Những nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài diễn ra khi đại dịch và căng thẳng địa chính trị thúc đẩy các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Lần đầu tiên sau 25 năm, Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc cho biết rằng, chưa đến một nửa số người tham gia cuộc khảo sát hàng năm đã xếp Trung Quốc nằm trong ba ưu tiên đầu tư hàng đầu. Cuộc khảo sát cho thấy, số lượng các công ty đang xem xét hoặc bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất và tìm nguồn cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc đã tăng 10% so với một năm trước.
Tuy nhiên, theo báo cáo của AmCham, phần lớn những người tham gia khảo sát không có kế hoạch di dời chuỗi cung ứng. AmCham cho biết, cuộc khảo sát được thực hiện vào mùa thu năm ngoái và kết quả không thay đổi đáng kể kể từ khi Trung Quốc chấm dứt các biện pháp Zero Covid.
Sau khi tâm lý đầu tư vào Trung Quốc sụt giảm, quốc gia này đang nỗ lực để giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và hỗ trợ tăng trưởng trong nước.
Hôm thứ Năm (2/3), Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết lần đầu tiên họ sẽ khởi động các sự kiện cho “Năm đầu tư vào Trung Quốc”.
Trong một dấu hiệu cho thấy chính quyền địa phương đang cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài, các quan chức hàng đầu của tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc đã đích thân chào đón Chủ tịch Foxconn Young Liu vào tuần trước trong chuyến thăm nhà máy của Foxconn ở Hà Nam (Foxconn vận hành cơ sở sản xuất iPhone lớn nhất thế giới tại thủ đô Trịnh Châu của Hà Nam).
Foxconn cũng đã xác nhận chủ tịch của họ đã đến thăm Hà Nam và lên kế hoạch hợp tác với chính quyền địa phương trong các dự án, nhưng công ty không chia sẻ chi tiết về các kế hoạch đầu tư đó hoặc liệu họ có ý định chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc hay không.
Nhiều công ty nước ngoài đang có kế hoạch đến thăm Trung Quốc
Trung Quốc háo hức thể hiện mức độ quan tâm của các công ty đa quốc gia khác đối với các cơ hội kinh doanh tại địa phương, đặc biệt là khi biên giới quốc tế đã mở cửa trở lại.
Người phát ngôn của Bộ Thương mại cho biết trong một cuộc họp báo tuần trước rằng, các giám đốc điều hành cấp cao của Apple, Pfizer và Mercedes-Benz nằm trong số những người muốn đến Trung Quốc để thảo luận về kinh doanh.
Người phát ngôn lưu ý rằng, có hàng chục tập đoàn đa quốc gia nói chuyện với Bộ về các chuyến thăm cấp cao như vậy.
Mercedes-Benz đã xác nhận với CNBC rằng, Giám đốc điều hành Ola Kallenius của họ đang có kế hoạch đến thăm Trung Quốc. Trong khi Pfizer và Apple không có phản hồi về điều này.
Tour tiếp thị nước ngoài
Trung Quốc cũng đang đến thăm các nhà đầu tư tiềm năng đang hoạt động tại nước này.
Sau cuộc họp cấp cao của chính phủ vào tháng 12 nhằm kêu gọi nỗ lực hơn nữa để thu hút vốn nước ngoài, nhiều nhóm do chính phủ lãnh đạo đã ra nước ngoài để tiếp thị.
Wang Jinxia, Phó giám đốc Qianhai - một khu phát triển kinh tế ở Thâm Quyến - đã dẫn đầu một nhóm tới Dubai, Singapore và London vào tháng 2 để thu hút sự quan tâm đầu tư.
Ông mô tả các chuyến thăm đã đạt được “kết quả đáng chú ý” nhưng không nói chi tiết. Ông cũng lưu ý “những thách thức nghiêm trọng” đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài. Cụ thể, những điều đó bao gồm cạnh tranh không lành mạnh với các công ty địa phương ở Trung Quốc do chính sách công nghiệp, thiếu sự bảo vệ pháp lý đối với doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc và rủi ro địa chính trị.
Chính quyền Biden đã gia tăng các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh của Mỹ với Trung Quốc, chẳng hạn như các hạn chế được công bố vào năm ngoái liên quan tới các doanh nghiệp và cá nhân Mỹ làm việc với các đối tác Trung Quốc về chất bán dẫn tiên tiến nhất.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng 14,5% trong tháng 1 so với một năm trước lên 127,69 tỷ nhân dân tệ (18,39 tỷ USD). Con số này nhanh hơn mức tăng 6,3% cho cả năm 2022.
Trong đó, Hàn Quốc, Đức và Anh là những nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào năm 2022.