Các báo cáo nghiên cứu được đánh giá là chất lượng cao hơn nếu được trích dẫn nhiều hơn. Nghiên cứu của Trung Quốc chiếm 27,2% (4.744) trong số 1% các báo cáo được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Mỹ đứng thứ hai với 24,9%, Anh đứng thứ ba với 5,5%.
Bản báo cáo được Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công Nhật Nhật Bản biên soạn dựa trên dữ liệu từ Công ty Nghiên cứu-Phân tích Clarivate. Báo cáo được công bố ngày 9/8, cùng ngày Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học - đạo luật được coi là cần thiết để giành chiến thắng trong cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc thông qua các nghiên cứu lớn hơn.
Nghiên cứu khoa học là động lực thúc đẩy cạnh tranh trong các ngành công nghiệp và các nền kinh tế. Khả năng nghiên cứu hiện tại sẽ quyết định thị phần trong tương lai ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và các lĩnh vực tiên tiến khác, đồng thời có thể có tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia.
Trung Quốc đã nhanh chóng gia tăng dấu ấn của mình trong lĩnh vực nghiên cứu tiên tiến trong những năm gần đây. Bắc Kinh đã vượt Washington về tổng số bài báo khoa học năm 2020, sau đó là về số lượng bài báo trong số 10% bài báo được trích dẫn nhiều nhất năm 2021.
Ông Shinichi Kuroki, Phó tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản cho biết: “Trung Quốc là một trong những nước đứng đầu thế giới về số lượng và chất lượng của các bài báo khoa học. Để trở thành lãnh đạo toàn cầu thực sự, sẽ cần tiếp tục có các nghiên cứu được quốc tế công nhận”.
Trong khi đó, Nhật Bản đang tụt lại phía sau, chỉ đứng thứ năm về tổng số bài báo khoa học được công bố và đứng thứ mười trong top 1% bài báo được trích dẫn nhiều nhất.