Dòng tiền tháo chạy
Việc một số nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu và nguy cơ có thêm các vụ vỡ nợ khác cùng các yếu tố như rủi ro địa chính trị, quy định kinh doanh (đóng cửa ngành công nghiệp dạy thêm tư nhân, cấm ứng dụng gọi xe Didi…) và lãi suất tăng ở nhiều nước, đã tạo ra làn sóng tháo chạy của vốn ngoại, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy.
Trong hơn một năm qua, khoảng 2.000 tỷ USD giá trị cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn Hồng Kông và New York đã bị “thổi bay”. Các kế hoạch IPO mới trên hai sàn này gần như dừng lại trong năm nay. Đồng nhân dân tệ hiện có mức giảm giá khoảng 6,7% so với USD kể từ cuối tháng 3, trở thành đồng tiền hoạt động kém nhất ở châu Á trong thời gian này.
Theo dữ liệu của Dealogic, tại Trung Quốc, giá trị tài sản bằng đồng nhân dân tệ do người nước ngoài nắm giữ đã giảm hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (150 tỷ USD) chỉ trong ba tháng đầu năm 2022. Các công ty bất động sản Trung Quốc chỉ huy động được 280 triệu USD trái phiếu có lợi suất cao từ đầu năm 2022 đến nay, giảm mạnh so với con số 15,6 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu từ Chinabond cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán 42 tỷ nhân dân tệ (6,2 tỷ USD) trái phiếu chính phủ Trung Quốc trong tháng 4/2022, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp bị các quỹ nước ngoài bán ra, chuỗi bán tháo theo tháng dài nhất kể từ năm 2015. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo, năm 2022 sẽ có 300 tỷ USD chảy ra khỏi Trung Quốc, cao hơn gấp đôi mức chảy ra trong năm 2021 là 129 tỷ USD.
Tình hình ngày càng tệ khi mới đây, nền tảng giao dịch trái phiếu chính của Trung Quốc dành cho các nhà đầu tư nước ngoài ngừng cung cấp dữ liệu về các giao dịch, làm gia tăng lo ngại về tính minh bạch trên thị trường trị giá 20.000 tỷ USD sau khi dòng tiền chảy ra cao kỷ lục.
Kinh tế giảm tốc
Các biện pháp phong toả nghiêm ngặt ở nhiều nơi vì dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động của một loạt nhà máy, từ đó chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng và người dân buộc phải cắt giảm chi tiêu. Bloomberg Economics ước tính, GDP của Trung Quốc giảm 0,68% trong tháng 4/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2020.
Nhu cầu vay của các doanh nghiệp và người tiêu dùng suy giảm, khiến các khoản cho vay mới bằng đồng nhân dân tệ trong tháng 4/2022 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017.
Nhiều nhà kinh tế dự báo, năm 2022, Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% và UBS Group AG là tổ chức mới nhất hạ dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong năm nay xuống còn 3%.
Nỗ lực thúc đẩy kinh tế
Chính quyền Trung Quốc mới đây công bố 33 biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế và triển khai một loạt biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, nổi bật là chính sách cắt giảm thuế.
Các khoản cắt giảm thuế bổ sung bằng khoảng 0,1% GDP năm ngoái và đẩy tổng mức giảm thuế theo kế hoạch của Chính phủ trong năm nay lên 2.640 tỷ nhân dân tệ - nhiều hơn cả mức cứu trợ năm 2020 khi lần đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh sẽ kéo dài thời gian đóng các khoản bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp và mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, với số tiền trả chậm dự kiến lên tới 320 tỷ nhân dân tệ. Hạn ngạch cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được tăng gấp đôi.
Chính phủ còn có chính sách hỗ trợ cho người tiêu dùng bằng cách cắt giảm thuế khi mua xe, hoãn một số khoản vay tiêu dùng, thế chấp và đảm bảo các khoản phúc lợi xã hội tăng lên.
Chính phủ cũng nỗ lực giúp các công ty tư nhân huy động vốn khi các nhà đầu tư trái phiếu ngày càng cảnh giác với loại chứng khoán nợ này trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và rủi ro vỡ nợ trái phiếu gia tăng.
Các nhà phân tích của China International Capital Corp cho rằng, tác động của các chính sách nới lỏng mới có thể nhỏ hơn so với các chu kỳ kinh tế trước đây, vì hiện nay có nhiều yếu tố bất ổn hơn.