Từ câu chuyện "Mẹ ơi, con muốn ở trường!"…
Sáng thứ Bảy vừa rồi, chị bạn gọi điện thông báo đã nhận được nhà và mời hai vợ chồng tôi tuần sau sang tân gia. So với căn hộ cũ ở tập thể Hai Bà Trưng, căn hộ mới nằm trong một khu đô thị cách xa trung tâm Hà Nội so với ngôi nhà cũ của chị đến cả chục cây số.
Thế nhưng, chị vẫn hứng khởi bởi sau cả tháng trời nâng lên đặt xuống, chị cũng đã quyết tâm rời bỏ căn nhà tập thể cũ, gắn bó với nhiều kỷ niệm và đặc biệt gắn bó với cả người chồng quá cố của mình. Nhưng chị vui, bởi lẽ ở một môi trường mới, chị có điều kiện chăm sóc các con của mình tốt hơn khi ngôi trường quốc tế nằm ngay sát chân tòa nhà chung cư.
Thực tế, ban đầu chị cũng không biết được chất lượng học của ngôi trường đó có tốt thực sự hay không, thế nhưng, một cô bạn thân trong một lần đến chơi nhà đã say mê kể về một không gian sống mới với điều kiện tốt hơn, đặc biệt là ngôi trường trong khu đô thị đã thôi thúc chị tìm hiểu.
Vào group nhóm của những cha mẹ học sinh ở đây, chị nhận thấy hầu hết các bậc cha mẹ đều phản hồi rằng con cái của mình sau khi về học tại đây đều có sự thay đổi rõ rệt về nếp ăn, nếp uống, sinh hoạt… Thậm chí, có những đứa trẻ khi cha mẹ đến đón còn phụng phịu vì phải về quá sớm, mà không được ở lại trường lâu hơn.
Ngay sau đó, không ngần ngại suy nghĩ, chị đã quyết rao bán căn nhà để chuyển tới đây sinh sống. Mừng cho chị, bởi sau những năm tháng vất vả nuôi con một mình, chí ít bây giờ chị cảm thấy thoải mái hơn trong việc chăm sóc con cái, cũng như yên tâm hơn trong công việc dù quãng đường đi làm bây giờ phải xa hơn.
…tới bài toán hạ tầng xã hội
Đầu tư các cơ sở giáo dục trong một dự án bất động sản đã không còn là một xu hướng mà đã trở thành một tiện ích “phải có” nếu doanh nghiệp muốn đi đường dài và tạo dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng, chủ đầu tư dự án Crown Villas (Thái Nguyên), với nhu cầu sống ngày càng cao, những người mua nhà hiện nay (đa phần là người trẻ tuổi) đang có thiên hướng lựa chọn nhiều hơn tới các khu đô thị có trường học nội khu. Bởi xu thế các bậc cha mẹ luôn mong muốn con em mình được sinh hoạt, học tập trong môi trường tốt nhất và tương lai của con có ý nghĩa quan trọng đối với mọi gia đình.
Trường học theo tiêu chuẩn quốc tế tại dự án Crown Villas
Do vậy, mặc dù mô hình trường học trong dự án cần quỹ đất lớn và không mang lại lợi nhuận ngay lập tức như việc xây nhà ở, nhưng đó sẽ là giá trị gia tăng đặc biệt cho dự án. Bà Vinh cho rằng, nếu quyết tâm đầu tư thì sẽ mang lại nhiều lợi ích trong dài hạn, đặc biệt cho các cư dân về đây sinh sống, từ đó thương hiệu của chủ đầu tư cũng được nâng cao.
Với cư dân, chỉ riêng viễn cảnh giảm mối lo phải đưa con cái đi học hàng ngày trong cảnh tắc đường và ô nhiễm khói bụi, giao thông đông đúc, mất an toàn… đã là “cuộc sống trong mơ”. Bên cạnh đó, hầu hết các trường học tư thục trong các dự án khu đô thị hiện nay cũng được đầu tư các chương trình giáo dục đào tạo tiên tiến và phát triển toàn diện cả kiến thức và kỹ năng sống. Giảm áp lực lên hạ tầng giao thông xã hội nếu trường học ở nội khu dự án cũng là một trong những lợi điểm không nhỏ cần tính đến.
Đồng quan điểm, ThS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Thành Nam cho biết, cuộc sống chất lượng hơn, an ninh được đảm bảo hơn, tương lai con cái tươi sáng hơn... là những lợi ích thiết thực khi cư dân chọn sinh sống trong một khu đô thị hoàn chỉnh.
