Theo Bloomberg, dự án mBridge - một dự án thanh toán xuyên biên giới tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) bằng công nghệ sổ cái phân tán (DLT) - do Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc) và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất phát triển có thể sẽ có một sản phẩm hoạt động cơ bản sẵn sàng vào cuối năm nay. Đó là một nỗ lực chung với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) - một trung tâm hợp tác giữa các ngân hàng trung ương toàn cầu.
Theo dữ liệu của BIS và Liên Hợp quốc, đồng đô la chiếm khoảng 6.600 tỷ USD giao dịch ngoại hối mỗi ngày, trong khi một nửa trong số khoảng 32.000 tỷ USD thương mại toàn cầu mỗi năm được lập hóa đơn bằng đồng đô la. Dự án mBridge có thể giúp đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được sử dụng dễ dàng hơn như một đồng tiền thay thế bằng cách cho phép phiên bản kỹ thuật số của đồng nhân dân tệ giải quyết các giao dịch lớn của các công ty.
Mặc dù nền tảng này đã được phát triển công khai từ năm 2017, nhưng một số quan chức Mỹ và châu Âu giám sát nền tảng này ngày càng lo lắng rằng, nó sẽ giúp Trung Quốc bắt đầu sử dụng các loại tiền kỹ thuật số để cách mạng hóa các khoản thanh toán bán buôn xuyên biên giới.
Các nhà phê bình cho rằng, một giải pháp thay thế kỹ thuật số cho thanh toán dựa trên đồng đô la có thể giúp dễ dàng trốn tránh các lệnh trừng phạt, thuế và các quy tắc về rửa tiền, đồng thời phân chia các khoản thanh toán toàn cầu thành các hệ thống cạnh tranh làm gia tăng căng thẳng địa chính trị.
“Nếu xét riêng thì có vẻ lạ vì dự án này đặt ra câu hỏi về tham vọng của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán dựa trên đồng đô la. Nhưng Trung Quốc cũng giống như nhiều ngân hàng trung ương khác đang hợp tác với BIS, vì đây là nơi diễn ra một số nghiên cứu tiên tiến nhất trong lĩnh vực này”, Josh Lipsky, Giám đốc Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết.
Ross Leckow, Phó giám đốc Trung tâm đổi mới BIS đang điều phối dự án, cho biết, vẫn chưa có mốc thời gian cho một hệ thống hoạt động sau giai đoạn phát triển hiện tại. Động thái tiếp theo là xem liệu nguyên mẫu có thể biến thành một sản phẩm khả thi tối thiểu hay không.
Cơ quan tiền tệ Hồng Kông cho biết, có một mục tiêu chung là tung ra một sản phẩm khả thi tối thiểu vào năm tới, đồng thời cho biết thêm rằng, nỗ lực này dựa trên “ưu tiên của G20 là thử nghiệm sử dụng các công nghệ mới để cung cấp các khoản thanh toán xuyên biên giới theo thời gian thực rẻ hơn và an toàn hơn”.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã ca ngợi mục tiêu của sáng kiến là giải quyết các “điểm khó khăn” trong chuyển tiền xuyên biên giới và cho biết, BIS “liên tục tiếp cận các khu vực pháp lý bổ sung để tham gia dự án”.
Dự án mBridge là một trong số ít nhất 6 dự án đang diễn ra tại các ngân hàng trung ương kiểm tra cách thức phát triển các loại tiền CBDC, chúng có thể được sử dụng để cải thiện các khoản thanh toán xuyên biên giới. Ngay cả khi quá trình phát triển đang diễn ra, khả năng tồn tại của chúng như một giải pháp thay thế toàn diện cho hệ thống ngân hàng đại lý hiện liên kết những người ngân hàng trên toàn thế giới vẫn còn bị nghi ngờ.
Mặc dù vậy, mBridge được xem là dự án tiên tiến đến mức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tổ chức các cuộc thảo luận vào tháng 4 về cách đưa một nền tảng quan trọng như vậy cuối cùng dưới sự kiểm soát và giám sát của một tổ chức quốc tế vì IMF muốn tránh để dự án biến từ giải pháp kỹ thuật thành công cụ địa chính trị.
Lợi ích của mBridge
Dòng chảy của tiền kỹ thuật số là một lĩnh vực nghiên cứu hấp dẫn, bởi việc di chuyển tiền qua biên giới vẫn có thể trở nên cồng kềnh. Quá trình chuyển tiền yêu cầu một tập hợp các thông báo được sắp xếp giữa các ngân hàng tư nhân và ngân hàng trung ương khởi tạo và sau đó xác nhận từng bước trong quy trình. Trong khi nhiều giao dịch như vậy có thể giải quyết trong vòng một giờ, một số có thể mất vài ngày, đặc biệt nếu chúng liên quan đến các quốc gia và tiền tệ nhỏ hơn.
