Cỗ máy tạo tiền Sabeco
Báo cáo tài chính công ty mẹ Sabeco năm 2017 cho thấy, tại ngày cuối năm 2017, Sabeco có 2.382 tỷ đồng tiền và tương đương tiền; 6.374 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (là các khoản tiền gửi có kỳ hạn).
Trong khi đó, trên báo cáo tài chính hợp nhất Sabeco, tại cùng thời điểm trên, Tổng công ty có tới 4.268,7 tỷ đồng số dư tiền và tương đương tiền, 6.558,8 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (là tiền gửi và các công cụ lãi suất cố định khác).
Với số dư tiền như trên, Sabeco là một trong những doanh nghiệp có nhiều tiền (mặt) nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Số tiền mặt tại Sabeco chỉ thấp hơn một số doanh nghiệp niêm yết có vốn điều lệ lớn hơn rất nhiều như: PVGas (hơn 27.000 tỷ đồng), Vinamilk (hơn 11.500 tỷ đồng), PLX (xấp xỉ 19.300 tỷ đồng)…
Với Sabeco, điểm rất hấp dẫn thể hiện khả năng thanh khoản của Tổng công ty chính là việc Sabeco hầu như không có vay nợ ngân hàng.
Mặc dù số dư khoản phải trả lên tới hơn 7.300 tỷ đồng là không nhỏ, nhưng so với quy mô tiền và tài sản tương đương tiền thì vẫn ở mức thấp; và các khoản này tập trung chủ yếu ở các khoản phải trả, phải nộp.
Tại ngày 31/12/2017, số dư nợ ngắn hạn (Sabeco không vay dài hạn) trên báo cáo tài chính hợp nhất chỉ là 720 tỷ đồng (hợp nhất).
Không chỉ có tình hình tài chính lành mạnh, điểm nổi bật của Sabeco để các cổ đông có thể không bị cảm giác lo ngại về khoản truy thu 2.500 tỷ đồng chính là việc tạo ra dòng tiền thường xuyên rất tốt của Tổng công ty. Khoản truy thu này chưa bao gồm 2.106 tỷ đồng là thu nhập từ hoạt động đầu tư.
Theo báo cáo tài chính riêng quý IV/2017 của Sabeco, tổng lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty là hơn 5.390 tỷ đồng. Tính riêng dòng tiền Công ty mẹ, thu nhập trước thuế, chi phí khấu hao, dự phòng, các khoản đầu tư của Sabeco năm 2017 ở mức 3.423 tỷ đồng.
Trên báo tài chính hợp nhất, con số này lên tới trên 6.445 tỷ đồng, cho thấy, hệ thống Sabeco thực sự là một cỗ máy tạo tiền khổng lồ cho cổ đông và nền kinh tế.
Chính vì vậy, trong tình huống phát sinh nguy cơ phải nộp về ngân sách nhà nước 2.500 tỷ đồng, vấn đề với Sabeco có lẽ sẽ nghiêng về việc thiệt hại tài chính, chứ ít có khả năng tác động đến tính ổn định, bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày.
Thực tế tài chính Sabeco mạnh hơn số liệu báo cáo?
Cuối năm 2017, Sabeco có tới cả chục nghìn tỷ đồng số dư tiền, nhưng điều này liệu có phải là tất cả? Trong bối cảnh Tổng công ty mới chốt danh sách cổ đông thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2017 bằng tiền tỷ lệ 35% mệnh giá cổ phần ngày đầu năm 2018 với tổng giá trị chi trả 2.244 tỷ đồng, thì việc đối mặt nguy cơ mất thêm 2.500 tỷ đồng có tạo ra vấn đề thanh khoản tạm thời?
Và khi trả lời câu hỏi này, một vấn đề khá bất ngờ trong cách hạch toán báo cáo tài chính của Sabeco xuất hiện.
Báo cáo tài chính Sabeco cuối năm 2017 (riêng lẻ) cho thấy, ngày 31/12/2017, Sabeco có vốn chủ sở hữu 12.328 tỷ đồng trên vốn điều lệ 6.412,8 tỷ đồng, trong đó Quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2017 là 2.224 tỷ đồng.
Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với lợi nhuận Sabeco hạch toán năm 2017. Trong khi đó, phần nghĩa vụ phải trả, Sabeco có hạch toán phần 1.443 tỷ đồng cổ tức phải trả cho cổ đông. Câu hỏi đặt ra là, vì sao có khoản nợ này?
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về việc phát sinh khoản phải trả này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Kế toán trưởng Sabeco cho biết, đây là khoản nợ phải trả về cổ tức cho cổ đông năm tài chính 2017. Nhưng vì sao là 1.443 tỷ đồng mà không phải là 2.244 tỷ đồng tương ứng với 36% vốn điều lệ? Và vì sao lại có 1.008 tỷ đồng đã chi trả trong năm 2017, trong khi trước ngày 31/12/2017, Sabeco không có thông báo tạm ứng cổ tức cho cổ đông?
Và đến đây, một câu chuyện khác được hé lộ.
