Chia sẻ tại Hội thảo diễn ra sáng nay (22/2), ông Phong cho rằng, nói về sức cạnh tranh của Thành phố thì còn nhiều vấn đề phải làm. Bên cạnh việc nâng tầm để tạo sức bật mạnh mẽ trong cạnh tranh của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, chiến lược của thành phố là tập trung phát triển các doanh nghiệp đầu ngành, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp lớn để nâng sức cạnh tranh. Điều này đòi hỏi Thành phố phải có cơ chế chính sách đặc biệt với các doanh nghiệp lớn và những chính sách riêng đối với doanh nghiệp bất động sản tại thành phố.
Hiện trên địa bàn Thành phố có 415.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 15.000 doanh nghiệp kinh doanh bất đống sản.
Xét cơ cấu doanh nghiệp thì có 9.000 doanh nghiệp lớn, trong đó có hơn 30% doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Tuy chỉ chiếm 2% số lượng doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp lớn (chỉ khoảng 700 doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 1.000 tỷ đồng trở lên) chiếm 70% tổng số vốn đăng ký và góp hơn 80% đối với khu vực kinh tế tư nhân.
"Bất động sản là 1 trong 9 ngành dịch vụ quan trọng trong sự phát triển của Thành phố, nhưng thật trăn trở khi các báo cáo đều cho thấy doanh nghiệp bất động sản còn nhiều khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận, không đạt chỉ tiêu", ông Phong nhận định.
Tăng trưởng bình quân của doanh nghiệp bất động sản giai đoạn 2015-2019 chỉ 4,3%, thấp hơn tăng trưởng GDP. Trong 10 tháng đầu năm 2019, riêng ngành xây dựng là tăng trưởng âm, đến cuối năm, khi tập trung xử lý các vấn đề về chính sách và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì cũng chỉ tăng 1%, trong khi năm 2018 tăng 25%.
Trong năm 2019, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với cùng kỳ; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó chỉ có 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. Ngoài ra, có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn, giảm 30 dự án.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Cùng với đó, nhiều dự án trong quá trình thanh tra, kiểm tra, rà soát thủ tục pháp lý, dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ.
"Đơn cử như dự án Lê Thành, đã 1 năm rồi không giải quyết được, hồ sơ vẫn còn nằm trên bàn tôi đây. Nếu có vấn đề gì khó khăn thì phải mời doanh nghiệp lên, còn dự án được hay không được thì cũng phải trả lời, chứ không thể để tình trạng kéo dài mãi thế này được", ông Phong cho biết.
Theo ông Phong, những vấn đề này nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm giảm nguồn thu ngân sách.
“Hôm nay gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản, Lãnh đạo Uỷ Ban nhân dân Thành phố khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn nêu lên những khó khăn vướng mắc của mình và khó khăn vướng mắc chung", ông Phong nêu vấn đề và giao nhiệm vụ Sở Xây dựng và các sở ngành có liên quan: "Thấy vất vả của doanh nghiệp trong ngành bất động sản chính là vất vả của bản thân mình, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của Thành phố. Nói như vậy, các doanh nghiệp gặp khó khăn, thì các sở ngành phải cùng chia sẻ”.
Đồng thời, ông Phong yêu cầu các sở ngành tập trung trả lời rõ ràng những phản ánh thắc mắc của doanh nghiệp, hướng dẫn giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để sớm triển khai dự án. Những vấn đề chưa thể trả lời trong hôm nay, thì đề nghị trong vòng 7 ngày làm việc phải có văn bản trả lời, hướng dẫn cụ thể.
Vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương, hoặc những vấn đề cần các giải pháp chỉ đạo, điều hành tổng thể của UBND Thành phố, ông Phong đề nghị Sở xây dựng tổng hợp đầy đủ, trên cơ sở đó có tham mưu Thành phố có văn bản báo cáo kiến nghị Chính Phủ và bộ, ngành. Ngoài ra, tham mưu cho UBND xây dựng các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn.