GoTo sẽ tập trung vào 3 trụ cột chiến lược.
Vòng gọi vốn này do Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi (ADIA) dẫn đầu, bao gồm Avanda Investment Management, Fidelity International, Google, Permodalan Nasional Berhad (PNB), Primavera Capital, SeaTown Master Fund, Temasek, Tencent và Ward Ferry.
Số vốn 1,3 tỷ USD được GoTo dùng để củng cố vị thế thị trường trong khu vực thông qua tăng trưởng và gắn kết khách hàng, mở rộng hệ thống thanh toán và các dịch vụ tài chính khác, đồng thời tận dụng đội ngũ vận tải tích hợp và mạng lưới hậu cần.
Chiến lược của GoTo Group nhắm vào việc phát triển trong các lĩnh vực thương mại điện tử, gọi xe công nghệ và công nghệ tài chính (fintech).
Hồi tháng 5/2021, Gojek và Tokopedia đã sáp nhập để tạo thành GoTo Group. Thương vụ hợp nhất này có giá trị khoảng 18 tỷ USD sau các cuộc đàm phán. Trong đó, cổ đông Gojek nắm 58% cổ phần tại Go To Group, phần còn lại thuộc về Tokopedia.
Đây là thương vụ sáp nhập lớn nhất từ trước cho đến nay tại Indonesia. Thương vụ này sẽ giúp hai doanh nghiệp Indonesia cạnh tranh tốt hơn với Sea và Grab trong cuộc đua siêu ứng dụng tại Đông Nam Á.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, Tập đoàn GoTo được định giá từ 28,5 tỷ đến 30 tỷ USD.
Sau sáp nhập, Go To Group đang lên kế hoạch IPO với các kịch bản tại Jakarta và Mỹ. Họ hướng tới định giá 35 - 40 tỷ USD. Theo GoTo Group, hệ sinh thái của công ty hiện chiếm gần 2/3 chi tiêu tiêu dùng của Indonesia và tổng giá trị thị trường ở nước này dự kiến sẽ vượt 600 tỷ USD vào năm 2025. Gojek và Tokopedia có tổng giá trị giao dịch trên 22 tỷ USD năm 2020 và hơn 100 triệu người dùng hoạt động thường xuyên mỗi tháng.
Tại Việt Nam, công ty con của Gojek đã ra mắt thị trường tại Việt Nam vào tháng 8/2018, hoạt động trên ba lĩnh vực là gọi xe (GoBike), giao hàng (GoSend), và đặt đồ ăn (GoFood). Sau đó, tháng 8/2020, GoViet đổi tên thành Gojek. Hiện Gojek có 200.000 đối tác tài xế xe mô tô hai bánh tại Việt Nam. Tháng 8/2021, Gojek đã ra mắt dịch vụ gọi xe 4 bánh với tên gọi GoCar.