Kiên quyết ngăn sông
Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, hơn 30 công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ, bao gồm Didi, đã huy động được tổng cộng 12,5 tỷ USD chỉ trong nửa đầu năm 2021, cao hơn mức 12 tỷ USD mà các doanh nghiệp nước này huy động được trong cả năm 2020.
Tuy nhiên, Bắc Kinh lo ngại về kho dữ liệu khổng lồ mà Didi và các hãng công nghệ lớn khác đang nắm giữ nên thắt chặt tiêu chí và thực hiện giám sát nghiêm ngặt hơn đối với những công ty muốn niêm yết ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ.
Theo thông báo của Bắc Kinh ngày 10/7/2021, gần như mọi công ty muốn niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài đều sẽ phải được phê duyệt bởi một ủy ban chuyên trách về an ninh mạng. Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đề xuất, các công ty nắm giữ dữ liệu của hơn một triệu người dùng hiện phải nộp đơn xin phê duyệt an ninh mạng khi muốn phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ở nước ngoài, vì lo ngại rằng dữ liệu và thông tin cá nhân đó có thể bị kiểm soát và khai thác trái phép bởi chính phủ nước ngoài.
“Trong 5 - 10 năm tới sẽ khó có thể có thương vụ IPO nào ở nước ngoài, ngoại trừ một số công ty lớn lựa chọn niêm yết thứ cấp”, Giáo sư Paul Gillis tại Đại học Peking nhận định.
Trước đó, Didi quyết định theo đuổi đến cùng kế hoạch IPO trên sàn chứng khoán New York, bất chấp sự phản đối từ các cơ quan quản lý trong nước. Kết quả, Công ty thu về giá trị huy động vốn lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán Mỹ, sau khi hãng thương mại điện tử Alibaba Group Holding huy động được 25 tỷ USD năm 2014.
Sau đó, CAC tiến hành điều tra về các chính sách thu thập dữ liệu của Didi và ra lệnh gỡ bỏ ứng dụng của Công ty ra khỏi các cửa hàng ứng dụng trong nước ngày 4/7/2021, khiến giá cổ phiếu sụt giảm, mất hàng chục tỷ USD giá trị vốn hóa.
Một số công ty Trung Quốc vốn có kế hoạch niêm yết tại New York đã quyết định rút lui, đầu tiên là LinkDoc Technology, rồi đến ứng dụng thể dục Keep và công ty khởi nghiệp về rau Meicai. Không loại trừ khả năng kế hoạch IPO của các công ty như ByteDance - chủ sở hữu TikTok, hay công ty vận chuyển hàng hoá Lalamove cũng bị ảnh hưởng.
Các nhà đầu tư đã rót vốn vào những công ty Trung Quốc chưa kịp niêm yết tại Mỹ như đang ngồi trên đống lửa vì quy định mới của cơ quan quản lý.
“Chính phủ Trung Quốc là yếu tố đáng sợ đối với các nhà đầu tư Mỹ nói chung”, ông Kevin Carter, người sáng lập kiêm giám đốc đầu tư Công ty Emerging Markets Internet & Ecommerce ETF (EMQQ) nhận xét.
Đối với các ngân hàng của phố Wall, cơ hội thu được những khoản phí bảo lãnh IPO béo bở từ các doanh nghiệp Trung Quốc đang dần tan biến.
Kéo doanh nghiệp về chợ nhà
Từ năm 2009, Trung Quốc đã khai trương sàn giao dịch ChiNext ở Thâm Quyến, lấy sàn Nasdaq của Mỹ làm khuôn mẫu.
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, cánh cửa hội nhập cũng được mở rộng với các mối liên kết giao dịch với Hồng Kông, cho phép nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp mua cổ phiếu của các công ty ở Trung Quốc đại lục.
Năm 2018, nước này cho thử nghiệm sản phẩm cạnh tranh với chứng chỉ tiền gửi của Mỹ, nhưng không thành công. Năm 2019, Thượng Hải khai trương sàn Star với những quy định thông thoáng chưa từng có như bỏ giới hạn biên độ trong ngày giao dịch đầu tiên.
Tuy nhiên, các sàn giao dịch ở Đại lục vẫn chưa cho phép niêm yết cổ phiếu kép - mô hình được nhiều công ty công nghệ áp dụng vì đem đến cho nhà sáng lập nhiều quyền biểu quyết hơn.
Động thái siết niêm yết tại nước ngoài hiện nay cho thấy, Trung Quốc muốn các doanh nghiệp lựa chọn niêm yết tại quê nhà và giảm phụ thuộc vào dòng vốn từ Mỹ.
Điều này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đang leo thang. Cựu Tổng thống Mỹ Donal Trump từng dọa sẽ hủy niêm yết các cổ phiếu Trung Quốc trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nếu họ không chịu cung cấp thông tin tài chính cho cơ quan quản lý của nước này.
Mặc dù số vụ niêm yết thứ cấp ở Hồng Kông tăng lên, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn thích sàn New York hơn, bởi quá trình nộp hồ sơ IPO chỉ mất vài tuần, thay vì vài tháng.
Hơn nữa, nếu muốn niêm yết ở thị trường Hồng Kông, các công ty phải tạo ra tổng lợi nhuận ròng ít nhất là 30 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 3,9 triệu USD) trong hai năm trước khi IPO, hoặc phải có vốn hóa thị trường tối thiểu là 2 tỷ đô la Hồng Kông tại thời điểm niêm yết và doanh thu ít nhất là 500 triệu đô la Hồng Kông.
So sánh với sàn Hồng Kông, điều kiện của sàn New York “dễ thở” hơn nhiều. Quy định kiểm soát vốn chặt chẽ của Trung Quốc khiến các sàn giao dịch nước này khó có thể cạnh tranh với các sàn giao dịch Mỹ về mức độ thanh khoản và cả mức định giá rất cao dành cho các công ty công nghệ.