Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, các trung tâm đổi mới sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng đưa các công nghệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp (DN) và người dân, trình diễn và chuyển giao công nghệ, khuyến khích tinh thần sáng tạo trong DN và người dân.
Tạo ra các công nghệ bản địa tiên tiến cho các nước trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN). Tạo ra hệ sinh thái đổi mới đầy đủ, hiện đại để nhà nghiên cứu và DN có thể triển khai các ý tưởng kinh doanh dựa trên công nghệ của mình.
Thực tiễn đó đòi hỏi Việt Nam có các trung tâm đổi mới sáng tạo tiên tiến để nhanh chóng đưa đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo (innovation - driven) trên nền tảng công nghệ 4.0. Với mô hình tiên tiến, đủ sức cạnh tranh quốc tế, làm hình mẫu cho cả nước.
Mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới ở Việt Nam, góp phần nâng cấp hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia một cách căn bản, đóng góp voà việc thực hiện Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0.
Quy mô của NIC dự kiến: 23 ha trong Khu công nghệ caoHoà Lạc. Mặt bằng xây dựng: 90.000 m2 sàn. Vốn đầu tư: 1.900 tỷ đồng (khoảng 82 triệu USD), trong đó 1.700 tỷ đồng là vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, 200 tỷ là vốn lưu động. Thực hiện trong 3 năm kể từ ngày khởi công 2019 và có thể bắt đầu hoạt động từ năm thứ 2.
Thí điểm một mô hình thực thi chính sách mới, trong đó Nhà nước và DN hợp tác chặt chẽ vì mục đích xã hội, thể hiện tư duy sáng tạo chính sách cần thiết trong cuộc đua toàn cầu về CMCN 4.0 và quản trị quốc gia.
Đồng thời, đây cũng là lực lượng vật chất để thúc đẩy quá trình tạo ra công nghệ trong nước để phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nắm bắt cơ hội, vươn lên vị trí dẫn đầu trong một số lĩnh vực CMCN 4.0. Theo đó, mục đích cuối cùng là công ích, xã hội, là công cụ cạnh tranh toàn cầu về công nghiệp 4.0 của Việt Nam.
TS. Đặng Quang Vinh, Phó trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, Việt Nam đang tích cực, chủ động tham gia CMCN 4.0. Các nước trong khu vực đã có nhiều chính sách về CMCN 4.0, trong đó có chính sách thành lập các Trung tâm đổi mới sáng tạo thực hiện R&D và chuyển giao các công nghệ mới nhất.
Đơn cử như Thái Lan lập Tru Digital Park (2018), Ấn Độ hợp tác với WEF thành lập Trung tâm CMCN 4.0 (2018), Pháp thành lập Station F (2016), Estonia thành lập Smart City hub (2015), Trung Quốc nâng cấp Zhongguancun National Demonstration Zone (2011).
Trên thực tế, Trung tâm ĐMST tại Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra tác động đáng kể về công nghệ, chủ yếu làm nhiệm vụ thu hút đầu tư đặc biệt là dòng vốn FDI vào các lĩnh vực sản xuất, không phải đặc trưng của CMCN 4.0, theo đó sự lan toả công nghệ rất hạn chế.
Bên cạnh đó, các Trung tâm STĐM, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam chưa lọt vào các bảng đánh giá, xếp hạng trên thế giới. Trong 10 năm qua, các cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của Việt nam chưa tạo ra một công ty tỷ đô nào.
Theo đó, NIC được thành lập sẽ là trung tâm vận hành hệ sinh thái Công nghiệp 4.0. Dự kiến, trong giai đoạn đầu, NIC tập trung vào một số lĩnh như nhà máy thông minh bao gồm phần cứng và phần mềm.
Thành phố thông minh; công nghiệp nội dung số (trò chơi, quảng cáo, phim ảnh, âm nhạc… ); công nghiệp an ninh mạng (giải pháp an ninh để bảo vệ các hệ thống, mạng lưới dân sự- nhà máy, thành phố, cơ quan hành chính.
Cũng theo thiết kể mô hình, NIC sẽ là nơi tập hợp các công ty đến để phát triển công nghệ, tạo nền tảng và cơ chế thuận lợi cho các DN tạo ra công nghệ để bán lại và triển khai trong DN và cơ quan nhà nước, các khách hàng trong nước và quốc tế.
Để mô hình này được thành công cần có nhiều chính sách khác biệt và mới cho hoạt động của Trung tâm này. Trong đó, CIEM đề xuất thành lập DN xã hội, 100% vốn tư nhân, hoạt động theo quy định của Luật DN 2014.
Đảm bảo hoạt động linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường, có thể nhanh chóng đi vào hoạt động và tạo ra kết quả cho nền kinh tế. Có thể tiếp nhận sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, các nhân trong và ngoài nước vì mục đích phát triển và chuyển giao công nghệ trong nước.
Để đảm bảo định hướng chính sách và nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ Chính phủ, mô hình NIC dự kiến đề xuất xây dựng bộ máy quản trị và điều hành theo hướng hợp tác công tư, có sự gắn kết chặt chẽ với Chính phủ, trong đó điều lệ hoạt động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định tôn chỉ mục đích cơ cấu tổ chức, lĩnh vực hoạt động và các ưu đãi đặc biệt. Hội đồng thành viên sẽ bao gồm đại diện của Chủ đầu tư và của Chính phủ.
Theo đề xuất của CIEM, NIC được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế cao nhất giành cho DN. Được miễn tiền sử dụng đất trong 20 năm và được phép cho các DN trong và ngoài nước hoạt động cùng lĩnh vực thuê lại mặt bằng với thời hạn tối đa của pháp luật.
Đặc biệt, NIC có quyền đại diện cho các DN thuê mặt bằng làm các thủ tục hành chính và triển khai đầu tư hạ tầng cần thiết. NIC và các DN thuê lại mặt bằng của NIC được Ban quản lý CNC Hoà Lạc hỗ trợ về các thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư, kinh doanh.
NIC được phép bảo lãnh để DN hoạt động trong khuôn viên của mình xin các giấy phép lao động, visa cư trú dài hạn, thẻ doanh nhân APEC và các giấy tờ khác cho lao động nước ngoài của các DN đó.
Được tiếp nhận hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng ưu đãi. Cho phép điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư theo hướng công nghệ ưu tiên của NIC để tạo thành hệ sinh thái lớn hơn cho các lĩnh vực công nghệ ưu tiên của Việt Nam, như công nghiệp nội dung số.