Thaco sử dụng công nghệ của Hàn Quốc, sản xuất xe buýt có tiêu chuẩn khí thải Euro 5, hướng tới xuất khẩu sang khu vực ASEAN. Ảnh: Đức Thanh

Thaco sử dụng công nghệ của Hàn Quốc, sản xuất xe buýt có tiêu chuẩn khí thải Euro 5, hướng tới xuất khẩu sang khu vực ASEAN. Ảnh: Đức Thanh

Trường Hải đầu tư lớn vào dự án xe bus

Có quy mô hơn 2.100 tỷ đồng, Dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) với sản phẩm xe bus lớn và mini bus sẽ tiếp tục là điểm nhấn của ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp phụ trợ.

Dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô của Thaco thực hiện trên cơ sở hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) sẽ giúp Việt Nam sản xuất ra xe bus có tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và hướng đến xuất khẩu sang thị trường khu vực ASEAN.

Có quy mô hơn 2.000 tỷ đồng, Nhà máy xe bus mới có công suất khoảng 20.000 xe/năm, gồm 8.000 xe bus lớn và 12.000 xe mini bus sẽ do 2 đối tác là Thaco và Hyundai cùng triển khai.

Cũng tại Dự án này, Công ty TNHH MTV Sản xuất và Lắp ráp ô tô khách Trường Hải (Thaco Bus) đã nghiên cứu, đề xuất và được Tập đoàn Hyundai chấp thuận cho phép nội địa hóa các linh kiện, chi tiết của xe mini bus H350 với các chi tiết như bộ ghế hành khách, bộ dây điện, các chi tiết nhựa nội thất, toàn bộ kính (kính chắn gió, kính hông và kính cửa). Theo kế hoạch, tất cả các chi tiết này đều được sản xuất bởi chính các nhà máy sản xuất, linh kiện, phụ tùng của Thaco đang hoạt động tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam).

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, dự án này cũng là cơ hội lớn để tiến tới sản xuất thân xe (body) ở Việt Nam, đáp ứng được mục tiêu mà Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra, góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Cần phải nói thêm là, trước khi có kế hoạch hợp tác với Hyundai tại Dự án Nhà máy xe bus mới, Thaco đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, lắp ráp xe bus. Năm 2006, với một dây chuyền sản xuất và lắp ráp xe bus tại Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải, Thaco đã khởi đầu nghiên cứu và sản xuất những chiếc xe khách giường nằm đầu tiên theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đồng thời với định hướng đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất xe bus, từ kết quả của quá trình nghiên cứu đầu tư công nghệ, ngày 14/5/2010, Thaco quyết định khởi công xây dựng Nhà máy xe bus chuyên biệt Thaco Bus tại Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải và đã đi vào hoạt động từ tháng 6/2011. Đây là nhà máy có quy mô lớn, với thiết kế theo modun lấp lẫn, được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 1649.

Nhà máy Thaco Bus được xây dựng trên diện tích 15 ha, trong đó diện tích nhà xưởng giai đoạn I là 3,8 ha, được Thaco đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại như dây chuyền sản xuất toàn bộ thân xe (body); xưởng sơn; dây chuyền sản xuất điện, máy lạnh, máy nội thất; dây chuyền lắp ráp hoàn thiện; dây chuyền kiểm định tối tân có thể kiểm định được ABS chống bó cứng phanh và hệ thống ASR chống trượt quay; đường thử xe với đầy đủ các loại địa hình mô phỏng gần với thực tế. Tổng vốn đầu tư xây dựng nhà máy này là 600 tỷ đồng với công suất giai đoạn I là 3.000 xe/năm, được vận hành bởi hơn 600 kỹ sư, công nhân lành nghề.

Song song với quá trình đầu tư xây dựng Nhà máy Thaco Bus hiện có, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (R&D) thuộc Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải đã nghiên cứu, thiết kế và đưa vào sản xuất các sản phẩm xe bus mang thương hiệu Việt - THACO, với tỷ lệ nội địa hóa từ 40 - 46%, công năng phù hợp với điều kiện vận tải hành khách tại Việt Nam.

Đầu tư bài bản nên năm 2015, doanh số bán xe bus nhãn hiệu Thaco đã đạt 1.908 xe và trong 8 tháng của năm 2016 đã tăng lên 2.033 xe, loại từ 29 chỗ trở lên.

“Mục tiêu của Thaco trong hợp tác với Hyundai là làm ra sản phẩm phục vụ xuất khẩu, mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước khác”, một lãnh đạo của Thaco cho hay.

Hiện tại, mẫu xe mini bus Hyundai H350 mới được sản xuất hàng loạt tại Thổ Nhĩ Kỳ từ giữa năm 2015 để xuất sang thị trường châu Âu. Mẫu xe này là đối thủ trực tiếp của Nissan NV, Merc Sprinter, Ford Transit, Fiat Ducato.

Được biết, chiến lược của Tập đoàn Hyundai là sản xuất xe mini bus tại Việt Nam tương tự như cách thức tổ chức sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mẫu xe H350 cũng sử dụng thân xe kiểu liền khối với công nghệ hiện đại, có kết cấu hoàn toàn mới với cấu trúc dạng vòng khép kín, giúp tăng khả năng chịu lực và tăng độ an toàn tự động. Cũng bởi tính chất phức tạp về công nghệ do kết cấu thân vỏ xe có tính mới, Tập đoàn Hyundai yêu cầu Dự án chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I, Thaco phải sản xuất tối thiểu 500 bộ linh kiện CKD với thân vỏ xe đã hàn sẵn, chưa sơn tĩnh điện (nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ) và linh kiện khung gầm (nhập khẩu từ Hàn Quốc) để đáp ứng yêu cầu sản xuất thử, đánh giá về chất lượng, chuẩn hóa thiết kế và thử nghiệm các linh kiện nội địa hóa trước khi chuyển sang giai đoạn II.

Với thực tế ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu, chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia đang rất ngắn và dễ thay thế như báo cáo “Nghiên cứu thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” vừa được công bố tuần qua đã chỉ ra, việc Thaco - một doanh nghiệp tư nhân trong nước quyết tâm đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực cơ khí và công nghiệp phụ trợ để tham gia sâu hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu của các tên tuổi lớn của ngành ô tô thế giới như Hyundai, Kia rất cần sự ủng hộ của Nhà nước để lớn mạnh.

Tin bài liên quan