Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Trước 15/6, Bộ Tài chính phải hoàn thành 3 báo cáo quan trọng, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 88/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 trực tuyến với các địa phương tổ chức ngày 3/6/2023.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện những công việc liên quan đến lĩnh vực tài chính trước 15/6/2023 như sau:

Một là: Theo dõi sát tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức phát hành có khối lượng phát hành lớn và gặp khó khăn trong nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi đến hạn trong năm 2023.

Hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 - 2023, đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, hạn chế hiện nay, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 6 năm 2023.

Hai là: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 6 năm 2023 về phương án tổng thể điều hành chính sách tài khóa trong tình hình hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2023.

Tính toán mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vốn phù hợp để kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm việc huy động vốn của ngân sách Trung ương để bù đắp bội chi và trả nợ gốc theo nhu cầu phát sinh thực tế, hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ vay và ổn định, an toàn, bền vững tài chính quốc gia.

Ba là: Khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và áp dụng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 đến hết năm 2023, báo cáo Chính phủ trước ngày 15 tháng 6 năm 2023 để xem xét, ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn; đồng thời, báo cáo Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD và các giải pháp ưu đãi phù hợp, cần thiết, hiệu quả.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 trực tuyến với các địa phương tổ chức ngày 3/6/2023

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 trực tuyến với các địa phương tổ chức ngày 3/6/2023

Liên quan đến lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 2/6, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong tháng 5/2023 là Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, với 4 đợt phát hành, tổng giá trị 2.600 tỷ đồng.

Trước đó vào tháng 4 cũng chỉ ghi nhận một đợt phát hành riêng lẻ và một đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành 2.671 tỷ đồng

Trong tháng 5/2023, các doanh nghiệp đã thực hiện việc mua lại 22.789 tỷ đồng trái phiếu, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến ngày 31/5, có 16 doanh nghiệp chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu, thanh toán mua lại trước hạn và 19 doanh nghiệp công bố đã đạt được thỏa thuận thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu trong tháng 5.

VBMA ước tính, trong 7 tháng cuối năm 2023 sẽ có khoảng 195.237 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 8/6, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) nêu thực trạng, thời gian qua thị trường bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khủng hoảng khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn.

Dẫn số liệu về khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 rất lớn, tới gần 290.000 tỷ đồng, trong đó quý III lớn nhất với 103.000 tỷ đồng, đại biểu băn khoăn khi nhiều doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, gây bức xúc cho nhiều người dân, làm sụt giảm niềm tin vào thị trường của nhà đầu tư, khiến việc huy động vốn trái phiếu mới thấp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.

Từ đó, đại biểu đề nghị Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết trách nhiệm các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này và giải pháp khắc phục.

Trả lời chất vấn, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhận định, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong xử lý trái phiếu thời gian qua chủ yếu do quản lý khâu luân chuyển, sử dụng dòng tiền, nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính chưa hợp lý.

Ngoài ra, thị trường trái phiếu cũng chưa bền vững về cơ cấu, vẫn nghiêng về các thị trường rủi ro như bất động sản; trái phiếu huy động mới còn thấp là do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 còn khó khăn về tài chính.

Phó thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã lập tổ công tác nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đưa ra giải pháp. Từ báo cáo của tổ công tác, Chính phủ sẽ chỉ đạo để gỡ khó cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đi vào hoạt động thông suốt.

"Biện pháp tháo gỡ dựa trên tinh thần thúc đẩy trách nhiệm của các bên theo hợp đồng dân sự; đồng thời với sự tham gia kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước để thúc đẩy thực hiện cam kết theo nghĩa vụ; nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm, bảo vệ quyền lợi người dân và nhà đầu tư", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan