Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện năng lực nội địa cung cứng phân bón đã vượt quá xa, gấp hơn 3 lần so với nhu cầu.
Các nhà máy hiện có công suất hơn 30 triệu tấn phân bón/năm, chưa kể nhập khẩu trên 4 triệu tấn nữa, trong khi nhu cầu chỉ 10 - 11 triệu tấn.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng phân bón, bảo vệ quyền và lợi ích cho người nông dân, các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời lập lại thị trường phân bón trong lúc này, nghị định 108/2017/NĐ-CP đưa ra phương thức kiểm soát hiệu quả tất cả các khâu từ công nhận, khảo nghiệm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và quản lý chất lượng phân bón.
Trách nhiệm khảo nghiệm phân bón bảo vệ sản xuất nông nghiệp sẽ được trao tay cho các trung tâm, công ty, đơn vị được cấp phép bởi Cục Bảo vệ thực vật sau các bước kiểm tra đánh giá nghiêm ngặt về các điều kiện khảo nghiệm.
Không phải doanh nghiệp nào cũng được cấp phép khảo nghiệm phân bón
Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu phát triển (trực thuộc DCM) được Cục Bảo vệ Thực vật cấp phép đủ điều kiện để khảo nghiệm phân bón.
Với định hướng phân bón mới được phép lưu hành không tràn lan, không phát triển ồ ạt mà phải được thẩm định tính khoa học, xác thực về hiệu quả nông học, hiệu quả kinh tế cũng như giá trị sử dụng của phân bón.
Chính vì được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ đầu vào, do đó không phải đơn vị nào cũng có chức năng khảo nghiệm này.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc kiểm soát chất lượng khảo nghiệm phân bón hiện nay được thực hiện căn cơ, bài bản và chặt chẽ.
Ngay từ khi thành lập, với định hướng cụ thể, Trung tâm nghiên cứu phát triển đã thành lập và được trang bị đầy đủ nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ khảo nghiệm.
Việc khảo nghiệm được tiến hành tại Trung tâm; quá trình thực hiện khảo nghiệm được giám sát, kiểm tra và đánh giá của cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương nơi tiến hành khảo nghiệm; kết quả khảo nghiệm được xem xét, đánh giá và phê duyệt khách quan, khoa học bởi hội đồng chuyên môn am hiểu, chuyên sâu, uy tín. Như vậy, chỉ những phân bón thực sự hiệu quả, vượt trội mới được công nhận lưu hành để đưa vào sản xuất, lưu thông và sử dụng.
Phần nào lập lại thị trường phân bón, khẳng định năng lực và sự đóng góp cho bà con nông dân
Trên thế giới nhiều quốc gia sử dụng phân bón chuyên dùng, có nghĩa là một sản phẩm chỉ khuyến cáo sử dụng cho một đối tượng cây trồng hoặc một nhóm cây trồng trong điều kiện đất đai, canh tác cụ thể.
Trong đó, khảo nghiệm là khâu kỹ thuật quan trọng để Đạm Cà Mau chứng minh công dụng phân bón do công ty sản xuất và nhập khẩu bằng khoa học, thực tiễn, đưa ra hướng dẫn để bà con dùng phân bón hợp lý, cân đối và hiệu quả.
Từ đó sẽ hạn chế tình trạng hỗn loạn với hơn 20.000 tên thương mại và công thức phân bón, đặc biệt là dòng sản phẩm NPK tràn lan trên thị trường hiện nay.
Từ khi thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển có khoảng hơn 20 đề tài nhiệm vụ được nghiên cứu và đưa ra thị trường 03 sản phẩm là Đạm đen Cà Mau (N. Humate + TE), đạm xanh Cà Mau (N46.Plus) và đạm vàng Cà Mau (Nano C+).
Tất cả các sản phẩm mang thương hiệu Đạm Cà Mau khi đưa ra thị trường đều mang trong mình sức mệnh cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng và đều được bà con nông dân đón nhận và phản hồi tích cực.
Với dòng thực phẩm chức năng cho cây này đã giúp nông dân không những tiết kiệm chi phí phân bón, tăng hiệu suất cây trồng mà còn giúp bảo vệ đất đai, cây trồng.
Hiện Trung tâm đang tiến hành khảo nghiệm các dòng phân bón NPK Cà Mau. Kết quả sẽ giúp Đạm Cà Mau công bố đến bà con từng công thức NPK phù hợp với từng vụ và từng vùng thổ nhưỡng khác nhau.
Để hoàn thành khảo nghiệm trước khi đăng ký lưu hành một loại phân bón mới trên một đối tượng cây trồng, công ty sẽ phải triển khai 4 - 8 thí nghiệm khảo nghiệm tại 2 địa điểm khác nhau về loại đất. Và kết quả khảo nghiệm là khâu quan trọng trước khi công bố hợp quy để chính thức lưu hành trên thị trường.
Theo ông Lê Công Nhất Phương, Giám đốc Trung tâm R&D Đạm Cà Mau: “Với một doanh nghiệp uy tín về sản xuất và kinh doanh phân bón như Đạm Cà Mau, làm tốt khâu khảo nghiệm sẽ giúp công ty tiếp tục duy trì thương hiệu, cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước lập lại trật tự thị trường phân bón, bảo vệ các đơn vị làm ăn chân chính và đóng góp bền vững cho nông nghiệp cũng như giúp bà con nông dân được sử dụng phân bón chất lượng, mang lại giá trị cho mùa màng”.