Thực tế, ở các quốc gia trên thế giới, tất cả các dự án gần trường học, đặc biệt gần các trường điểm, trường chất lượng cao, trường công, trường quốc tế, trường tư thục uy tín, có danh tiếng đều "được giá" và hút khách. Chính vì lợi điểm này, yêu cầu các bản vẽ thiết kế các khu đô thị quy mô lớn luôn phải ưu tiên xây dựng trường học trong khuôn viên dự án, nhằm đảm bảo một tổ hợp tiện ích hoàn chỉnh cho người dân sinh sống bên cạnh trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí hay shopping.
Bên cạnh đó, một xu thế hiện nay là yêu cầu các khu đô thị không chỉ có mô hình nhà trẻ như ngày trước, mà xây dựng thành các tổ hợp trường liên cấp với hệ sinh thái giáo dục đa dạng, giúp các bậc phụ huynh không phải lo nghĩ quá nhiều về việc học thêm hoặc bổ túc ngoài giờ với các chương trình ngoại khóa.
Mô hình nhà ở - trường học vẫn ít
Mô hình các trường học trong khu đô thị đã trở thành xu hướng hiện đại cho các dự án nhà ở, và nhiều chủ đầu tư đã ý thức hơn trong việc xây dựng các khu đô thị phải gắn với tiện ích trường học như Vingroup, Vihajico, Capital House, Thái Hưng, Sunshine Group… Tuy nhiên, nếu tính tỷ lệ dự án khu đô thị có tính hợp tiện ích trường học thì vẫn còn quá ít.
Sự thiếu đồng bộ này đã đẩy nhiều thành phố lớn vào một bài toán xã hội đầy thách thức là thiếu hụt trầm trọng trường học tại các khu vực nội đô. Theo Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, chỉ cần dân số tăng lên 1.000 người là đã dẫn đến biến động về nhu cầu trường học, vì cứ 1.000 dân thì có thêm ít nhất 50 trẻ nhỏ, tương ứng với 2 nhóm trẻ.
Với hàng trăm dự án đô thị tương ứng cả triệu dân thì nhu cầu rất lớn, hệ thống trường học cũ của các quận nội đô vốn xây dựng từ hàng chục năm trước không thể đáp ứng được. Trong khi đó, do chế tài chưa đủ mạnh, nên tại hầu hết các khu đô thị mới vẫn “trắng” trường học.
Chỉ tính riêng tại Hà Nội, theo công bố của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội về các công trình hạ tầng đô thị mới đây, trong 78 dự án khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng, chỉ có 36 dự án được đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ các công trình nhà trẻ, trường học với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch; còn lại các dự án có quy hoạch hạ tầng xã hội, nhưng chậm triển khai.
Trong báo cáo của Ban Văn hóa, Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội, nhiều dự án cụ thể được nhắc đến như như: Khu đô thị Đặng Xá còn một trường mầm non, một trường tiểu học, một trường THCS chưa triển khai đầu tư xây dựng; khu nhà ở 136 Hồ Tùng Mậu GoldMark City còn một trường tiểu học liên cấp và THCS đang triển khai xây dựng; dự án Tây Nam Linh Đàm chưa xây dựng 2 nhà trẻ mẫu giáo, một trường tiểu học, 2 trường THCS… Ngoài ra, ở một số khu đô thị đã xây dựng công trình hạ tầng xã hội, nhưng quy mô các công trình còn nhỏ so với quy mô dân số.
Theo KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội, thực trạng hiện nay, nhiều doanh nghiệp khi làm hồ sơ triển khai dự án thường tối đa hóa diện tích sản phẩm để bán, mà ít ai nhắc đến việc cần diện tích lớn đất trường học và hoạt động thể chất. Điều này không chỉ làm thiếu không gian, diện tích cho trường học mà còn ảnh hưởng đến loạt hạ tầng kỹ thuật khác. Đây là điều cần phải xem xét và cân nhắc lại trong công tác quản lý và giám sát các trường học trong các khu đô thị.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, bà Đỗ Thùy Chi, Phó chủ tịch Capital House cho rằng, việc xây dựng trường học không chỉ đem lại giá trị gia tăng cho cư dân, mà còn mang lại thương hiệu cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, không phải chủ đầu tư nào cũng đủ lực thực hiện, bởi đối với mô hình trường học, việc hoàn vốn cần nhiều thời gian hơn, riêng trường học xanh, điểm hoàn vốn lên tới 12 năm.
“Đầu tư trường học trong dự án, bên cạnh bài toán cân bằng lợi nhuận thì giá trị đối với cộng đồng xã hội cũng là đích đến của các chủ đầu tư phát triển mô hình này", bà Chi nhấn mạnh.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com