Trung Quốc yêu cầu xem xét các đợt IPO ở nước ngoài của các công ty có dữ liệu người dùng lớn

Trung Quốc yêu cầu xem xét các đợt IPO ở nước ngoài của các công ty có dữ liệu người dùng lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Bảy (10/7), Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) cho biết, bất kỳ công ty nào có dữ liệu của hơn 1 triệu người dùng đều phải trải qua một cuộc đánh giá bảo mật trước khi niêm yết cổ phiếu ra nước ngoài.

Quyết định này đánh dấu bước đi lớn đầu tiên của Trung Quốc trong việc kiểm soát các công ty Trung Quốc niêm yết ra nước ngoài, và có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều công ty, phủ bóng đen lên lĩnh vực công nghệ của nước này.

Các nhà quản lý CAC đang áp đặt các hạn chế chặt chẽ hơn đối với việc thu thập dữ liệu và lưu trữ dữ liệu. Các nhà chức trách cũng đang thúc đẩy giám sát rộng rãi hơn các công ty niêm yết trong nước.

Theo đó, hai bộ quy tắc mới là Luật Bảo mật Dữ liệu và Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân bao gồm việc lưu trữ dữ liệu và quyền riêng tư của dữ liệu sẽ có hiệu lực trong năm nay.

Ngoài ra, thông báo hôm 10/7 cũng sẽ yêu cầu các công ty gửi tài liệu IPO mà họ dự định nộp ra nước ngoài để CAC xem xét.

Theo CAC, việc rà soát an ninh sẽ xem xét như là rủi ro an ninh quốc gia cũng như "nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do các yếu tố chính trị, ngoại giao, thương mại và các yếu tố khác và nguy cơ dữ liệu chủ chốt bị chính phủ nước ngoài sử dụng một cách ác ý sau khi niêm yết ở nước ngoài".

CAC cũng đang lấy ý kiến ​​của công chúng về các quy tắc được đề xuất.

Thông báo này được đưa ra sau khi các nhà chức trách Trung Quốc mở cuộc điều tra gã khổng lồ gọi xe Didi Global vì bị cáo buộc vi phạm quyền riêng tư của người dùng, chỉ vài ngày sau khi công ty này niêm yết tại New York.

Giá cổ phiếu của Didi đã giảm 20% sau tin tức về cuộc điều tra và công ty cho biết doanh thu của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Một số báo cáo truyền thông cho biết, ứng dụng podcast và âm thanh Ximalaya của Trung Quốc đã hủy bỏ kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ sau áp lực từ Bắc Kinh. Công ty này có hơn 200 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và nắm giữ một lượng lớn thông tin cá nhân bao gồm cả dữ liệu giọng nói.

Ứng dụng giáo dục trực tuyến Zuoyebang của Trung Quốc cũng được cho là đang xem xét IPO tại Mỹ. Công ty được hỗ trợ bởi SoftBank Group và Alibaba Group Holding và có hơn 100 triệu người dùng hàng tháng, nắm giữ rất nhiều thông tin cá nhân về trẻ em.

Kiểm soát của Trung Quốc đối với “nền kinh tế nền tảng” đang gia tăng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington. Tuy nhiên, có thể có rủi ro đối với việc hạn chế quá mức vì điều đó có thể làm suy yếu sự tăng trưởng tiềm năng của các công ty công nghệ này.

Tin bài liên quan