Trung Quốc xóa nợ cho 17 nước châu Phi

0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc vừa thông báo sẽ xóa 23 khoản vay không lãi suất cho 17 quốc gia châu Phi và chuyển 10 tỷ USD trong Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho các quốc gia khó khăn trên lục địa này.
Trung Quốc cho biết họ đang thúc đẩy quan hệ với châu Phi (Ảnh: QZ).

Trung Quốc cho biết họ đang thúc đẩy quan hệ với châu Phi (Ảnh: QZ).

"Trung Quốc sẽ xóa bỏ 23 khoản vay không tính lãi cho 17 quốc gia châu Phi đã đáo hạn vào cuối năm 2021", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi theo một tuyên bố.

Ông cam kết rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ và tham gia xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở châu Phi thông qua tài trợ, đầu tư và hỗ trợ.

"Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu từ châu Phi, hỗ trợ cho sự phát triển của các ngành sản xuất và nông nghiệp của châu Phi, đồng thời mở rộng hợp tác trong các ngành mới nổi như nền kinh tế kỹ thuật số, y tế, lĩnh vực xanh và carbon thấp", News.com.au dẫn lời Bộ trưởng.

Ông Vương cũng cam kết rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ lương thực cho 17 quốc gia châu Phi.

Bloomberg trích dẫn một nghiên cứu được công bố bởi Trường Nghiên cứu Quốc tế cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, tiết lộ rằng từ năm 2000, Bắc Kinh đã công bố nhiều đợt xóa nợ cho các khoản vay không lãi suất cho các nước châu Phi, xóa bỏ ít nhất 3,4 tỷ USD khoản nợ cho đến năm 2019.

Khoản nợ được xóa giới hạn trong các khoản vay viện trợ nước ngoài không lãi suất đến hạn, trong đó Zambia nhận được nhiều khoản hủy nhất trong khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, phần lớn các khoản cho vay gần đây của Trung Quốc ở châu Phi như các khoản vay ưu đãi và các khoản vay thương mại chưa bao giờ bị xem xét xóa bỏ mặc dù một số khoản đã được cơ cấu lại, theo báo cáo.

Theo Ngân hàng Thế giới, Bắc Kinh chiếm gần 40% tổng nợ song phương và chủ nợ tư nhân mà các quốc gia nghèo nhất thế giới cần phải giải quyết trong năm nay.

Thông báo xóa nợ tuần trước nhấn mạnh nỗ lực của Trung Quốc trong việc xây dựng quan hệ với các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.

"Điều mà châu Phi mong muốn là một môi trường hợp tác thuận lợi và thân thiện, chứ không phải tâm lý Chiến tranh lạnh có tổng bằng không", Bộ trưởng Vương Nghị cho hay.

Khoản đầu tư kỷ lục 650 tỷ USD của IMF vào năm ngoái nhằm giúp các quốc gia thành viên vượt qua ảnh hưởng của đợt bùng phát đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, giám đốc quỹ Kristalina Georgieva thúc giục các quốc gia giàu hơn làm nhiều hơn nữa bằng cách cho những quốc gia nghèo hơn vay.

Trung Quốc đã nhận được số tiền tương đương khoảng 38,2 tỷ USD thông qua việc IMF áp dụng quyền rút vốn đặc biệt gần đây, hoạt động giống như một khoản thấu chi và không kèm theo điều kiện nào.

Ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc sẵn sàng chuyển quyền rút vốn đặc biệt trị giá 10 tỷ USD thông qua hai quỹ tín thác của quỹ để giúp đỡ các quốc gia nghèo và thu nhập trung bình.

Kể từ khi Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi diễn ra tại Senegal vào tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã chuyển giao 3 tỷ USD trong tổng số tiền trị giá 10 tỷ USD đã cam kết cho các tổ chức tài chính châu Phi, Bộ trưởng tiết lộ trong một bài phát biểu.

Ngoài ra, Trung Quốc trong năm nay đã đồng ý miễn thuế nhập cảnh đối với 98% hàng hóa xuất khẩu từ 12 quốc gia châu Phi và đã cung cấp hỗ trợ lương thực khẩn cấp cho Djibouti, Ethiopia, Somalia và Eritrea, ông Vương cho biết thêm.

Tin bài liên quan