Kỳ vọng khách thuê dài hạn
Việc mở lại toàn bộ 8 cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM với lượng khách đông đảo mỗi ngày khiến ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam hồ hởi khi gặp giới truyền thông trong nước.
Mặc dù khách hàng dần thắt chặt chi tiêu, song ông Osamu Ikezoe cho rằng, xu hướng này phù hợp với triết lý “Lifewear” mà Uniqlo vẫn theo đuổi về sự đơn giản, phải chăng, mà chất lượng. Do đó, ông tin tưởng vào tương lai của thương hiệu tại thị trường Việt Nam.
Cửa hàng Uniqlo Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội) mở cửa đón khách vào cuối tháng 10, đưa số lượng cửa hàng của Hãng tại Việt Nam lên con số 9 trong kế hoạch mở 100 cửa hàng Uniqlo tại Việt Nam trong 10 năm tới.
Dù rất nhiều thương hiệu thời trang đã ghi dấu ấn ở Việt Nam từ trước, nhưng Uniqlo vẫn hiện diện ở Việt Nam, đúng thời điểm Covid-19 hoành hành. Thậm chí, thương hiệu này vẫn không ngừng mở rộng quy mô với những cửa hàng có diện tích trên dưới 1.000 m2.
Theo ông Osamu Ikezoe, Uniqlo đang đẩy mạnh tốc độ mở cửa hàng để phủ sóng đến nhiều đối tượng khách hàng hơn. Dĩ nhiên, Hãng muốn mở rất nhiều cửa hàng ở nhiều nơi, nhưng vẫn đang ưu tiên thị trường Hà Nội, TP.HCM.
Không khó lý giải cho động thái tăng tốc mở rộng kinh doanh của Uniqlo tại Việt Nam và khu vực châu Á nói chung. Xác định châu Á sẽ là trung tâm tăng trưởng của thế giới, hồi đầu năm, Fast Retailing - công ty sở hữu thương hiệu Uniqlo nhắm mục tiêu mở khoảng 100 cửa hàng mới mỗi năm tại khu vực này. Công ty đang mở khoảng 40 - 50 cửa hàng mỗi năm tại châu Á.
Nhắc đến việc các thương hiệu nổi tiếng thế giới lên kế hoạch gia nhập và mở rộng ở thị trường Việt Nam, giới mộ điệu công nghệ đang đứng ngồi không yên với Apple.
Trong 2 năm gần đây, thông qua nhiều hình thức khác nhau, Apple tăng độ phủ tại Việt Nam. Họ hợp tác cùng nhiều tên tuổi bán lẻ trong nước để mở rộng các cửa hàng ủy quyền, bắt tay các nhà phân phối, mở rộng dải sản phẩm. Cùng với đó, hàng hóa cũng được đưa về bán chính thức tại Việt Nam sớm hơn.
Tuy nhiên, giới yêu công nghệ và người tiêu dùng vẫn mong chờ Apple có thể mở Apple Store tại Việt Nam. Bởi việc mở cửa hàng chính thức cho thấy tầm quan trọng của thị trường bán lẻ.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Công ty cổ phần Thế giới Di động dự báo, trong 2 năm tới, Việt Nam có thể được Apple xếp vào nhóm quốc gia ở mức 2 (trong tổng số 3 mức). Apple đã mở khoảng 500 cửa hàng trên toàn cầu, trong đó có 271 cửa hàng ở Mỹ, khoảng 50 cửa hàng ở Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông, Ma Cao) và ở các quốc gia khác. Tại Đông Nam Á, hãng này mở 2 cửa hàng ở Singapore, 1 cửa hàng ở Thái Lan.
Nếu mở cửa hàng chính thức tại Việt Nam, Apple có thể chọn vị trí ở TP.HCM, Hà Nội, với các mặt bằng đúng “chất” hàng hiệu thể hiện sự độc lập, sang trọng. Song, Hãng cũng có thể không bỏ qua các trung tâm thương mại sang chảnh, sầm uất, giao thông thuận lợi.
Theo tính toán ban đầu của giới sành công nghệ, Apple có thể “để mắt” tới các vị trí đắc địa ở trung tâm thương mại như Vincom Center Đồng Khởi, New World ở TP.HCM hoặc Vincom Bà Triệu, Tràng Tiền Plaza ở Hà Nội…
Việc tiếp tục mở rộng của các thương hiệu quốc tế như Uniqlo, Valentino Creations, Giordano... khiến công suất cho thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại cao cấp ở Hà Nội và TP.HCM tương đối ổn định trong quý III/2021, lên tới 94%.
