Trung tâm thương mại ở ngay dự án hoặc gần dự án nhà ở chính là một giá trị gia tăng thêm cho dự án chung cư

Trung tâm thương mại ở ngay dự án hoặc gần dự án nhà ở chính là một giá trị gia tăng thêm cho dự án chung cư

Trung tâm thương mại lớn tạo “hấp lực” cho các dự án chung cư

(ĐTCK) Bên cạnh sự cải thiện về hạ tầng, thì việc xuất hiện các trung tâm thương mại lớn cũng được xem là yếu tố kích hoạt cho hoạt động sôi nổi của phân khúc chung cư tại Hà Nội.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, trong 2 năm qua, khu vực phía Tây và Tây Nam là các khu vực có nhiều nguồn cung căn hộ chung cư nhất của thị trường Hà Nội khi chiếm tới 50-60% tổng nguồn cung căn hộ trên thị trường Thủ đô.

Hạ tầng giao thông phát triển với tuyến đường trên cao Vành đai 3, đường Lê Trọng Tấn, Tố Hữu, Vạn Phúc (quận Hà Đông)… được đầu tư, mở rộng đã đi vào hoạt động, tiếp đó là tuyến buýt nhanh BRT số 1 và sắp tới là chuẩn bị chạy thử tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông, là tác nhân chính giúp thị trường bất động sản khu vực này sôi động.

Tuy nhiên, bên cạnh hạ tầng giao thông phát triển, một trong những lý do kéo nhiều người dân về sinh sống ở khu vực phía Tây và Tây Nam Hà Nội, là bởi các tiện ích khu vực này cũng phát triển nhanh, đặc biệt là các siêu thị, trung tâm thương mại lớn.

Nhờ việc có lợi thế về quỹ đất lớn, nhiều dự án chung cư khu vực này đã xây dựng trung tâm thương mại ngay khối đế dự án, mang tới nhiều tiện ích cho người dân và tạo sức hút với người mua nhà.

Mới đây, việc Aeon Mall Hà Đông chính thức được khởi công càng đem lại sự sôi động cho thị trường bất động sản khu vực này. Các dự án mở bán thời gian qua, ngoài việc quảng bá các trung tâm thương mại nội khu, cũng không quên gắn thêm thành tố "gần Aeon Mall" để gia tăng sự hấp dẫn đối với dự án của mình.

Bên cạnh phía Tây, Tây Nam, trong 6 tháng đầu năm 2018, khu vực phía Đông (bên kia sông Hồng), phân khúc chung cư cũng đang khá sôi động. Trước đây, dù khu vực này có các trung tâm thương mại lón như Aeon Mall Long Biên, Savico, Vincom…, nhưng vì tâm lý ngại qua cầu, nên thị trường khu Đông chưa thật sự hấp dẫn người mua nhà. Tuy nhiên, tâm lý này dần cởi bỏ sau khi Hà Nội công bố kế hoạch triển khai một loạt dự án cầu đường bắc qua hai bờ sông Hồng.

Cùng với đó, nhiều siêu dự án chuẩn bị được triển khai ở Gia Lâm, Đông Anh, cũng hâm nóng thị trường khu vực phía Đông Thành phố.

Các siêu dự án này có thể kể đến như Dự án Thành phố Thông minh của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG, với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD; Dự án Khu đô thị Gia Lâm, huyện Gia Lâm của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Gia Lâm, có vốn đầu tư 87.385 tỷ đồng, quy mô 420 ha tại các xã Dương Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn, huyện Gia Lâm.

Ngoài ra, ngay gần 2 siêu dự án này, Hà Nội cũng đã phê duyệt Dự án Khu nhà ở Thạch Bàn Lakeside thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên cho Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn làm chủ đầu tư.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội, trung tâm thương mại và dự án chung cư là hai bộ phận gắn liền và không tách rời nhau ra. Sự hình thành và phát triển của các dự án nhà ở tại các khu vực mới, mở rộng các khu vực đông dân cư cũng tạo điều kiện và nhu cầu cần thiết cho phát triển mặt bằng bán lẻ tại các khu vực này.

Trong khi đó, việc có trung tâm bán lẻ mới có thể tạo động lực cho người dân về sinh sống, bởi đó là các tiện ích cơ bản để phục vụ cuộc sống.

“Muốn có được những dự án thành công và có người ở, phải giải quyết được không chỉ hạ tầng giao thông, chất lượng nhà, mà còn cả các tiện ích theo kèm”, bà An cho biết.

Đồng quan điểm, ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường nhận định, trong tương lai, sự phát triển của các dự án chung cư vẫn tiếp tục phải gắn chặt với việc hình thành và phát triển của các trung thương mại nội bộ hoặc liền kề, thì mới có thể thu hút nguồn khách mua nhà sẵn sàng chuyển đến sống.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com 

Tin bài liên quan