Xu hướng chung trên thế giới là chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm CEO

Xu hướng chung trên thế giới là chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm CEO

Trường hợp nào Chủ tịch HĐQT nên kiêm CEO?

(ĐTCK) Nên hay không nên tách bạch giữa 2 chức danh chủ tịch HĐQT và CEO là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm tại Hội thảo “Xây dựng lộ trình phát triển quản trị công ty” do Sở GDCK Hà Nội (HNX) phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức cuối tuần qua.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc Chương trình Quản trị kinh doanh Maastricht, Đại học Bách khoa TP. HCM cho biết, trên thế giới, xu hướng chung là các doanh nghiệp tách bạch giữa vị trí chủ tịch HĐQT (người hoạch định chiến lược) và CEO (người thực hiện chiến lược), nhưng tại Việt Nam, trong bối cảnh các doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản trị ở cấp HĐQT và CEO, việc tách bạch hai vị trí này chưa hẳn đã tốt, cần cân nhắc kỹ.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Chi, Giám đốc Tư vấn quản trị doanh nghiệp, CTCK FPTS - một trong những đơn vị tham gia nhiều thương vụ IPO và cổ phần hóa DNNN cho biết, cải cách và nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp Việt Nam hiện tại là một trong những vấn đề cấp thiết, đặc biệt là với khối DNNN hoạt động kém hiệu quả trước đây.

Trong đó, để nâng cao minh bạch các hoạt động của doanh nghiệp, tránh trường hợp ban điều hành công ty bị lôi kéo và dễ có khả năng che giấu thông tin khỏi HĐQT khi chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm vị trí CEO, thì cần tách bạch các chức danh này. Tuy nhiên, thực tế trên thế giới, có những tổ chức rất lớn, một người kiêm nhiệm cả 2 chức danh mà vẫn thành công như Bank of America. Hay tại HNX, Chủ tịch và Tổng giám đốc là một người. Vậy tại sao phải chia tách và điều kiện để chia tách, điều kiện để kiêm nhiệm là gì?

Bà Anne E.Molyneux, Giám đốc CS International, thành viên Ban điều hành Mạng lưới quản trị công ty quốc tế (ICGN) cho hay, xu hướng chung trên thế giới là các doanh nghiệp lựa chọn phương án tách bạch, bởi lẽ CEO điều hành doanh nghiệp, chủ tịch HĐQT chịu trách nhiệm điều hành HĐQT, mà một trong những nhiệm vụ của HĐQT là giám sát CEO.

Nếu chủ tịch HĐQT và CEO là một người, các thành viên HĐQT sẽ khó có thể phê bình CEO hoặc phát biểu ý kiến độc lập, do đó có khả năng làm giảm khả năng minh bạch trước các cổ đông.

Theo bà Anne E.Molyneux, trong trường hợp chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm CEO, thì ít nhất 50% thành viên HĐQT nên là thành viên độc lập, vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề sống còn của doanh nghiệp như huy động vốn, hoạch định chiến lược kinh doanh… Như vậy mới có thể cân bằng cán cân quyền lực giữa đại diện cho người kiểm soát doanh nghiệp và đại diện cho nhóm cổ đông thiểu số.

TS. Vũ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về quản trị công ty, HNX chia sẻ, có khoảng 50% số doanh nghiệp niêm yết đang để một người cùng đảm nhiệm cả 2 chức danh chủ tịch HĐQT và CEO. Tuy nhiên, không thể nói rằng, những doanh nghiệp này có hoạt động quản trị công ty kém minh bạch.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện nay như Vinamilk, Cơ điện lạnh, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Kinh Đô, Masan… có Chủ tịch HĐQT kiêm vị trí CEO và đều nằm trong nhóm doanh nghiệp có quản trị công ty tốt.

Để đánh giá chính xác việc này, cần có sự rà soát lại, xem thực sự những doanh nghiệp có sự kiêm nhiệm đạt được thang điểm bao nhiêu so với những doanh nghiệp tách bạch hai chức danh trong các vấn đề về minh bạch thông tin, tôn trọng tiếng nói và quyền lợi của cổ đông thiểu số.

Bà Lê Thị Thu Hà, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dưới góc độ pháp lý, Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014 đều không quy định phải tách bạch 2 chức danh chủ tịch HĐQT và CEO. Tuy nhiên, các văn bản có liên quan về các công ty cổ phần niêm yết trên TTCK khuyến khích việc tách bạch hai chức danh này.

Trong bối cảnh kinh tế thay đổi nhanh chóng hiện nay, mỗi doanh nghiệp cần lựa chọn một mô hình và hướng đi phù hợp. Vấn đề không phải nằm ở hình thức (giám đốc cấp cao có vị trí như thế nào ở công ty), mà điều quan trọng chính là chức năng thực sự mà nó có thể làm được là gì, có thực sự mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cổ đông hay không?   

Tin bài liên quan