPBank đã thu nợ trước hạn đối với 7 công ty. Tiếp đó thu hồi nốt số nợ còn lại. Tổng cộng là 1.740 tỷ đồng.
Kết luận giám định xác định VNCB bị thiệt hại hơn 1.736 tỷ đồng. So với số tiền gốc và lãi TP Bank đã thu nợ thì chênh lệch hơn 3 tỷ đồng. Đây là khoản tiền ban đầu Quỹ Lộc Việt giữ lại nhưng do thủ tục ủy thác đầu tư không đúng nên khoản tiền này đã được trả lại.
Bảo vệ, lái xe... làm giám đốc
Tháng 5/2013, Phạm Công Danh gặp ông Đoàn Ánh Sáng, Phó tổng giám đốc BIDV. Hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác với nội dung cơ bản là BIDV ủng hộ VNCB tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách là ngân hàng của người bán...
Khi VNCB tái cơ cấu, do không có tiền tăng vốn điều lệ, Phạm Công Danh đã đến gặp lãnh đạo BIDV Hội sở chính, gặp ông Đoàn Ánh Sáng (theo Danh khai) đặt vấn đề giới thiệu doanh nghiệp sang BIDV vay vốn, VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình bảo đảm cho khoản vay. Sau khi được lãnh đạo Hội sở chính BIDV thống nhất, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới lựa chọn 12 pháp nhân đứng tên vay 4.700 tỷ đồng. Đây là các công ty do Phạm Công Danh đã lập trước đó với giám đốc là nhân viên, bảo vệ, lái xe… đứng tên.
Trên cơ sở hồ sơ vay vốn và văn bản giới thiệu của VNCB, Ban Khách hàng doanh nghiệp thuộc Hội sở chính BIDV đã lập tờ trình về việc phê duyệt chủ trương cho vay và được ông Đoàn Ánh Sáng, Phó Tổng giám đốc phụ trách phê duyệt đồng ý và xin chủ trưởng Phó Tổng giám đốc Trần Lục Lang và Tổng giám đốc.
Hồ sơ vay được chuyển tới Ban Quản lý rủi ro thẩm định theo quy trình. Sau đó, Ban Quản lý rủi ro có tờ trình về việc phê duyệt chủ trương cho vay và được ông Trần Lục Lang, Phó Tổng giám đốc ký trình Ủy ban quản lý rủi ro để xem xét.
Ủy ban quản lý rủi ro đã lấy ý kiến các thành viên và tiếp đó, ông Trần Bắc Hà, khi đó là Chủ tịch HĐQT BIDV, đồng thời là Trưởng phân ban rủi ro tín dụng đầu tư của Ủy ban quản lý rủi ro ký quyết định phê duyệt chủ trương cho vay đối với 12 công ty.
Có 4 chi nhánh tiếp nhận hồ sơ, xem xét, thẩm định, cấp tín dụng, giải ngân... với tài sản bảo đảm là 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB và một số bất động sản khác.
Do 12 công ty này không thể bổ sung hồ sơ hóa đơn về việc mua bán, giao nhận hàng hóa nên BIDV đã thu nợ trước hạn. Tổng cộng BIDV đã thu gốc và lãi gồm 4.699 tỷ đồng tiền gốc, 226 tỷ đồng tiền lãi và 1,5 tỷ đồng lãi phạt, trong đó có 2.550 tỷ đồng từ nguồn tiền gửi VNCB bảo lãnh.
Ở hành vi này, cơ quan giám định kết luận VNCB bị thiệt hại 2.550 tỷ đồng.
Cơ quan công tố xác định toàn bộ số tiền các công ty vay được từ 3 ngân hàng đã được Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng cho các mục đích của Danh như trả nợ, tăng vốn... Hành vi của Phạm Công Danh và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho VNCB 6.126 tỷ đồng.