Trung Quốc tiếp tục “mở van” tiền

Trung Quốc tiếp tục “mở van” tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vừa cắt giảm lãi suất chính sách lần thứ hai trong gần 3 tháng qua, một dấu hiệu mới cho thấy các nhà chức trách đang tăng cường nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy kinh tế phục hồi.

Các nhà phân tích cho rằng, động thái cắt giảm lãi suất chính sách trong tuần qua đã mở ra khả năng cắt giảm lãi suất cơ bản cho vay chuẩn (LPR) của Trung Quốc vào tuần này.

Tăng trưởng tín dụng sụt giảm và tình trạng giảm phát trong tháng 7/2023 đòi hỏi phải có nhiều biện pháp nới lỏng tiền tệ hơn để ngăn chặn đà giảm tốc của kinh tế, trong khi rủi ro vỡ nợ ở một số nhà phát triển bất động sản lớn (China Evergande, Country Garden...) và việc một nhà quản lý tài sản tư nhân lỡ các khoản thanh toán đã ảnh hưởng đến niềm tin trên thị trường tài chính.

“Những điều này làm tăng thêm tính cấp bách rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải hành động nhanh chóng trước khi niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp xấu đi nghiêm trọng”, ông Tommy Wu, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Commerzbank nói.

PBoC đã hạ lãi suất đối với các khoản vay của cơ chế cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm trị giá 401 tỷ nhân dân tệ (55,25 tỷ USD) đối với một số tổ chức tài chính từ 2,65%/năm xuống 2,5%/năm.

PBoC cho biết trong một tuyên bố rằng, việc bơm tiền mặt nhằm chống lại các yếu tố bao gồm nộp thuế là nhằm duy trì tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng ở mức hợp lý.

Ông Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Mizuho Bank nhận xét, việc PBoC bất ngờ cắt giảm lãi suất là một phản ứng kịp thời để hỗ trợ dữ liệu tín dụng yếu và sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Điều đó có thể giải phóng áp lực giảm giá đồng nhân dân tệ lên mức 7,3.

“Đặc biệt, PBoC có thể có ý định hỗ trợ các điều kiện tín dụng trung hạn thông qua việc cắt giảm bất đối xứng và mở đường cho việc cắt giảm LPR, nhất là LPR 5 năm, để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn”, ông Ken Cheung nhấn mạnh.

Trong ngày ra quyết định hạ lãi suất lần hai, PBoC đã bơm 204 tỷ nhân dân tệ vào thị trường thông qua các hợp đồng Repo nghịch đảo kỳ hạn 7 ngày và lãi suất của công cụ này được giảm từ 1,9%/năm xuống 1,8%/năm.

Trung Quốc là một trong số ít quốc gia nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy kinh tế, trong khi các nước khác vẫn đang trong chu kỳ thắt chặt nhằm chống lại lạm phát cao.

Động thái hạ lãi suất của PBoC đã nới rộng khoảng cách lợi suất với các nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là Mỹ, gây thêm áp lực lên đồng nhân dân tệ và có nguy cơ khiến dòng vốn ngoại rút ra.

Từ đầu năm 2023 đến nay, đồng nhân dân tệ đã mất giá khoảng 5% so với USD, trở thành một trong những đồng tiền châu Á có mức mất giá lớn nhất. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã giảm xuống 2,56%/năm, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

Giảm phát có thể làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế và làm trầm trọng thêm các vấn đề nợ nần.

Trước đó, PBoC hạ lãi suất chính sách vào tháng 6 để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng dữ liệu hoạt động kinh tế trong tháng 7, bao gồm doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư không như kỳ vọng, làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng sâu hơn, kéo dài hơn.

Nhìn lại quá khứ, hồi chuông báo động về tăng trưởng đã vang lên trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và dòng vốn ngoại tháo chạy trong năm 2015 (khoảng 1.000 tỷ USD). Trung Quốc đã thoát khỏi những cuộc khủng hoảng đó bằng cú huých đầu tư cơ sở hạ tầng, kéo theo các hoạt động đầu cơ bất động sản.

Tuy nhiên, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng đã tạo ra quá nhiều nợ và bong bóng bất động sản vỡ vào năm ngoái, gây rủi ro cho sự ổn định tài chính.

Do đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản dựa trên nợ của Trung Quốc lên đến đỉnh điểm, trong khi xuất khẩu chậm lại, “cứu cánh” cho tăng trưởng kinh tế đang được kỳ vọng vào tiêu dùng hộ gia đình.

Nhưng các hộ gia đình có chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn hay không? Khả năng này không cao. Không giống như người tiêu dùng ở phương Tây, người dân Trung Quốc phần lớn phải tự lo cho bản thân trong đại dịch Covid-19 và cuộc chi tiêu “lại bữa” mà một số nhà kinh tế dự đoán sau khi nước này mở cửa trở lại đã không diễn ra.

Theo các nhà kinh tế, nhu cầu trong nước yếu là do nhu cầu đầu tư giảm sút trong khu vực tư nhân và khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát vào tháng 7. Nếu tình trạng này kéo dài, giảm phát có thể làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế và làm trầm trọng thêm các vấn đề nợ nần.

Tin bài liên quan