Trong ngắn hạn, các thương hiệu nước ngoài thâm nhập thị trường bằng hình thức phân phối trực tiếp có thể sẽ trì hoãn do những hạn chế trong vấn đề đóng cửa biên giới. Thay vào đó, họ sẽ thâm nhập thị trường thông qua các đối tác phân phối trong nước.
Đầu tháng 7/2021, sự kiện khai trương cửa hàng flagship đầu tiên tại Hà Nội với diện tích hơn 2.000 m2 tại Vincom Center Metropolis (Hà Nội) của Muji - thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản - trở thành điểm sáng duy nhất của thị trường bán lẻ Việt Nam trong quý III.
Trước đó, bất chấp dịch bệnh, Marc Jacobs, Tiffany & Co, Dyson, Under Amour, Champion, Sociolla đã có mặt tại Việt Nam. Năm 2022, các thương hiệu nước ngoài mới như Sephora và Arabica cũng dự kiến vào đặt cửa hàng. Các hãng khác như Bath & Body Work, Prima Donna, Sports Direct cũng được kỳ vọng sẽ sớm có mặt ở Việt Nam.
Trong khi đó, các khách thuê vừa và nhỏ gặp khó khăn do dịch bệnh và một số đã phải kết thúc hợp đồng sớm hoặc ngưng tái ký kết hợp đồng. Theo Cục Thống kê TP.HCM, trong quý III/2021 doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tại thành phố này đạt 4 tỷ USD, giảm 64% theo quý và 71% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù vậy, dữ liệu từ Savills cho thấy, hầu hết chủ cho thuê mặt bằng vẫn duy trì giá chào thuê. Giá thuê trung bình tương đối ổn định theo quý và theo năm đạt 49 USD/m2/tháng.
Thay vì giảm trực tiếp trên giá chào thuê, hầu hết các trung tâm thương mại sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi, như tăng thời gian thi công, miễn tiền thuê trong tháng đầu, không áp dụng chính sách tăng giá hằng năm hoặc giảm lên đến 50% trong 3 - 6 tháng đầu đối với các hợp đồng thuê tối thiểu 3 - 5 năm.
Chẳng hạn, trong quý III/2021, Vincom Retail có gói hỗ trợ 925 tỷ đồng đồng hành cùng khách thuê, chủ yếu dưới hình thức miễn giảm tiền thuê mặt bằng kinh doanh.
Bà Trần Mai Hoa, Tổng giám đốc Vincom Retail cho biết, nhằm phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam, các trung tâm thương mại đã hỗ trợ khách thuê trong 4 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh hỗ trợ giá, Vincom Retail đã làm việc với Grab, Now để đàm phán phí, bố trí mặt bằng cho lái xe công nghệ. Khi tình hình Covid-19 ổn định, các hoạt động hỗ trợ tiếp tục nằm trong kế hoạch marketing, kích cầu mua sắm.
Pha “bẻ lái” sống chung với dịch bệnh
Trong một thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến sự hiện diện ngày càng nhiều các thương hiệu quốc tế đáng chú ý được thu hút bởi triển vọng bán lẻ lớn của đất nước. Các thương hiệu này thuộc nhiều danh mục, như ngành thực phẩm và đồ uống (Starbucks, McDonald’s, Häagen-Dazs và Haidilao), thời trang - phụ kiện (Mango, Zara, H&M, Uniqlo, Decathlon), sắc đẹp - sức khỏe (Guardian,
Watson, Matsumoto Kiyoshi), hàng gia dụng (Jaju và Dyson).
Tỷ lệ khách thuê quốc tế ngày càng “ăn thêm” trong cơ cấu khách thuê tại các trung tâm thương mại đã thúc đẩy tổng nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ tăng, vì hầu hết các thương hiệu này đều thuê diện tích rất lớn và thuê lâu dài.
Nhiều nhà bán lẻ ngoại vẫn đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam là mảnh đất màu mỡ. Khi đại dịch bùng phát, vẫn có những trung tâm thương mại thu hút được lượng khách lớn mua sắm và nhanh chóng mở rộng hệ thống.
