Lĩnh vực logistics đang là bệ đỡ cho bất động sản Trung Quốc

Lĩnh vực logistics đang là bệ đỡ cho bất động sản Trung Quốc

Trung Quốc vẫn là động lực tăng trưởng cho bất động sản châu Á - Thái Bình Dương

(ĐTCK) Bất động sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng ở mức kỷ lục trong quý I/2019, mà động lực chủ yếu đến từ Trung Quốc, bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang phủ bóng đen và thị trường bất động sản toàn cầu suy giảm.

Báo cáo Dòng chảy vốn toàn cầu quý I/2019 của nhà tư vấn bất động sản JLL mới được công bố cho thấy, giá trị giao dịch bất động sản tại châu Á - Thái Bình Dương trong kỳ đạt 45 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, vượt trội hơn hẳn so với các khu vực khác trên toàn cầu như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

“Động lực chính tạo nên đà tăng trưởng cho thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương là Trung Quốc, khi đầu tư vào lĩnh vực này đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay trong quý I/2019, đạt 17 tỷ USD, nhờ sự gia tăng của dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng”, báo cáo của JLL cho biết.

Stuart Crow, người đứng đầu thị trường vốn châu Á - Thái Bình Dương tại JLL nhận định, sức mạnh của thị trường nội địa Trung Quốc cực kỳ ấn tượng.

“Chúng tôi chứng kiến nguồn lực đầu tư khổng lồ vào hoạt động xây dựng, sản xuất, trong đó nổi bật nhất là lĩnh vực bất động sản phục vụ logistics. Các doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc như Alibaba và JD.com đều có hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này”, Stuart Crow cho biết.

Ngược lại với diễn biến tích cực tại Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và Hồng Kông (Trung Quốc) đều chứng kiến giá trị các khoản đầu tư tại lĩnh vực bất động sản giảm sút. Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản tại châu Á - Thái Bình Dương vẫn ghi nhận sự tăng trưởng trong quý I nhờ sức mạnh tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore.

Diễn biến này đặt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, các vấn đề địa chính trị bất ổn tạo ảnh hưởng tiêu cực tới mọi ngành nghề, tổn hại tâm lý nhà đầu tư. Đây là lý do đầu tư vào thị trường bất động sản toàn cầu trong quý I giảm 8% so với năm ngoái, xuống còn 156 tỷ USD. Tuy nhiên, châu Á - Thái Bình Dương là điểm sáng hiếm hoi trên bản đồ bất động sản toàn cầu.

“Dòng tiền đầu tư đang chuyển ra khỏi các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng chậm và tìm tới khu vực tăng trưởng nhanh như châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố giúp sức hút của khu vực này được cải thiện đó là tính minh bạch được nâng cao hơn trong những năm gần đây”, Crow nói và cho biết thêm, mặc dù một số thị trường châu Á vẫn khó tiếp cận, nhưng hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đã dễ dàng hơn để rót vốn vào bất động sản khu vực này, từ đó giúp giá trị các giao dịch bất động sản leo dốc.

Với việc xung đột thương mại Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng, một số chuyên gia và nhà đầu tư nhận định, dòng chảy vốn đầu tư vào Trung Quốc có thể chuyển hướng sang một số thị trường đang phát triển khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo JLL, hiện tại, vẫn chưa có dấu hiệu đáng kể nào cho thấy lượng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhất là khi lĩnh vực bất động sản phục vụ logistics có tiềm năng tăng trưởng rất lớn tại đây, nhờ tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và sức tiêu thụ nội địa mạnh mẽ.

Trong năm 2019, JLL dự báo, hoạt động đầu tư vào bất động sản trên toàn cầu sẽ giảm khoảng 5 - 10% so với năm ngoái, nhưng nhà tư vấn bất động sản uy tín này vẫn giữ góc nhìn lạc quan đối với thị trường châu Á - Thái Bình Dương.

Tin bài liên quan