Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ trở thành mô hình tiên phong trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ trở thành mô hình tiên phong trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tập trung xây dựng nền tảng tri thức, khoa học và nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo, gắn liền các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Trên cơ sở phát huy vai trò quan trọng của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đây sẽ là mô hình tiên phong trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam khi đi vào vận hành.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ khai mạc Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021 và khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia diễn ra sáng 9/1 tại Khu Công nghệ cao Láng Hoà Lạc.

Theo Thủ tướng, để thực hiện mục tiêu, khát vọng bứt phá tăng trưởng của đất nước để trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao đến năm 2045, vào đúng thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước đã được đặt ra tại Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng lần thứ XIII, cần phải dựa vào tri thức, khoa học công nghệ, và đặc biệt là đổi mới sáng tạo, coi đây là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng.

“Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp mới là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá trong phát triền, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ ra thực tiễn cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên, nhưng không thể tăng trưởng nhanh và bền vững, ngược lại có nước có rất ít tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là con người và công nghệ.

Theo Thủ tướng, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam những năm gần đây được cải thiện liên tục, tăng 10 bậc từ năm 2015, đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Đây chính là nền tảng quan trọng vững vàng để tạo đà đà cho sự bứt phá tới đây nếu chúng ta tận dụng chớp được thời cơ này.

Tuy nhiên, thời gian qua, theo Thủ tướng, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam trong cả khu vực Nhà nước và tư nhân mới chỉ chiếm khoảng 0,45% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới là 2,23% GDP.

Ông dẫn chứng rất ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, ý tưởng mới vào sản xuất, kinh doanh. Lý do là vì năng lực nghiên cứu khoa học ứng dụng - khoa học phục vụ cuộc sống, công nghệ và đổi mới sáng tạo của chúng ta còn hạn chế và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún.

Điều này dẫn tới nguy cơ Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và về năng suất lao động so với một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

“Vì chúng ta chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế tốt, hoặc những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia. Hành lang pháp lý và cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp, và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta”, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ.

Chính vì vậy, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh lại một lần nữa đề nghị trong thời gian tới đây, tất cả các khu vực bao gồm cả Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho khoa học công nghệ và ưu tiên chi cho khoa học công nghệ một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn.

Với tầm quan trọng đặc biệt như vậy, Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao và biểu dương sự quyết tâm, nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam, hành động thiết thực triển khai Nghị quyết 52-NQ/TW của Trung ương nhanh chóng đi vào thực tế, thúc đẩy vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thể hiện rõ mong muốn Việt Nam là điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực.

Thủ tướng cho rằng, dù triển lãm được tổ chức lần đầu tiên nhưng đã quy tụ được đông đảo, đa dạng cả về quy mô và số lượng với 156 gian hàng của 113 doanh nghiệp trong nước, 22 doanh nghiệp FDI, 21 viện, trường. Chất lượng và sự phong phú của các sản phẩm sáng tạo cho thấy tiềm năng lớn của các tổ chức, doanh nghiệp, và các nhà sáng chế Việt Nam.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn “Triển lãm sẽ là sự kiện quốc tế tiêu biểu hằng năm về đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần thúc đẩy kết nối sâu rộng các chủ thể của hệ sinh thái và mở rộng các liên kết, hợp tác với các đối tác quốc tế”.

Nhận dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan hoạch định chính sách phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia sớm nghiên cứu đề xuất chính sách, thể chế, khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo.

Đồng thời, tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao, hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin,...

“Tôi mong rằng trong thời gian tới các bộ, ngành thành phố Hà Nội và các đối tác quốc tế tiếp tục phối hợp hỗ trợ để phát triển Trung tâm đổi mới công nghệ quốc gia đi vào hoạt động và vận hành hiệu quả trở thành mô hình tiên phong trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Nơi đây sẽ tạo ra những điều kiện lý tưởng về môi trường thể chế pháp luật, thử nghiệm chính sách mới, điều kiện hạ tầng, môi trường làm việc đặc biệt thuận lợi để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam phát triển và vươn mình ra thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng tái khẳng định việc tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam và khởi công Dự án cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tiếp tục thể hiện cam kết của Chính phủ đồng hành cùng với doanh nghiệp, cá nhân đổi mới sáng tạo.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, với tầm nhìn và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta tin tưởng rằng đây là giai đoạn bản lề của Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng phát triển mới của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, là thời điểm Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển kinh tế nhanh và bền vững...

