Truy tìm nguyên Trưởng phòng Môi giới ORS

Truy tìm nguyên Trưởng phòng Môi giới ORS

(ĐTCK) PC46 Công an TP. HCM đang truy tìm Nguyễn Thanh Hào, nguyên Trưởng phòng Môi giới CTCK Phương Đông (ORS), liên quan đến việc lạm dụng tài khoản của NĐT.

Các tài khoản được xếp theo nhóm

Quá trình điều tra cho thấy, theo quy định của ORS và căn cứ theo yêu cầu của khách hàng, ORS xếp tài khoản của các NĐT vào chung một nhóm để quản lý. Các NĐT trong nhóm có thể dùng tài sản của các tài khoản này hỗ trợ lẫn nhau khi giao dịch và dùng tài sản (chứng khoán, tiền...) của cả nhóm đó làm tài sản đảm bảo để nhận được hỗ trợ vốn từ ORS.

Nguyễn Thanh Hào được giao quản lý một nhóm gồm hơn 14 tài khoản khác nhau. Lợi dụng việc này, Hào tự ý sử dụng tài khoản chứng khoán của thành viên trong nhóm để mua bán chứng khoán cho cá nhân, sau đó phê duyệt và sử dụng tiền hỗ trợ thanh toán với số tiền 2,1 tỷ đồng, nhằm thanh toán cho các giao dịch mua chứng khoán nói trên, nhưng không thanh toán lại tiền cho ORS. Hào đã thừa nhận sai phạm, nhưng sau đó lẩn tránh, dù Cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu hợp tác để làm rõ vụ việc trên.

Truy tìm nguyên Trưởng phòng Môi giới ORS ảnh 1

Trước những rủi ro đến từ nhân viên, các CTCK đang tăng cường hệ thống kiểm soát rủi ro

Thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp, kiện tụng như vụ việc ở CTCK Tràng An, CTCK APEC, CTCK Trường Sơn (TSS)… Hồi đầu năm nay, tại TSS xảy ra vụ việc tranh chấp với NĐT Trần Thị Vượng. TSS cũng áp dụng cách thức quản lý nhóm tài khoản và cho phép các NĐT trong nhóm dùng chứng khoán, tiền của các tài khoản làm tài sản bảo đảm để sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, NĐT Trần Thị Vượng khẳng định, không sử dụng đòn bẩy tài chính, không ký lệnh mua bán…, nhưng TSS lại yêu cầu NĐT phải trả nợ. Vụ việc này cho đến nay vẫn chưa có hồi kết. Hiện TSS đã rút nghiệp vụ môi giới.

Trở lại trường hợp của ORS, trao đổi với ĐTCK, đại diện ORS cho biết, vụ việc được phát hiện từ tháng 6/2011, sau khi Công ty tiến hành thanh kiểm tra trên toàn hệ thống nghiệp vụ môi giới. Theo đó, phát hiện những tài khoản khách hàng của Nguyễn Thanh Hào quản lý có những dấu hiệu bất thường trong dư nợ hỗ trợ thanh toán, Công ty đã yêu cầu giải thích nguyên nhân, nhưng ông Hào đưa ra những lý do không chính đáng và có dấu hiệu không hợp tác. Đến thời điểm hiện tại, dư nợ vẫn chưa được thu hồi. Để tránh sự việc kéo dài, ORS đã chủ động tiến hành gửi hồ sơ liên quan đến cơ quan điều tra, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng và của cả ORS.

 

CTCK tăng cường quản trị rủi ro

ORS chia sẻ, Công ty có cân nhắc trước khi đưa vụ việc ra cơ quan công an. Song với định hướng chiến lược là minh bạch, nên ORS đã đưa vụ việc ra cơ quan chức năng, nhằm xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, khẳng định quan điểm không dung dưỡng những sai phạm của nhân viên. Qua đó, ORS muốn xây dựng lại hình ảnh, khẳng định lại vị trí và thương hiệu của ORS trong lòng NĐT.

