Trong cuộc đàm phán thương mại lần 2 vừa diễn ra tại Washington (Mỹ), Mỹ - Trung đã đồng ý một thỏa thuận để ngăn chặn cuộc chiến thương mại.
Cụ thể, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin hôm Chủ nhật cho biết, hai nước đã đưa ra triển vọng về một cuộc chiến thương mại "tạm dừng" và đồng ý tổ chức nhiều cuộc đàm phán để đẩy mạnh xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Theo ông Mnuchin, đã đồng ý giảm các mối đe dọa thuế quan của mình và Trung Quốc hôm thứ Hai đã ca ngợi những kết quả của cuộc đàm phán.
Thông tin trên, cùng với việc giá dầu thô tăng mạnh đã đem lại niềm hứng khởi cho giới đầu tư phố Wall trong phiên giao địch dầu tuần mới sau phiên thận trọng cuối tuần trước. Trong phiên này, Dow Jones lên mức cao nhất 2 tháng, các chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng hồi mạnh trong phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 21/5, chỉ số Dow Jones tăng 298,20 điểm (+1,21%), lên 25.013,29 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 20,04 điểm (+0,74%), lên 2.733,01 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 39,70 điểm (+0,54%), lên 7.394,04 điểm.
Nỗi lo chiến tranh thương mại đi qua cũng khiến giới đầu tư châu Âu hứng khởi, giúp các chỉ số chính trên thị trường này cũng hồi phục tăng mạnh trở lại trong phiên đầu tuần mới sau phiên lình xình giảm nhẹ cuối tuần qua, trong đó chỉ số FTSE 100 của Anh thiết lập đỉnh cao lịch sử mới. Tuy nhiên, chứng khoán Đức không có được niềm vui chung khi nghỉ giao dịch trong phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 21/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 80,38 điểm (+1,03%), lên 7.859,17 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 23,01 điểm (+0,41%), lên 5.637,51 điểm. Chứng khoán Đức nghỉ giao dịch.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các chỉ số chính tiếp tục duy trì đà tăng nhờ thông tin căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã tìm được hướng ra. Ngoài ra, chứng khoán Nhật Bản tăng còn nhờ đồng yên yếu, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này.
Kết thúc phiên 21/5, chỉ ố Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 72,01 điểm (+0,31%), lên 23.002,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 186,44 điểm (+0,60%), lên 31.234,35 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 20,54 điểm (+0,64%), lên 3.213,84 điểm.
Giá vàng có phiên giao dịch đầy biến động trong phiên đầu tuần mới. Trong phiên châu Á, giá kim loại quý giảm mạnh xuống dưới mức 1.282 USD/ounce, mức thấp nhất 5 tháng khi đồng USD tăng mạnh lên mức cao nhất 6 tháng, với chỉ số USD Index vượt qua ngưỡng 94. Tuy nhiên, cuối phiên Á, bước sang phiên châu Âu, lực cầu bắt đáy giúp giá vàng dần hồi phục và leo thẳng một mạch hơn 10 USD/ounce, trở lại mức giá của phiên hôm trước, đóng cửa gần như không đổi.
Kết thúc phiên 21/5, giá vàng giao ngay tăng 0,3 USD (+0,02%), lên 1.292,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 0,4 USD/ounce (-0,03%), xuống 1.290,9 USD/ounce.
Sau phiên điều chỉnh nhẹ cuối tuần qua, giá dầu thô đã tăng mạnh trở lại trong phiên đầu tuần mới do Venezuela có khả năng đối mặt với các lệnh trừng phạt trong tương lai khi Mỹ không công nhận cuộc bầu cử vừa tổ chức của nước này.
Kết thúc phiên 21/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,96 (+1,33%), lên 72,24 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,90 USD (+0,90%), lên 79,22 USD/thùng.