Nhiều nhà máy nhiệt điện ở Trung Quốc rơi vào cảnh bí bách khi giá than tăng kỷ lục và không có cách nào đẩy giá sang cho người tiêu thụ điện. Ảnh: AFP
Cát Lâm là một trong những khu vực của Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu than. Phát biểu trước các công ty điện lực địa phương hôm 27/9, Tỉnh trưởng Cát Lâm cho rằng "cần phải thiết lập nhiều kênh" để đảm bảo nguồn cung than, theo nội dung đăng tải trên tài khoản mạng xã hội WeChat chính thức của tỉnh này.
Ông Hàn Tuấn cho biết, tỉnh Cát Lâm cũng sẽ cử các nhóm công tác đặc biệt để đảm bảo triển khai các hợp đồng cung cấp than ở khu vực lân cận Nội Mông.
Cát Lâm là một trong hơn 10 tỉnh đang chịu ảnh hưởng bởi nguồn cung than hạn chế. Các nhà máy nhiệt điện nơi đây đang phải đối mặt với giá than tăng cao kỷ lục, trong khi không thể đẩy giá sang cho người tiêu thụ điện. Tỉnh trưởng Cát Lâm kêu gọi các công ty điện lực thực hiện "trách nhiệm xã hội" và "vượt qua khó khăn" do giá than tăng cao.
Theo ông David Fishman, chuyên gia nghiên cứu chính sách năng lượng Trung Quốc tại Công ty tư vấn kinh tế Lantau Group, những bất cập trong hệ thống định giá của Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt than hiện nay. "Điều này khiến các nhà máy điện than không thể vận hành có lãi trong hầu hết các trường hợp", ông David Fishman nói thêm.
Chuyên gia này cho rằng: "Trong ngắn hạn, chính sách cứu trợ duy nhất có tác dụng lúc này là khai thác thêm than từ lòng đất - một ý tưởng không được ủng hộ rộng rãi - hoặc buộc người tiêu thụ điện cuối cùng phải móc thêm hầu bao".
Theo hãng tin AFP, Tập đoàn tài chính Goldman Sachs hôm nay 28/9 cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Trung Quốc do việc cắt điện trên toàn quốc đã ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình và khiến nhiều nhà máy, bao gồm một số nhà máy cung ứng cho Apple và Tesla, đã phải ngừng sản xuất.
Cụ thể, Goldman Sachs dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm về mức 7,8%, so với mức dự báo tăng 8,2% trước đó.
Ít nhất 17 tỉnh và khu vực - chiếm 66% GDP Trung Quốc - đã đưa ra những thông báo cắt điện trong những tháng gần đây, chủ yếu nhắm vào những "hộ" sử dụng điện vào sản xuất công nghiệp nặng, theo Bloomberg Intelligence.
Than đá gánh trọng trách khi đóng góp gần 60% giá trị nền kinh tế Trung Quốc. Thế nhưng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang lâm cảnh thiếu than trầm trọng vì nguồn cung đã bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, cộng với áp lực từ việc giảm khai thác và sử dụng than để thực hiện mục tiêu phát thải khí nhà kính, và việc nhập khẩu than giảm trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Australia.
Đầu tháng này, giá than tại Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục, trong khi nhu cầu điện trong nửa đầu năm 2021 đã vượt quá mức trước đại dịch, theo Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc.
Trước đó, Tập đoàn tài chính Nomura cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2021 do cuộc khủng hoảng năng lượng.
Chuyên gia kinh tế trưởng Ting Lu của Nomura đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm 2021 xuống còn 7,7%, từ mức tăng 8,2% được đưa ra trước đó, trong bối cảnh nhiều nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa để thực hiện các mục tiêu giảm phát thải carbon.
Theo đài CNBC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố vào tháng 9/2020 rằng nước này sẽ đạt mục tiêu giảm phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và đạt trạng thái trung tính carbon vào năm 2060. Động thái này đã kích hoạt các kế hoạch cấp quốc gia và địa phương nhằm cắt giảm sản lượng than và các quy trình phát thải lượng lớn carbon.
Chuyên gia kinh tế trưởng Ting Lu cho rằng đã có động thái "đảo ngược cuộc chơi" vào giữa tháng 8/2021 khi chính quyền các địa phương đốc thúc nhanh chóng hành động sau khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) thông báo rằng 20 địa phương - chiếm khoảng 70% GDP Trung Quốc - đã không đạt được các mục tiêu liên quan đến carbon.