Trương Đình Anh đã thể hiện được những chiến lược của mình ở FPT
Ngay sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT vào tháng 3/2011, Trương Đình Anh đã nhận nhiều lời ra tiếng vào, có tốt, có xấu từ những người trong tập đoàn. Người ta nhận định ông là người mạnh mẽ, quyết đoán đến mức cực đoan.
Phải coi mình đang sống trong thời chiến
Trong buổi lễ nhậm chức ngày 25/3/2011, ông Trương Đình Anh từng nói: “Chúng ta phải biến chỉ tiêu tăng trưởng thành pháp lệnh. Ngay trong năm nay (2011), ngay trong quý tới đây, chúng ta phải hành động để vươn tới mục tiêu tăng trưởng 30%/năm và đẩy tốc độ tăng trưởng lên trên 40%/năm trong những năm tới”.
Mục tiêu tăng trưởng 30% sau khi nhậm chức của ông Anh được xem là “táo bạo” vì trước đó, FPT chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 19% trong năm 2011. Trong bài phát biểu, ông Trương Đình Anh cũng khẳng định rõ: “Phải coi mình đang sống trong thời chiến”.
Toàn văn bài phát biểu ngày nhậm chức của Trương Đình Anh như đã “dội gáo nước lạnh” vào tập thể FPT nơi nổi tiếng có hoạt động cộng đồng gắn bó với tinh thần “chúng ta”: “Chúng ta nhìn nhận một thực tế là chúng ta ở nhà to hơn, đi xe đẹp hơn, trong túi có nhiều tiền hơn nhưng lại mang trong mình ít khát vọng hơn. Tinh thần chiến đấu của nhiều người FPT đã bị giảm sút.
Chúng ta đã không kịp thời nâng cao được mục tiêu phát triển của tổ chức, khát vọng của toàn thể đội ngũ. Chúng ta đã không khuyến khích được nhiều thanh niên trẻ, tài năng gia nhập FPT coi FPT là bệ phóng cho những ước mơ của mình.
Chúng ta đã không mạnh dạn đầu tư vào những hướng kinh doanh mới, không quyết tâm mở rộng thị trường, không tin vào việc có thể làm giàu bằng công nghệ, không gắng sức vượt lên trên những khó khăn để giành lấy cơ hội.
"Bàn tay sắt" của Trương Đình Anh
Từ năm 2007, FPT mở rộng đầu tư sang các ngành như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán khiến nhiều người quan ngại cho rằng tập đoàn này đang đi xa dần giá trị kinh doanh cốt lõi. Tuy phát triển đa ngành là vậy, nhưng tốc độ tăng trưởng của FPT giai đoạn từ năm 2008 đến 2010 chỉ xấp xỉ 20%, thua xa thời kỳ hoàng kim của tập đoàn này.
Khi về làm TGĐ, Trương Đình Anh cho rằng, những người FPT đang ngủ quên trên chiến thắng, mang tâm lý thụ hưởng cá nhân (căn bệnh này không hiếm đối với các công ty phình nở quá nhanh với hoạt động đa ngành khó kiểm soát). Người FPT không phải là những người thiếu năng lực. Ông làm nhiệm vụ đánh thức họ.
“Những người FPT đã chiến đấu để làm nên FPT hôm nay và họ sẽ phải chiến đấu với FPT trong tương lai”, ông nói.
Sau đó là hàng loạt động thái được đưa ra như sử dụng biện pháp hoán đổi cổ phần từ các công ty cổ phần con là FPT IS, FPT Software, FPT Trading để biến thành các công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên do FPT sở hữu 100% để dễ dàng hơn cho việc tập trung nguồn lực và hợp lực. Sắp tới, khi điều kiện cho phép, FPT Telecom, FPT Online sẽ tiếp tục đi theo con đường đó.
Trương Đình Anh đề xuất tập hợp để tận dụng nguồn lực, tiết kiệm chi phí ở các hạng mục: kho bãi, tòa nhà. Sử dụng thống nhất domain email cho toàn tập đoàn là fpt.com.vn cũng như sẽ triển khai sử dụng điện thoại IP phone cho toàn tập đoàn. Đặc biệt, bộ phận truyền thông trước đây có quá nhiều nhân viên, hoạt động trong nhiều công ty con cũng được cắt bớt để quy về một mối.
Đồng thời, ông cũng đã “dẹp” hàng loạt các trung tâm dữ liệu đang tồn tại rải rác của FPT để mang về trung tâm dữ liệu của FPT Telecom và FPT IS nhằm hiệu quả nhất chi phí đầu tư (data center, văn phòng, điện, nhân viên).
Bộ phận “back office” (không tham gia vào sản xuất) đang được rà soát lại theo hướng tinh gọn và hiệu quả, với mục tiêu giảm từ mức 16% tổng nhân lực xuống còn khoảng 10% . Ngoài ra, Đình Anh cũng yêu cầu các đơn vị phải biết con gà đẻ trứng vàng trong mảng kinh doanh của họ và cam kết sẽ phải tập trung phát triển, đẩy mạnh nó.
Phát triển hướng kinh doanh mới của tập đoàn theo lối mạo hiểm, ông sẽ tạo lập lại bộ phận đầu tư mạo hiểm trong Tập đoàn FPT nhằm hỗ trợ vốn, kinh nghiệm quản trị và chiến lược cho các nhà kinh doanh trẻ có ý tưởng xuất sắc về công nghệ thông tin truyền thông.