Năm 2020, chuỗi trung tâm thương mại Aeon Mall đã khai trương tại Hải Phòng. Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ ba và thứ tư trong năm 2021, tên tuổi này nhanh tay ký biên bản ghi nhớ tại một số địa phương để mở rộng hệ thống. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 350 triệu USD cho trung tâm thương mại tại Huế, Bắc Ninh. Aeon Mall đang vận hành 2 trung tâm thương mại tại Campuchia và 3 trung tâm thương mại tại Indonesia, nhưng có tới 6 trung tâm thương mại ở Việt Nam, cho thấy, tiềm năng của thị trường Việt Nam còn rất lớn.
Ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam cũng bày tỏ sự ngạc nhiên với tốc độ hồi phục của thị trường Việt Nam, thuộc hàng nhanh nhất trong số các quốc gia mà nhà bán lẻ này đang kinh doanh.
Mặc dù vậy, chính sự biến đổi nhanh trong chiến lược kinh doanh để “sống chung với dịch bệnh” của các chủ đầu tư trung tâm thương mại mới là điều đáng bàn.
Nhắc đến các trung tâm thương mại cao cấp tại Việt Nam, Vincom Retail đang là tên tuổi đứng số 1, thậm chí vượt mặt các đối thủ ngoại về thị phần, số lượng trung tâm thương mại và quỹ đất. Tính tới ngày 30/9/2021, Vincom Retail đang vận hành 80 trung tâm thương mại với tổng diện tích sàn bán lẻ đạt 1,7 triệu m2 tại 43 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trong quý IV/2021, Vincom Retail sẽ mở cửa các cửa hàng thiết yếu tại Vincom Mega Mall Smart City thuộc khu vực phía Tây Hà Nội; đưa Vincom Plaza (Bạc Liêu và Mỹ Tho) vào hoạt động, nâng tổng diện tích sàn bán lẻ của Công ty lên 1,8 triệu m2.
Báo cáo quý III/2021 tại thị trường TP.HCM của Savills cho hay, khi nguồn cung các trung tâm thương mại trong tương lai không chắc chắn vì diễn biến khó lường của đại dịch. Các dự án dự kiến vào thị trường trong quý IV/2021 có thể bị trì hoãn do nhu cầu tăng chậm. Tuy nhiên, đến năm 2024, nguồn cung tương lai cung cấp 381.000 m2 từ 23 dự án dự kiến vẫn vào thị trường đúng tiến độ.
Do đó, các trung tâm thương mại hiện hữu đang hoạt động trở lại với nhiều kỳ vọng tích cực trong quý IV/2021. Đại diện Vincom Retail tiết lộ, để xóa tan sự ảm đạm, trong quý IV, Vincom sẽ tung ra các chiến dịch lớn để thúc đẩy sức mua, kích cầu thị trường bán lẻ.
Trong vòng 5 năm tới, Vincom Retail sẽ chĩa mũi nhọn vào mô hình trung tâm thương mại Vincom Mega Mall có quy mô lớn nằm trong các đại đô thị của Vinhomes. Chúng chiếm khoảng 27/49 trung tâm thương mại dự kiến triển khai mới, đóng góp trên 80% diện tích bán lẻ tăng thêm. Tổng diện tích tăng thêm dự kiến là 3 triệu m2, tương đương 129 trung tâm thương mại.
Nước cờ này được cho là nhanh tay trong bối cảnh đại dịch khó lường, khi sức cầu của dân cư bị ảnh hưởng.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo, Vincom Center và Vincom Mega Mall sẽ ghi nhận biên lợi nhuận cao hơn Vincom Plaza và Vincom+. Do đó, biên lợi nhuận gộp trung bình của mảng cho thuê bán lẻ được dự báo sẽ đạt 55,5% trong giai đoạn 2021 - 2024 so với mức 54,2% trước đây.
Theo VCSC, Vincom Retail có khả năng phục hồi mạnh vào năm 2021 bất chấp Covid-19 tái bùng phát gần đây. Bản thân Vincom Retail cũng nhận thấy, khi dịch bệnh được kiểm soát, mảng rạp chiếu phim và giải trí đang dần hồi phục, còn mảng ăn uống, thời trang hồi phục mạnh. Vấn đề còn lại là vận hành và phát triển trung tâm thương mại ra sao để thu hút khách thuê uy tín trong và ngoài nước.