Trước thềm phiên chất vấn, đại biểu gửi gắm "mong các bộ trưởng thẳng thắn"

0:00 / 0:00
0:00
“Các đại biểu Quốc hội đã rất thẳng thắn, nên mong các bộ trưởng cũng thẳng thắn, tham gia phiên chất vấn để cùng bàn, cùng tìm ra giải pháp”, đại biểu Phan Đức Hiếu gửi gắm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước thềm phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình đặt nhiều kỳ vọng vào phiên chất vấn.

Đại biểu Phan Đức HIếu, đoàn Thái Bình.
Đại biểu Phan Đức HIếu, đoàn Thái Bình.

Thưa ông, ông chờ đợi gì từ các phiên chất vấn?

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, thực sự chia sẻ với Chính phủ trong việc tìm kiếm các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp một cách kịp thời. Đây cũng là một thách thức, khi mà nhu cầu thì nhiều, nguồn lực thì hạn chế và có nhiều khó khăn nằm ngoài khả năng giải quyết của chúng ta. Ví dụ, các vấn đề về đơn hàng, về cạnh tranh quốc tế.

Nhìn lại 1,5 ngày thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế - xã hội tuần trước, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đặt ra nhiều vấn đề cần được làm rõ, như khó khăn ở đâu, như thế nào, tại sao… Cũng có nhiều kiến nghị, giải pháp… đã được đưa ra.

Nhưng thách thức lớn nhất là chúng ta chỉ chọn số ít giải pháp, chứ không thể tất cả, thì chọn giải pháp gì.

Quan điểm của tôi là lúc này, bên cạnh các vấn đề, giải pháp đề xuất, các bộ trưởng cũng có thể đưa ra khó khăn chưa tìm được giải pháp, để cùng bàn. Khi đó, không chỉ các đại biểu Quốc hội mà cử tri cả nước, các doanh nghiệp đều có thể chung tay.

Thêm nữa, trong lúc này, ngoài thẳng thắn ra, tôi chờ đợi các giải pháp chính sách và cách đặt vấn đề với tư duy kịp thời, giảm thiểu thủ tục.

Với 4 bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn kỳ này, gồm Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, ông quan tâm đến lĩnh vực nào?

Đây đều là các vấn đề tôi quan tâm.

Ví dụ, với Bộ Khoa học và Công nghệ, liên quan đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Cuối năm 2022, tôi có dịp tham gia Ngày hội Sinh viên đổi mới sáng tạo, nhiều doanh nghiệp vẫn hỏi tôi, làm thế nào để thành lập doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, rồi thành lập rồi thì làm sao tiếp cận với chính sách hỗ trợ. Họ nói, trong Luật Đầu tư đã có quy định ưu đãi đầu tư, nhưng làm thế nào để tiếp cận.

Hóa ra, các doanh nghiệp hỏi Bộ Khoa học và Công nghệ, thì được hướng dẫn sang Bộ Tài chính, sang Bộ Tài chính thì lại được hướng dẫn cần Bộ Khoa học và Công nghệ xác định là doanh nghiệp khoa học công nghệ…

Hay với Ủy ban Dân tộc, tôi đang rất quan tâm đến triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có quy mô lớn, có ý nghĩa về cả kinh tế và xã hội, được kỳ vọng là nguồn lực để phát triển, đồng thời nâng cao đời sống của người dân. Nhưng cho đến nay, việc triển khai chậm, có nguồn lực chưa phân bổ hết nguồn lực

Trong lĩnh vực giao thông - vận tải, câu chuyện khó khăn trong đăng kiểm kéo dài cả năm là một ví dụ điển hình. Tôi rất chia sẻ với các doanh nghiệp vận tải, vì không đăng kiểm được thì các doanh nghiệp không được kinh doanh, nhưng vẫn phải nộp các khoản chi phí khác…

Những khó khăn của doanh nghiệp, của người lao động cũng đang là vấn đề rất nóng, có giải pháp nào hỗ trợ trực tiếp cho người lao động không… sẽ là các vấn đề chờ Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Điều tôi muốn chia sẻ là trong các lĩnh vực này, đúng là 1 cơ quan chủ trì, nhưng việc phối hợp giữa các bộ ngành cần phải rất hiệu quả, trách nhiệm, thì các vướng mắc mới có thể giải quyết nhanh, dứt điểm được. Bài học kinh nghiệm từ các giải pháp chính sách đã được Chính phủ đưa ra và triển khai rất tốt trong giai đoạn Covid-19.

Trong phiên chất vấn này, các bộ ngành có thời gian để chia sẻ sâu về các vấn đề, khó khăn của nền kinh tế, của ngành, những vấn đề mà trong các phiên thảo luận, một số bộ trưởng có ý kiến giải trình, nhưng thời gian ngắn, có thể chưa nói hết.

Trong bối cảnh này, các đại biểu Quốc hội đã rất thẳng thắn, nên tôi mong các bộ trưởng cũng thẳng thắn, xác định tâm thế là tham gia phiên chất vấn không phải để đánh giá trả lời tốt hay không, mà là cùng bàn để tìm ra giải pháp.

Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ thêm đề xuất gì?

Đối với những khó khăn của doanh nghiệp, tôi rất mong muốn các chính sách nhằm hỗ trợ chi phí, dòng tiền để cầm cự, chờ khi có cơ hội thì nhanh chóng phục hồi trở lại. Vì nếu không cầm cự được thì khi có cơ hội cũng không làm được gì.

Nên các giải pháp như giảm thuế giá trị gia tăng, trợ cấp trực tiếp cho người lao động, san sẻ gánh nặng với doanh nghiệp chắc sẽ là những giải pháp sẽ được đưa ra, bên cạnh các giải pháp đang được triển khai, như giãn hoãn một số khoản phải nộp…

Nhưng, tôi quan tâm đến một số giải pháp phù hợp với tình hình của Việt Nam hơn, những giải pháp đôi khi không đòi hỏi nhiều nguồn lực về tài chính như những giải pháp về tài khóa. Đó là giải pháp cho nhóm khó khăn mà doanh nghiệp hay nhắc đến là vướng mắc về thể chế, quy định.

Trong nhóm này, không nên lựa chọn gỡ nhóm nào, mà cần thực hiện đồng bộ. Mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm những vướng mắc mà chúng ta gọi là vướng mắc về thể chế.

Một là, giải quyết những bất cập đang ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh. Đó là vấn đề về phòng cháy, chữa cháy, đăng kiểm.

Hai là, không ban hành các quy định mới có nguy cơ làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Quan điểm cá nhân tôi, trong thời gian tới, ít nhất trong vòng 2 năm, không nên ban hành thêm các quy định làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Trong trường hợp buộc phải ban hành, do phải tuân thủ các lộ trình cam kết quốc tế, thì Chính phủ nên tính tới giải pháp hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ. Theo tôi, đây là cách hỗ trợ thiết thực.

Ba là, Chính phủ nên hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định mới, ví dụ hỗ trợ doanh nghiệp kiểm đếm CO2, tuân thủ các quy định về phát triển xanh, phát triển bền vững mà các đối tác nhập khẩu đang áp dụng.

Về dài hạn, Chính phủ cần có một chương trình hành động cụ thể để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng trước mắt thì vẫn cần tập trung kiểm soát các quy định đang tạo nên chi phí cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan