Theo HoREA, thời gian qua, với những nỗ lực của Chính phủ, nền kinh tế đã có sự thay đổi toàn diện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Trong đó, thị trường bất động sản tiếp tục có sự tăng trường và phát triển, tâm lý thị trường bất động sản tiếp tục có sự ổn định và bền vững.
Tuy nhiên, thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro như lệch pha cung -cầu , nguồn vốn xã hội đổ vào thị trường chưa đều, phần lớn vẫn nằm ở phân khúc cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, trong khi phân khúc bất động sản bình dân, nhà ở xã hội vẫn chưa thực sự được chú trọng như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, tiền sử dụng đất đang là gánh nặng, là ẩn số; việc giải phóng mặt bằng để triển khai dự án còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn kéo dài cho doanh ngiệp trong quá trình triển khai bồi thường, gây chôn vốn.
Chưa kể, các chính sách tín dụng còn chưa thực sự hài hòa, chưa tạo được nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường bất động sản.
Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững, HoREA đã đưa ra 6 kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ. ,
Thứ nhất, cho phép thực hiện hạch toán bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập khác của doanh nghiệp.
HoREA cho biết, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiêp năm ngoái (ngày 29/04/2016), Hiệp hội đã kiến nghị và đã được Chính phủ đưa vào Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016, trong đó Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan "nghiên cứu, đề xuất để thực hiện bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh (bù trừ hai chiều)", nhưng cho đến nay chủ trương này vẫn chưa được thực hiện.
Thứ hai, cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài, nhưng khi xảy ra tranh chấp thì phải được xử lý theo pháp luật của nước ta.
Theo HoREA, khoản (2.d) Điều 174 Luật Đất đai 2013 quy định, tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê được "Thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam", không có quy định cho phép thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài.
Ảnh internet
Quy định này cho đến nay đã không còn phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta, làm hạn chế khả năng huy động các nguồn lực tài chính từ các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và thị trường bất động sản, do chưa có căn cứ pháp lý để được thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài, để làm tăng thêm lòng tin và bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư.
Hơn nữa, Luật Nhà ở 2014 đã cho phép người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua và sở hữu nhà ở như người Việt trong nước; Các đối tượng này cũng có nhu cầu thế chấp nhà ở và quyền sử dụng đất tại các ngân hàng ở nước ngoài.
Thứ ba, HoREA kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh trong năm 2017.
Theo HoREA, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản rất mong chờ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh được Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2017 để tạo hành lang pháp lý minh bạch, thông thoáng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, và của thị trường bất động sản.
Thứ tư, HoREA kiến nghị Chính phủ và UBND TP.HCM có giải pháp hiệu quả để hạ nhiệt "cơn sốt giá ảo" đất nền vùng ven.
HoREA cho biết, thời gian vừa qua, giá đất nền tại một số khu vực đã có tăng trường mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng giá thực, tại một số khu vực như quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, có dấu hiệu tăng giá ảo.
Trong đó, giới đầu nậu, cũng như cò đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp và là bên thủ lợi nhiều nhất trong cơn "sốt giá ảo" đất nền hiện nay, gây méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản.
Do đó, HoREA kiến nghị UBND TP.HCM sớm có thông tin rõ ràng về việc chủ trương chuyển đổi một số huyện ngoại thành lên Thành phố và sớm có có cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh trường hợp bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thực hiện tách thửa, phân lô bán nền tràn lan.
Ngoài ra, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu cơ chế, chính sách, sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản để quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của giới đầu nậu, cò đất hiện đang hoạt động với tư cách cá nhân không có đăng ký kinh doanh, có trường hợp nấp bóng người chủ đất, hoặc nấp bóng doanh nghiệp để kinh doanh bất động sản với nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn thuế, né thuế, trong lúc theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.
Thứ năm, về kiến nghị của Bộ Tài chính liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất, Hiệp hội rất đồng tình với chỉ đạo của các Phó thủ tướng Chính phủ khi xem xét, giải quyết báo cáo số 2000/BTC-TTr ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính kèm theo việc đề nghị chuyển chuyển danh sách các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư (theo phụ lục đính kèm) cho Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra năm 2017 của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng phê duyệt;
HoREA nhận thấy, sau 10 năm thực hiện Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007, Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị đã chuyển đổi mục đích sử dụng nhiều khu đất nhà xưởng thành đất ở với các dự án phát triển bất động sản, hình thành nên các khu nhà cao tầng với chức năng căn hộ ở, văn phòng làm việc, các khu thương mại, dịch vụ... góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quyết định số 09/2007 và một số văn bản liên quan có một số điểm chưa thống nhất, chưa chặt chẽ, dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc quyết định thay thế Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007, Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2008, Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, để tạo hành lang pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, chặt chẽ nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị;
HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất; sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có dấu hiệu có "chân gỗ", "quân xanh, quân đỏ";
Bên cạnh đó, HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vẫn để các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án.
Trong trường hợp dự án bị thanh tra, kiểm tra thì Hiêp hội đề nghị vẫn cho chủ đầu tư tiếp tục thi công dự án nhưng với điều kiện chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
Cuối cùng, Hiệp hội kiến nghị đối với người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án này là bên ngay tình, không có lỗi, nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có).