Trung Quốc viết lại quy định về kiểm soát dòng vốn

Trung Quốc viết lại quy định về kiểm soát dòng vốn

(ĐTCK) Kể từ khi các đồng tiền trên toàn cầu được “thả tự do” khi hệ thống Bretton Woods chấm dứt vào cuối những năm 1970, nhiều quốc gia vẫn đang phải nỗ lực để kiểm soát các dòng chảy vốn không mong muốn mà không tự cô lập nền kinh tế của mình.

Trong số đó, Trung Quốc đang cố gắng tạo nên các quy định mới trong việc kiểm soát dòng vốn bằng việc thiết lập 2 bộ quy tắc dành riêng cho đối tượng dân cư và người nước ngoài.

Điều này hoàn toàn khác biệt với chính sách tự do hóa các dòng tiền mà những quốc gia phát triển đã thực hiện kể từ cách đây 4 thập kỷ và dường như đang quay trở lại bối cảnh từng khiến các nền kinh tế châu Á đang phát triển rơi vào khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 1990.

Suy nghĩ của giới chức Trung Quốc được thể hiện rõ ràng nhất trong mối liên kết thị trường trái phiếu được mở cửa vào ngày 3/7/2017, khi cho phép các nhà đầu tư toàn cầu mua trái phiếu Trung Quốc thông qua thị trường Hong Kong, nhưng lại ngăn cản cư dân Đại lục mua trái phiếu tại thị trường này.

Bên cạnh đó, giới chức Trung Quốc đã thực hiện thêm một số chính sách nhằm cổ vũ sự tham gia thị trường nội địa của nhà đầu tư nước ngoài, trong khi thắt chặt hơn việc giám sát nhà đầu tư, cư dân Trung Quốc mang tiền ra khỏi biên giới.

“Trung Quốc cổ vũ dòng vốn chảy vào thị trường nội địa, nhưng lại ngăn cản dòng tiền chảy ra bên ngoài. Về cơ bản, đây là định hướng mà giới chức quốc gia này mong muốn”, Chi Lo, nhà kinh tế học thị trường Đại lục tại BNP Parisbas SA (Hong Kong) nói và cho biết thêm, đây là cách đối xử “bất tương xứng” chưa từng có tiền lệ.

Lợi ích trước mắt của việc đối xử khác biệt giữa 2 đối tượng cư dân và người nước ngoài là tránh được tình trạng dòng tiền chảy ra bên ngoài một cách đột ngột, điều từng khiến Mexico và Thái Lan điêu đứng những năm 1990, hay Brazil những năm 2000.

Tuy nhiên, phía sau đó là mối lo ngại về việc liệu nhà đầu tư nước ngoài có cảm thấy thoải mái với thỏa thuận đổ vốn vào một thị trường mà nguồn tiền đi ra bị kiểm soát. Và việc dòng tiền thiếu bền vững có thể duy trì áp lực phải phá giá đồng nhân dân tệ.

Thực tế, xu hướng này của Trung Quốc chỉ trở nên rõ ràng hơn trong vòng 1 năm qua, sau các động thái mở cửa dần dần cả 2 dòng chảy vốn của giới chức nước này trước đó.

Cụ thể, quốc gia này đã có những cải tổ kể từ giữa thập kỷ trước, khi kết thúc 10 năm gắn tỷ giá với USD vào năm 2005. Năm 2006 cho phép cư dân được mang tối đa 50.000 USD/năm ra nước ngoài, gấp đôi mức giới hạn trước đó.

Trong làn sóng khủng khoảng 2007 - 2009 diễn ra tại châu Á, đe dọa tới các hệ thống tài chính mà đồng tiền được gắn với USD, Trung Quốc bắt đầu nâng cao vai trò của đồng nhân dân tệ. Quốc gia này thúc đẩy việc thành lập các trung tâm giao dịch nhân dân tệ tại nước ngoài, trong khi giới chức tiền tệ nới rộng biên độ dao động giữa nhân dân tệ so với USD. Năm 2012, HSBC Holdings Plc đã dự báo đồng nhân dân tệ sẽ là đồng tiền đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn dễ dàng chuyển đổi vào năm 2017.

Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu chệch hướng kể từ năm 2015, mỉa mai nhất là vào đúng thời điểm Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục Quỹ Tiền tệ quốc tế chấp thuận đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dự trữ của quỹ này.

Theo các chuyên gia, với nỗ lực giảm sự liên kết của nhân dân tệ với USD, Trung Quốc đã làm thay đổi cách nhìn của nhà đầu tư về triển vọng dài hạn của đồng nhân dân tệ và đánh cược vào đồng tiền này.

Đúng lúc đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành việc nâng lãi suất, khiến khoảng 2 nghìn tỷ USD tại Trung Quốc nhanh chóng tìm đường chảy ra các thị trường nước ngoài, tạo áp lực giảm giá với nhân dân tệ.

“Áp lực tháo chạy của dòng tiền là rất thực tế. Chính sách chỉ để dòng vốn lưu thông một chiều đã được bắt đầu áp dụng năm 2016 và sẽ còn duy trì trong nhiều năm tới”, Zhao Yang, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Nomura Holdings Inc cho biết.

Thực tế, dù Trung Quốc cam kết rằng các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào Đại lục sẽ không gặp rào cản nào khi rút tiền đi, nhưng chính sách kiểm soát dòng vốn vẫn khiến nhiều người ngập ngừng. Nếu như trong năm 2016, các nghiên cứu của nhiều tổ chức kinh tế dự báo sẽ có khoảng 1 nghìn tỷ USD từ các quỹ đầu tư đổ vào thị trường trái phiếu Trung Quốc trong giai đoạn 5 năm tới, thì hiện tại, đều đã đưa ra những con số giảm xuống.

Bên cạnh đó, theo George Wu, nhà kinh tế trưởng tại Huarong Securities Co, cựu chuyên gia tiền tệ tại ngân hàng trung ương Trung Quốc trong 12 năm cho biết: “Trong dài hạn, Trung Quốc hiện đã là một quốc gia có thu nhập trung bình, cư dân và các công ty có nhu cầu lớn với việc đa dạng hóa tài sản tại nước ngoài. Việc kiểm soát dòng vốn sẽ cản trở khả năng tăng trưởng và sinh khí của nền kinh tế trong dài hạn".

Tin bài liên quan