Theo S&P Global Commodity Insights, châu Phi dự kiến sẽ chiếm gần 11% nguồn cung lithium toàn cầu trong năm nay, so với mức gần bằng 0 vào đầu thập kỷ này. Con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 14% vào năm 2028.
Giá lithium tăng đột biến trong năm 2021 và 2022 đã thúc đẩy làn sóng đầu tư của các công ty Trung Quốc vào sản xuất ở châu Phi. Kể từ đó, kim loại này đã giảm hơn 80% sau khi nguồn cung tăng cao trong khi doanh số bán xe điện không đạt kỳ vọng.
Mặc dù dự kiến sẽ có thặng dư sản lượng toàn cầu trong năm nay, Trung Quốc - quốc gia sản xuất hầu hết các loại hóa chất lithium trên thế giới - vẫn tiếp tục mở rộng công suất tinh chế và ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung từ nước ngoài.
“Vì ngày càng có nhiều sự phản đối đối với sự tham gia của Trung Quốc vào các dự án lithium ở phương Tây, châu Phi đang ở vị thế thuận lợi để lấp đầy khoảng trống nguyên liệu này", Claudia Cook, nhà phân tích tại Benchmark Mineral Intelligence cho biết.
Hơn 2/3 sản lượng của châu Phi đến từ Zimbabwe, là nơi các công ty Trung Quốc đã chi hàng tỷ đô la để đưa vào hoạt động các mỏ và nhà máy tinh chế. Các công ty từ Trung Quốc cũng đang phát triển các dự án ở Mali, Namibia và Nigeria.
Theo Lukasz Bednarski, nhà phân tích của S&P về kim loại lithium và pin, 15 mỏ đang được phát triển hoặc mở rộng dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030 trên khắp châu Phi. "Đây thực sự là sự tăng trưởng đáng kể trong ba năm qua", ông cho biết.
Theo Benchmark Mineral Intelligence, công suất mới sẽ đi vào hoạt động khi thị trường dự kiến quay trở lại tình trạng thâm hụt, sau khi đạt đỉnh thặng dư lithium toàn cầu vào năm 2027.
Trong khi sản xuất từ Zimbabwe minh bạch hơn do có các mỏ công nghiệp, thì nguồn cung từ các quốc gia như Nigeria - cho đến nay vẫn xuất khẩu quặng lithium được khai thác bằng các công cụ thô sơ - lại khó theo dõi hơn.
Thomas Matthews, nhà phân tích kim loại pin tại CRU Group cho biết, Nigeria là nguồn cung cấp lithium lớn thứ hai của châu Phi trong gần hai năm qua. Hơn một nửa sản lượng của châu Phi năm ngoái đến từ hoạt động đào bằng tay hoặc quy mô nhỏ. Tuy nhiên, điều đó đang thay đổi, với "sự tăng trưởng về sản lượng từ các hoạt động công nghiệp dự kiến sẽ làm lu mờ hoạt động phi chính thức".
Nigeria đã mở cơ sở chế biến lithium đầu tiên vào tháng 5 và có thêm một số dự án do Trung Quốc hậu thuẫn đang được phát triển, vì chính phủ nước này muốn quản lý hoạt động thương mại và tối đa hóa doanh thu.
Nhà phân tích Matthews cho biết, vật liệu chất lượng thấp từ châu Phi chiếm hơn 1/4 tổng lượng lithium nhập khẩu của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay.
Các công ty phương Tây cũng đang tìm cách khai thác lithium của châu Phi. Công ty Atlantic Lithium Ltd. được đăng ký tại Úc đang xây dựng mỏ lithium đầu tiên của Ghana, cung cấp tinh quặng cho Mỹ. Công ty Andrada Mining Ltd. được niêm yết tại Anh và Tantalex Lithium Resources Corp. của Canada cũng đang phát triển các dự án tại Namibia và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Trong khi Úc, Chile và Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm khoảng 70% tổng nguồn cung lithium trong năm nay, các mỏ ở châu Phi sẽ khiến thị phần của họ giảm xuống còn khoảng 50% vào cuối thập kỷ này.
Nhà phân tích Claudia Cook cho biết, sự nổi lên ngày càng tăng của châu lục này "đại diện cho xu hướng đa dạng hóa rộng hơn về nơi sản xuất lithium".