Trung Quốc tiến hành điều tra chống bán phá giá thịt lợn từ EU

Trung Quốc tiến hành điều tra chống bán phá giá thịt lợn từ EU

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Hai (17/6), Trung Quốc đã công bố một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thịt lợn nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU).

Động thái này diễn ra sau quyết định của EU vào tuần trước về việc tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc lên tới 38% kể từ ngày 4/7.

Các sản phẩm bị điều tra gồm thịt lợn tươi, lạnh, đông lạnh; nội tạng lợn; mỡ lợn không có thịt nạc; cũng như ruột, bong bóng và dạ dày lợn.

Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) cho biết, thời gian điều tra bán phá giá hàng nhập khẩu là từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2023, trong khi thời gian đánh giá thiệt hại công nghiệp là 4 năm, kể từ ngày đầu tiên của năm 2020 đến ngày cuối cùng của năm 2023.

Bắt đầu từ thứ Hai (17/6), cuộc điều tra sẽ kéo dài không quá một năm, nhưng có thể gia hạn thêm sáu tháng nữa.

Cuộc điều tra được khởi xướng sau khi ngày 6/6, Hiệp hội Nông nghiệp Động vật Trung Quốc (CAAA), đại diện cho ngành thịt lợn trong nước có đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ EU.

Người phát ngôn của MOFCOM cho biết: “Sau khi nhận được đơn (của CAAA), cơ quan điều tra đã xem xét theo luật pháp và quy định có liên quan của Trung Quốc, cũng như tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)… Chúng tôi cho rằng đơn đáp ứng các điều kiện để tiến hành điều tra chống bán phá giá và quyết định tiến hành điều tra… Cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật, bảo vệ đầy đủ quyền lợi của tất cả các bên liên quan và đưa ra phán quyết khách quan, công bằng dựa trên kết quả điều tra”.

Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Khoảng 700 triệu con lợn - hơn một nửa sản lượng thịt lợn hàng năm của thế giới - được tiêu thụ ở nước này mỗi năm.

Là loại thịt chủ yếu ở Trung Quốc, thịt lợn chiếm khoảng 60% tổng lượng thịt tiêu thụ của cả nước. Theo số liệu chính thức, năm 2023, sản lượng thịt lợn nội địa của Trung Quốc đạt 57,94 triệu tấn và nước này đã nhập khẩu 1,55 triệu tấn thịt lợn.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, EU là nguồn nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn lớn nhất của Trung Quốc, chiếm khoảng 54% tổng lượng nhập khẩu từ năm 2020 đến năm 2023. Trong đó, Tây Ban Nha là nguồn cung sản phẩm thịt lợn lớn nhất, với trị giá hơn 1,5 tỷ USD. Hà Lan, Đan Mạch và Pháp lần lượt xếp thứ 4, thứ 5 và thứ 7. Xếp thứ 2 và thứ 3 là Mỹ và Brazil.

“Thực tế là EU đã bán phá giá thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn ở Trung Quốc với giá thấp trong những năm gần đây, điều này đã tác động tiêu cực đến ngành thịt lợn Trung Quốc, các ngành chăn nuôi liên quan và lợi ích của nông dân”, đơn kiện của CAAA cho biết.

Lý do đằng sau xuất khẩu thịt lợn mạnh mẽ từ EU sang Trung Quốc trong vài năm qua bao gồm thói quen tiêu dùng của EU - chẳng hạn như không ăn nội tạng lợn - và các khoản trợ cấp lớn.

Ngoài ra, còn có một lượng lớn dư thừa trong sản xuất thịt lợn của EU – phản ánh những cáo buộc từ các chính trị gia phương Tây về ngành năng lượng mới của Trung Quốc, mà họ cho rằng đã bóp nghẹt các lĩnh vực sản xuất trong nước của họ.

“Là thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, Trung Quốc cực kỳ hấp dẫn đối với EU. Đây là điểm đến xuất khẩu thịt lợn lớn nhất của EU và đương nhiên trở thành điểm đến tốt nhất để chuyển năng lực sản xuất dư thừa”, CAAA cho biết.

Giáo sư Cui Hongjian của Viện nghiên cứu Cao cấp về quản trị khu vực và toàn cầu thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh cho biết, khi nhắm mục tiêu vào thương mại thịt lợn, mối quan tâm hàng đầu của các nhà chức trách là liệu sự tăng trưởng doanh số bán mặt hàng này tại thị trường Trung Quốc có đủ điều kiện để điều tra chống bán phá giá theo quy định của WTO hay không.

Trung Quốc cũng có thể cân nhắc thực tế rằng các nước như Tây Ban Nha và Pháp, những nước xuất khẩu thịt lợn lớn sang Trung Quốc, cũng là những nước thúc đẩy chính việc tăng thuế xe điện.

“Tuy nhiên, đây có thể không phải là yếu tố chính, vì vấn đề hiện tập trung ở cấp EU và sự bất đồng nội bộ trong khối không phải là điều Trung Quốc nên cân nhắc nhiều nhất”, ông cho biết.

Dù các nhà chức trách Trung Quốc có thể không quan tâm đến việc leo thang xung đột thương mại cũng như không tiến tới “nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại, vì điều đó sẽ gây tổn hại cho cả hai bên…, nhưng Trung Quốc muốn nhắc nhở EU rằng họ phải tính đến sự phụ thuộc lẫn nhau về thương mại toàn diện giữa 2 bên.

Trong nhiều tháng, nông dân trên khắp châu Âu đã tổ chức một số cuộc biểu tình rầm rộ chống lại các chính sách khí hậu của lục địa này, vì các quy định mới về phát thải khí nhà kính có thể làm tăng đáng kể chi phí sản xuất.

“Vì vậy, nếu bây giờ châu Âu không xử lý đúng đắn vấn đề kinh tế và thương mại với Trung Quốc - và điều đó cuối cùng có thể gây thiệt hại một lần nữa cho ngành nông nghiệp của châu Âu - thì tôi nghĩ hậu quả cần được châu Âu xem xét nghiêm túc”, giáo sư Cui Hongjian cho biết thêm.

Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng, thông báo từ Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên, vì đây không phải là lần đầu tiên một cuộc điều tra được công bố tại một khu vực tài phán này lại gây ra một cuộc điều tra khác.

“Hiệp hội hy vọng sẽ thấy một cuộc điều tra dựa trên thực tế nhằm đảm bảo các nguyên tắc như vậy cho tất cả những người tham gia thị trường… Hiệp hội hy vọng cả hai bên hành động để phi chính trị hóa môi trường kinh doanh và tìm cách giải quyết các nguyên nhân cơ bản”, tổ chức này cho biết.

Tin bài liên quan