Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại toà.

Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại toà.

Trương Mỹ Lan ưu tiên lấy tài sản của mình khắc phục cho các trái chủ

0:00 / 0:00
0:00
Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan khai không biết gì về việc phát hành trái phiếu, song sẽ tập trung bán tài sản, ưu tiên khắc phục hậu quả cho các trái chủ.

Chiều 23/9, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 bị cáo khác liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tiếp tục với phần xét hỏi.

Sau khi xét hỏi 28 bị cáo liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phát hành trái phiếu của các Công ty gồm: Công cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông (Công ty An Đông), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World (Công ty Sunny World), Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận (Công ty Quang Thuận), Công ty cổ phần Dịch vụ - Thương mại TP.HCM (Công ty Setra), chiều 23/9, Hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là một công ty uy tín, trước giờ chưa hề vi phạm pháp luật. Đồng thời, Công ty cũng không có nhu cầu phát hành trái phiếu. Cũng chính vì vậy mà bị cáo không biết gì về việc phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, khoảng năm 2017 - 2018, Nguyễn Phương Hồng (nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB, Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn) nói rằng, Ngân hàng SCB liên tục bị thanh tra, đang bế tắc quá, đề nghị bị cáo giúp đỡ thông qua việc phát hành trái phiếu để lấy tiền giúp đỡ SCB. Tuy nhiên, bị cáo không đồng ý vì Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không cần phát hành trái phiếu, không thiếu tiền, bị cáo cũng rất sợ…

Sau đó, Nguyễn Phương Hồng đưa ra đề nghị thứ hai là mượn các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu. Lúc này bị cáo đồng ý cho mượn công ty chứ không đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu.

“Khi bị cáo đồng ý cho mượn công ty, Nguyễn Phương Hồng chủ động làm hết. Cô ấy giỏi lắm nên chủ động làm việc, bàn với Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt - TVSI) để làm sao đó thì bị cáo không biết”, bị cáo Lan nói.

Cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho biết thêm, bị cáo không chối bỏ trách nhiệm, nhưng xin Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát làm sáng tỏ ai là người ra chủ trương phát hành. Bị cáo đang nỗ lực từng ngày hoàn trả tiền cho tất cả các bị hại, sẵn sàng dùng mọi tài sản để bồi thường cho người dân.

Liên quan đến cáo buộc tham gia vào việc phát hành trái phiếu tại Công ty An Đông, trị giá 25.000 tỷ đồng, nhưng không có tài sản đảm bảo, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, bản thân và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không hưởng lợi số tiền trên. Bởi theo bà Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát "dư sức" phát hành trái phiếu trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng, nhưng không làm.

Khi được tòa hỏi số tiền phát hành trái phiếu được dùng vào mục đích gì, bà Lan cho biết, SCB rất khó khăn, phát hành trái phiếu khoản sau để trả cho các khoản trước, trả lãi cho người dân và do SCB sử dụng chứ Vạn Thịnh Phát không được hưởng lợi.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Trương Mỹ Lan nói có một số cá nhân, tổ chức đang chiếm hữu số tiền 17.000 tỷ đồng, đề nghị Hội đồng xét xử tạo điều kiện để thu hồi tài sản nhằm khắc phục hậu quả.

Về hướng giải quyết bồi thường cho bị hại, bà Trương Mỹ Lan nói trong giai đoạn 1 nếu thu hồi được sẽ có 21.000 tỷ đồng và nếu thu hồi được 17.000 tỷ đồng này nữa sẽ đủ bồi thường cho các bị hại.

Đồng thời, bà Lan nói trong trường hợp dự phòng, đề nghị SCB trả lại cho bị cáo dự án 6A tại huyện Bình Chánh có diện tích hơn 26 ha. Dự án này không thế chấp cho các tổ chức tín dụng và có nhà đầu tư trả giá gần 20.000 tỷ đồng.

"Trong vụ án này, có nhiều bị hại là các ông bà già, đây là tiền dành dụm cuối đời, nhưng vì tin vào SCB, tin vào Trương Mỹ Lan mà bị mất tiền. Vì vậy, bằng mọi giá, bị cáo cũng phải trả hết cho người dân, hoàn cảnh của bị cáo quá bi đát, mong Hội đồng xét xử tạo điều kiện để một lòng, một dạ khắc phục. Mong Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử làm rõ việc ai là người ra chủ trương phát hành trái phiếu", bị cáo Lan nói trong nước mắt.

Ngoài ra, bà Lan cho biết thêm, hiện có dự án Amigo ở vị trí 4 mặt tiền đường Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng (phường Bến Nghé, quận 1). Dự án này có giá trị gấp 3 lần tòa nhà Times Square và không bị kê biên. Bị cáo tự nguyện đem dự án này để có tiền, ưu tiên trả cho trái chủ.

Khi tòa hỏi có oan sai hay không, bà Lan nói mình tôn trọng cáo trạng, nhưng mong Hội đồng xét xử xem xét lại chữ "chiếm đoạt", vì bị cáo đưa các tài sản vào SCB, làm mọi việc để cứu nhà băng này.

“Bị cáo không chiếm đoạt, mong Hội đồng xét xử xem xét. Bị cáo không biết có trái phiếu hay không”, bị cáo Trương Mỹ Lan nói và mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo khác. Đồng thời nhắc lại rằng, sẽ ưu tiên lấy tài sản của mình khắc phục cho các trái chủ.

Tin bài liên quan