Mặc dù vậy, do tính thanh khoản và giá trị tương đối ổn định của đồng đô la, các công ty trên khắp thế giới phụ thuộc rất nhiều vào đồng bạc xanh. Nhưng việc thanh toán đô la qua biên giới cũng rắc rối giống như các giao dịch chuyển tiền khác. Việc thanh toán thường diễn ra trong giờ làm việc của Mỹ và có thể rơi vào kỳ nghỉ lễ ở bất kỳ quốc gia nào có liên quan, điều này đã tạo cơ hội cho một nền tảng như mBridge.
Báo cáo dự án mBridge cho biết, tài trợ thương mại là một trong những mục đích sử dụng được lên kế hoạch lớn nhất, với hàng hóa và dịch vụ trị giá khoảng 564 tỷ USD lưu thông những quốc gia tham gia trong năm 2021.
Giá trị thương mại giữa các nền kinh tế tham gia dự án mBridge trong năm 2021 |
Chúng nhằm mục đích cho phép chuyển khoản lớn và giao dịch ngoại hối trực tiếp giữa các ngân hàng thương mại tham gia sau khi đổi tiền mặt lấy tiền mã hóa tại ngân hàng trung ương của họ. Bằng cách sử dụng công nghệ sổ cái phân tán - tương tự như nền tảng mà Bitcoin hoạt động - những giao dịch đó có thể xảy ra gần như ngay lập tức, bất kỳ thời gian hoặc ngày nào trong tuần.
Theo báo cáo mới nhất của dự án vào tháng 8 và tháng 9/2022, các đối tác của mBridge và các ngân hàng thương mại ở các quốc gia tương ứng đã tiến hành thử nghiệm hỗ trợ khoảng 160 giao dịch với tổng giá trị 22 triệu USD.
Thông qua sử dụng hệ thống này, một công ty ở Trung Quốc có thể thanh toán cho một nhà cung cấp ở UAE bằng cách yêu cầu ngân hàng của họ phát hành mã thông báo e-yuan kỹ thuật số thông qua PBOC trên chuỗi khối mBridge hoặc sổ cái. Mã thông báo này sau đó có thể được ghi có chỉ trong vài giây vào ngân hàng của nhà cung cấp ở UAE, ngân hàng này sẽ lần lượt ghi có vào tài khoản của nhà cung cấp bằng đồng dirham.
Ross Leckow, Phó giám đốc Trung tâm đổi mới BIS cho biết: “Mỗi ngân hàng thương mại tham gia thử nghiệm trên nền tảng mBridge có nghĩa vụ tuân thủ các luật và quy định hiện hành, bao gồm cả những quy định liên quan đến tuân thủ thuế, rửa tiền và thực thi lệnh trừng phạt”.
Dự án có tổng cộng 23 quan sát viên quốc tế, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Rút ngắn thời gian
Nếu được thông qua và đi vào hoạt động, mBridge sẽ cho phép các ngân hàng thương mại ở một quốc gia tiếp cận với một loại tiền do ngân hàng trung ương của một quốc gia khác phát hành thay vì phải thông qua các trung gian hoặc ngân hàng đại lý. Trong khi các nhà phê bình cảnh báo rằng, nó sẽ mang lại cho các bên cơ hội tốt hơn nhiều để né tránh đồng đô la và tránh các lệnh trừng phạt hoặc thuế, thì những người ủng hộ nói rằng việc thiết lập sẽ loại bỏ xích mích đáng kể.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết, mBridge có thể giảm thời gian chuyển tiền xuyên biên giới từ 5 ngày xuống còn “vài giây”. Chúng cũng sẽ “mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dùng cuối và ngân hàng thương mại nếu có nhiều khu vực pháp lý tham gia hơn”.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với mBridge sau khi giai đoạn phát triển kết thúc. Công nghệ được xây dựng trong các dự án Trung tâm Đổi mới BIS trước đây đã được các ngân hàng trung ương tham gia sử dụng để xây dựng các sản phẩm của riêng họ, ví dụ như CBDC bán buôn mà Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) dự định ra mắt.
BIS xác nhận rằng, người đứng đầu toàn cầu của Trung tâm đổi mới BIS, Cecilia Skingsley gần đây đã đến thăm Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore để đàm phán với các nhà quản lý tiền tệ liên quan đến mBridge. BIS cho biết, nhiệm vụ cốt lõi của trung tâm là kiểm tra công nghệ, lưu hành kết quả và chia sẻ bài học kinh nghiệm với cộng đồng ngân hàng trung ương.
“Chúng tôi cho thấy khả năng công nghệ là gì. Đó là vấn đề để chính quyền quốc gia quyết định có nên phát triển thêm hay thực hiện các giải pháp công nghệ cụ thể hay không”, ông Ross Leckow cho biết.