Từ lo lắng đến bức xúc
“Cú sốc” bất ngờ xảy đến với nhiều DN niêm yết trong năm 2013 khi họ bị truy thu TNDN liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với DN cổ phần hóa, niêm yết lần đầu trên TTCK. Ngoài hàng loạt DN niêm yết trên cả sàn HOSE và HNX như: BMP, PAC, S99… bất ngờ bị cơ quan thuế truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế TNDN, nhiều DN niêm yết khác cũng đang trong diện bị thanh, kiểm tra và đối mặt với nguy cơ bị truy thu thuế.
Trong số nhiều DN đã bị truy thu thuế, CTCP Sông Đà 909 (S99) là DN đầu tiên khởi kiện cơ quan thuế (Cục thuế TP. Hà Nội), để bảo vệ lợi ích của mình và cổ đông. Sau khi phản ánh về diễn biến vụ kiện này, ĐTCK nhận được ý kiến phản hồi của cổ đông nhiều DN niêm yết.
“Nếu DN niêm yết vi phạm pháp luật dẫn đến bị truy thu thuế, thì không có gì đáng bàn. Thế nhưng đằng này do cơ quan quản lý thay đổi chính sách, khiến DN bất ngờ phải gánh thêm nghĩa vụ thuế là điều khó chấp nhận…”, cổ đông của một DN niêm yết trên HNX bức xúc.
“Có một điểm chung tại nhiều DN bị truy thu thuế TNDN liên quan đến áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với DN niêm yết lần đầu, là họ đều thận trọng hỏi xin ý kiến của Tổng cục Thuế, Cục thuế các tỉnh, thành phố trước khi áp dụng các chính sách ưu đãi để kê khai, quyết toán thuế. Chưa bàn đến quy định pháp lý có hợp lý hay không, chỉ riêng việc DN thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan thuế, nhưng nay bất ngờ truy thu thuế đối là cách hành xử không sòng phẳng…”, đại diện cho cổ đông tổ chức tại một DN đang niêm yết trên HOSE nói.
Theo các cổ đông, việc truy thu thuế đối với DN niêm yết bất luận vì lý do gì, cần được tiến hành thận trọng, có cách làm khác với truy thu thuế đối với các loại hình DN khác. Lý do là với các DN niêm yết, bất kỳ một thông tin tiêu cực nào, nhất là các thông tin làm sụt giảm lợi nhuận, đều tác động tiêu cực ngay đến giá cổ phiếu. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho DN, mà cả cho các cổ đông.
Thực tế, việc cơ quan thuế công bố truy thu thuế đã đẩy nhiều DN vào thế khó, thậm chí trầy trật trong thu xếp nguồn để nộp thuế. Nhiều DN có nguy cơ mất thanh khoản, khó khăn trong hoạt động kinh doanh, bị buộc phải hủy niêm yết… Khi những diễn biến này xảy ra, thì cái mất sẽ khó lường không chỉ cho thu ngân sách nhà nước, mà cả với TTCK, trong đó đáng ngại nhất là mất niềm tin.
Doanh nghiệp mang tiếng xấu
Từ bức xúc, nhiều cổ đông quay sang chất vấn ban lãnh đạo DN, rằng DN có lỗi gì, thậm chí có gian dối, bất minh gì trong chấp hành nghĩa vụ thuế hay không mà dẫn đến bị truy thu thuế, khiến DN rơi vào tình cảnh khó khăn, quyền lợi của cổ đông bị ảnh hưởng?
“Khổ nhất là giải thích cho cổ đông nước ngoài, bởi với họ, việc DN vi phạm nghĩa vụ thuế là rất nghiêm trọng, không đáng tin để tiếp tục đầu tư…”, người công bố thông tin của một DN bị truy thu thuế nói và cho biết thêm, kể từ khi DN bị truy thu thuế, ban lãnh đạo DN thường xuyên nhận được các câu hỏi chất vấn gay gắt của các cổ đông. Họ bức xúc vì việc DN bất ngờ bị truy thu thuế hàng trăm tỷ đồng, đã tác động xấu đến giá cổ phiếu, đến kế hoạch đầu tư vào DN của họ…
Các DN mang tiếng xấu với cổ đông, không chỉ bởi bị nghi ngờ có biểu hiện gian dối trong chấp hành nghĩa vụ thuế, mà còn bởi đối mặt với khả năng thất hứa trong thực hiện kế hoạch chi trả cổ tức như định hướng đã cam kết với cổ đông. Theo ông Nguyễn Quốc Chưởng, Phó trưởng phòng Kế toán (S99), việc bị truy truy thu thuế khiến DN phải trầy trật thu xếp nguồn để nộp, trong khi nếu không bị nộp khoản này, thì DN vừa có điều kiện trả cổ tức cho cổ đông, vừa giảm gánh nặng vay vốn trang trải cho sản xuất - kinh doanh…
Chờ đợi câu trả lời cuối cùng
Về phía nhà quản lý, trong một sự kiện diễn ra cuối năm 2013, khi gặp một ý kiến hỏi trực tiếp về quan điểm với việc truy thu ưu đãi thuế với DN niêm yết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời rằng, vấn đề này sẽ bàn sau. Dù người đứng đầu Bộ Tài chính chưa thể hiện quan điểm chính thức, nhưng các DN và nhất là các cổ đông, các thành viên thị trường, rất chờ đợi một câu trả lời cụ thể, rõ ràng cho những bức xúc nêu trên từ Bộ Tài chính.