Trước thềm Đại hội, ngân hàng tự tin với kế hoạch 2019

Trước thềm Đại hội, ngân hàng tự tin với kế hoạch 2019

(ĐTCK) Kinh tế vĩ mô ổn định, cộng thêm nền tảng kinh doanh vững hơn khi năm 2018 đạt kết quả kinh doanh tích cực, nhiều ngân hàng tự tin lên kế hoạch tăng trưởng cao cho năm 2019.

Nhiều ngân hàng đặt chỉ tiêu kinh doanh cao

SHB vừa công bố tài liệu Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) thường niên với các chỉ tiêu tài chính cơ bản năm 2019 đều tăng mạnh so với năm 2018. Cụ thể, vốn điều lệ đạt 17.571 tỷ đồng, tăng 45,97%; tổng tài sản đạt 372.917 tỷ đồng, tăng 15,36%; huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 283.922 tỷ đồng, tăng 16,64%; số dư cấp tín dụng đạt 261.592 tỷ đồng, tăng 13%; lợi nhuận trước thuế đạt 3.068 tỷ đồng, tăng 46,51%; cổ tức dự kiến 11% vốn điều lệ.

Trong khi đó, các tỷ lệ như nợ xấu, an toàn vốn, dư nợ trên nguồn vốn huy động, sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, dự trữ thanh khoản… đảm bảo đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tương tự, tài liệu ÐHCÐ của TPBank cho biết, mục tiêu kinh doanh năm 2019 cũng tăng mạnh so với năm 2018, chẳng hạn tổng tài sản đạt 158.000 tỷ đồng, tăng 116,02%; vốn điều lệ đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 116,74%; tổng huy động đạt 142.309 tỷ đồng, tăng 120%; dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế đạt 101.195 tỷ đồng, tăng 120%; lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng tăng 142%...

Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho biết, năm 2019, Agribank đặt mục tiêu tổng tài sản có tăng 10-13%; nguồn vốn huy động thị trường 1 tăng 13-15%; dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 11-14%, qua đó tiếp tục là ngân hàng giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn với tỷ lệ cho vay lĩnh vực này dự kiến chiếm 65-70% tổng dư nợ nền kinh tế; tăng năng lực tài chính, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định.

Tại SCB, năm 2019, Ngân hàng lên kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế 276 tỷ đồng, tăng 19,48% so với năm 2018; tổng tài sản đạt 558.015 tỷ đồng, tăng 9,64%; huy động đạt 473.338 tỷ đồng, tăng 13,15%; cho vay khách hàng đạt 341.138 tỷ đồng, tăng 13%. Với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại, SCB nhắm tới mục tiêu nâng số lượng khách hàng cá nhân lên 2 triệu khách hàng trong năm 2020. 

Tự tin trên nền tảng 2018

Trả lời câu hỏi kế hoạch 2019 có quá cao, một lãnh đạo cao cấp của SHB cho biết, Ngân  hàng tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch này dựa trên nền tảng vững chắc được thiết lập từ những năm trước, đặc biệt là năm 2018.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của SHB đạt 323.276 tỷ đồng; vốn điều lệ đạt 12.036 tỷ đồng, vốn tự có đạt 22.011 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động đạt 300.565 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn huy động từ tiền gửi tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 243.420 tỷ đồng. Ðáng chú ý, nguồn vốn tài trợ, ủy thác đầu tư từ các tổ chức tài chính quốc tế đạt 2,54 tỷ USD, với 25 dự án được triển khai trên toàn hệ thống.

"Nhờ đó, SHB có thể chủ động kế hoạch hành động của năm 2019 như tăng cường cơ chế quản lý và thúc đẩy kinh doanh; tăng vốn điều lệ, vốn tự có nhằm đảm bảo chỉ tiêu an toàn vốn đạt tiêu chuẩn Basel II; giám sát, quản lý chặt chẽ chi phí hoạt động; phát triển chính sách, sản phẩm dịch vụ ngân hàng…, cho dù thị trường vẫn còn những khó khăn, tiềm ẩn rủi ro với mức độ phức tạp ngày càng cao", vị lãnh đạo này nói và chia sẻ thêm, trong năm nay, SHB sẽ cơ cấu danh mục tín dụng vào những ngành nghề ít rủi ro, có tiềm năng phát triển; tăng tỷ trọng cho vay ngắn hạn; đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các ngành nghề được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do…

Cũng theo lãnh đạo SHB, để nâng cao năng lực quản trị, thích ứng với xu hướng thị trường và hành vi tiêu dùng của khách hàng, thời gian qua, SHB đã tái cơ cấu mô hình kinh doanh thông qua triển khai nhiều dự án trọng điểm.

Theo đó, hầu hết các hoạt động chuyển đổi đều hướng tới việc chuyên môn hóa nhằm tách bạch độc lập các nghiệp vụ về tài chính, quản trị, vận hành, rủi ro, sản phẩm… dựa trên nền tảng tự động hóa với sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến.

“Diễn biến của kinh tế toàn cầu đang đưa Việt Nam đến trước những cơ hội lịch sử và sẽ lan tỏa ra toàn nền kinh tế, trong đó có hệ thống ngân hàng. Bởi vậy, ngay cả khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2019 đưa ra ở mức tương đương năm 2018 là 14%, một nền kinh tế năng động như Việt Nam chắc chắn sẽ tìm ra hướng đi cho mình”, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB nhìn nhận.

Tin bài liên quan