Bộ trưởng khẳng định, Lễ khởi công là hoạt động quan trọng đánh dấu sự hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia quy mô, tầm cỡ và đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, thúc đẩy hình thành mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các địa phương, khu vực theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, góp phần quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với vai trò là kiến trúc sư trưởng, là người đặt nền móng đầu tiên khởi nguồn cho ý tưởng và sớm đi tới triển khai hiện thực hoá việc xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Trung tâm được Thủ tướng Chính phủ "khai sinh" tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019. Đây là mô hình đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ thành lập và khác với mô hình trung tâm phổ biến ở các nước trên thế giới chủ yếu do doanh nghiệp, tập đoàn thiết lập và thường chỉ phục vụ mục tiêu nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp. Với ý nghĩa đó, Chính phủ đã ban hành một Nghị định riêng (Nghị định 94/2020/NĐ-CP) quy định Trung tâm được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất, thuận lợi nhất theo quy định hiện nay.

Bộ trưởng cho biết, sau hơn một năm chuẩn bị, Trung tâm đã sẵn sàng để chính thức khởi công xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

“Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các cơ sở nghiên cứu, không gian làm việc, thử nghiệm sản phẩm và điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ theo chuẩn mực quốc tế, đưa các ý tưởng đổi mới sáng tạo vào một hệ sinh thái đầy đủ và hỗ trợ thông qua các cơ chế thuận lợi, đặc thù, từ đó hoàn chỉnh vòng kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, nghiên cứu phát triển và thương mại hoá sản phẩm”, Bộ trưởng khẳng định.

Nhân sự kiện này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 10/1 hàng năm trở thành "Ngày Đổi mới sáng tạo của Việt Nam" nhằm tôn vinh hoạt động đổi mới sáng tạo của con người Việt Nam, trở thành niềm cảm hứng, sự hứng khởi cho mọi người dân, khơi nguồn cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo biến thành động lực để hiện thực hoá khát vọng vươn lên của đất nước.

Bộ trưởng cũng lưu ý nhấn mạnh những thách thức còn hiện hữu "mà để vượt qua và tận dụng được thành tựu công nghệ mới, cần tiếp tục phấn đấu, chung sức đồng lòng, đóng góp công sức, trí tuệ cho phát triển của đổi mới sáng tạo nước nhà, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045”, Bộ trưởng khẳng định.

Được biết, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Việc thành lập NIC là một bước đi mạnh mẽ của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 94 về các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù cho Trung tâm nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động kết nối, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Trung tâm. Trung tâm được bố trí cơ sở hoạt động tại Hoà Lạc và Hà Nội.

Tại Hoà Lạc, Trung tâm dự kiến xây dựng cơ sở với tổng diện tích sử dụng 35.000 m2, đây sẽ là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các phòng lab nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế nhằm đem đến điều kiện hạ tầng tốt nhất cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ.

Theo Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ, Trung tâm được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất và các thủ tục hành chính thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Cụ thể, các chính sách ưu đãi cho NIC bao gồm: hưởng ưu đãi trong tín dụng đầu tư của Nhà nước, được ưu tiên thuê đất trong thời hạn 50 năm trong các Khu CNC và được miễn toàn bộ tiên thuê đất cho cả thời hạn thuê; Được miễn thuế hàng hóa nhập khẩu sử dụng cho nghiên cứu khoa học; được hưởng các thuế xuất ưu đãi mức cao nhất hiện nay.

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm được hưởng các chính sách ưu đãi gồm Được hỗ trợ các thủ tục hành chính về ĐKKD, giấy phép lao động, xác lập quyền sở hữu công nghiệp; Được hỗ trợ văn phòng làm việc và các điều kiện cần thiết; Được tạo thuận lợi trong các thủ tục đấu thầu theo quy định hiện hành.

Tin bài liên quan