Sabeco cho biết, hàng năm, Tổng công ty đều trả cổ tức “trước” cho cổ đông Nhà nước. Sau đó, cổ đông bên ngoài nhận cổ tức sau. Năm 2016, báo cáo tài chính cho thấy, Sabeco cũng trả trước hàng nghìn tỷ đồng cho cổ đông Nhà nước, trước khi thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông đại chúng.
Chưa nói đến sự đối xử khác nhau giữa các cổ đông của Sabeco, cách hạch toán vốn chủ sở hữu của Sabeco cũng khá thú vị. Tại ngày 31/12 hàng năm, Sabeco đã thực hiện bút toán giảm luôn Quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, từ đó hạch toán giảm vốn chủ sở hữu của Tổng công ty tương ứng với phần cổ tức sẽ chia cho năm tài chính đó.
Cách hạch toán hơi… khác lạ này khiến các nhà đầu tư bên ngoài không hình dung ra được đầy đủ sức mạnh tài chính thực sự của Sabeco. Xin lấy ví dụ về một trường hợp tương tự để so sánh.
Cùng ngày 29/12/2017, cả Sabeco và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đều có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức cho nhà đầu tư. Trong đó, Sabeco có ngày giao dịch không hưởng quyền là 15/1/2018, thời gian chi trả là 23/1/2018. Với MB, ngày giao dịch không hưởng quyền là 17/1/2018, ngày chi trả là 31/1/2018.
Với lịch hưởng quyền trên, về cơ bản, 2 doanh nghiệp không có sự khác biệt. Tuy nhiên, trên báo cáo tài chính của MB, ngân hàng này không hạch toán trừ trước phần cổ tức dự kiến chia vào vốn chủ và cũng không ghi nhận trước khoản cổ tức là nghĩa vụ phải trả.
Một ví dụ so sánh khác trên thị trường là Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát cũng có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2017 vào ngày 19/12/2018, với ngày đăng ký cuối cùng là 18/1/2018, ngày chi trả 20/3/2018, nhưng báo cáo tài chính của An Phát cũng chỉ phản ánh tác động của phần cổ tức đã thực chia cho cổ đông trước đó.
Vậy cách hạch toán nào là chuẩn mực? Phần đánh giá này chờ các nhà chuyên môn cho ý kiến, nhưng thực tế báo cáo tài chính kiểm toán của Sabeco (các năm trước) và của các doanh nghiệp khác hạch toán theo cách khác đều được kiểm toán chấp thuận toàn phần (Sabeco là E&Y kiểm toán, MB là KPMG, An Phát là Công ty Kiểm toán IFC).
Trong khi chờ các nhà chuyên môn đánh giá cách hạch toán nào chuẩn hơn thì có một điều chắc chắn là với các nhà đầu tư thông thường, nếu không đọc kỹ thông tin và nhận thấy sự phát sinh số liệu bất thường của Sabeco, việc sử dụng các mô hình định giá sẽ trở nên bị sai lệch.
Kiến nghị truy thu 2.500 tỷ đồng: Nỗi lo mang tên… mua thoái vốn Nhà nước
Trong một diễn đàn dành cho các nhà đầu tư tài chính, giám đốc một quỹ đầu tư ngoại cho biết, khách hàng của ông trong 2 năm gần đây đã có sự chuyển dịch đáng kể, từ việc ưu tiên mua cổ phiếu niêm yết sang dành một tỷ trọng lớn mua cổ phiếu thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
“Nhưng chúng tôi đang quan sát sự kiện Sabeco. Nếu những kiến nghị của Kiểm toán nhà nước được chấp thuận, đó sẽ là tiền lệ xấu”, vị này nhận xét.
Giám đốc quản lý danh mục một quỹ ngoại lớn khác đang hoạt động tại Việt Nam thì nhận xét: “Có lẽ đây là tư duy của người quen làm kiểu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và thực hiện cổ phần hoá. Chúng tôi chỉ là một cổ đông nên sẽ chờ động thái từ phía cổ đông lớn Thaibev. Tôi tin rằng, họ sẽ có kênh để truyền đạt lên Chính phủ, để Chính phủ có phán quyết đúng, thượng tôn pháp luật. Nếu không có 2.500 tỷ đồng đó, liệu Sabeco có được định giá cao ngất ngưởng khi bán cổ phần vừa qua không? Ngay trong công bố thông tin khi giảm sở hữu nhà nước tại Sabeco về mức 36% vốn điều lệ, phía Việt Nam cũng cam kết không có phát sinh gì về nghĩa vụ tài chính của Sabeco ngoại trừ câu chuyện thuế tiêu thụ đặc biệt”.
Theo vị này, thương vụ chào bán Sabeco vừa qua ghi danh toàn cầu, nên quan điểm thu thêm cho ngân sách từ Sabeco 2.500 tỷ đồng là rất cần xem xét tính chuẩn mực về kế toán, về pháp lý, về những cam kết khi Nhà nước chào bán cổ phiếu Sabeco.
Nếu không xử lý chuẩn mực việc này rất có thể sẽ tạo nên một nỗi sợ cho các nhà đầu tư khi mua lại doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá vì biết đâu một ngày một lượng tài sản nào đó tại doanh nghiệp sẽ bị… xem xét lại?