Vụ việc này đã thêm một bài học cho khối CTCK trong việc quản lý nhân sự, đồng thời nhân viên môi giới chứng khoán cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, thận trọng trong nghiệp vụ chứng khoán, tránh rủi ro cho khách hàng, công ty và cho chính bản thân.

Thực tế, các DN, đặc biệt là các định chế tài chính như ngân hàng, CTCK luôn phải đối mặt với rủi ro đạo đức từ khối nhân viên. Khi nhân sự cố tình làm trái quy trình, tìm cách lách quy định, có mục đích tư lợi, thì rất khó để ngăn chặn trước khi thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, những vụ việc này đã và sẽ thúc đẩy khối CTCK tăng cường quản trị rủi ro để tài sản của NĐT được bảo vệ tốt hơn.

Đối với ORS, sau khi vụ việc xảy ra, ORS cho biết, đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống giám sát, kiểm soát quản trị rủi ro. Hiện tại, các giao dịch liên quan đến nghiệp vụ đều được phân quyền phán quyết và có sự kiểm duyệt ít nhất 2 tầng, đồng thời có sự kiểm tra đối chiếu chéo hàng ngày của các bộ phận nghiệp vụ như: quản lý rủi ro và môi giới; kế toán và môi giới; quản lý rủi ro và kế toán; kế toán và đầu tư… Hệ thống kiểm soát này chỉ chấp nhận các lệnh mua/bán đúng quy trình và không nhân viên nào, kể cả trưởng phòng môi giới, có thể can thiệp vào hệ thống.

ORS cho biết đã xây dựng hệ thống quản lý tách bạch tiền và chứng khoán của khách hàng. ORS khuyến khích khách hàng mở tài khoản tiền giao dịch tại ngân hàng liên kết với Công ty để khách hàng chủ động giám sát, quản lý tiền của mình khi giao dịch chứng khoán.

Không chỉ ORS, trước những rủi ro đến từ nhân viên, các CTCK khác cũng đang tăng cường hệ thống kiểm soát rủi ro, ví dụ CTCK HSC. Theo HSC, trong môi trường kinh doanh chứng khoán với hành lang pháp lý chưa thực sự chặt chẽ, chế tài chưa đủ mạnh, các DN cần phải tự trang bị các biện pháp hạn chế rủi ro, hạn chế tổn thất về tài sản của cổ đông, cũng như uy tín của DN. Mới đây, HSC đã khởi động triển khai Dự án nâng cấp quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, dưới sự tư vấn của một công ty tư vấn quốc tế uy tín. Dự án này nhằm xây dựng một mô hình quản trị rủi ro bài bản và có hệ thống hơn, phù hợp với yêu cầu của các NĐT quốc tế.

Luật sư Nguyễn Vĩnh Ban, Phó giám đốc Công ty Luật DNAS

 

NĐT cần cân nhắc cẩn thận khi lựa chọn CTCK để gửi gắm tài sản. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, NĐT có thể khởi kiện CTCK.

Trong các trường hợp xảy ra thất thoát tài sản của NĐT, trước hết pháp nhân là các CTCK phải chịu trách nhiệm hoàn trả tài sản cho NĐT và sau đó sẽ có hình thức xử lý đối với nhân viên vi phạm. NĐT mở tài khoản là gửi gắm tài sản cho CTCK, là tin tưởng vào uy tín của pháp nhân, chứ không phải gửi tài sản cho bất cứ cá nhân nào làm việc cho CTCK. Trong quá trình hoạt động, nếu nhân viên của pháp nhân làm sai quy trình, gian dối, tư lợi…, thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng.

Luật pháp quy định, khi có thiệt hại, thất thoát xảy ra, pháp nhân phải bồi thường cho khách hàng trước, sau đó truy cứu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự của nhân viên sau.