Trung Quốc thất vọng về tình trạng tiêu dùng yếu của người dân

Trung Quốc thất vọng về tình trạng tiêu dùng yếu của người dân

(ĐTCK) Tại Mỹ, tỷ trọng tiêu dùng chiếm 70% GDP, ở Đức, nơi sản xuất công nghiệp là cơ bản, tiêu dùng cũng chiếm tỷ trọng 60% GDP, ở Trung Quốc chỉ là 35%.

Năm 2011, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua kế hoạch 5 năm đến năm 2015, thay đổi chiến lược, đặt trọng tâm khuyến khích gia tăng tiêu dùng nội địa thay cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thời gian qua, các chuyên gia kinh tế cũng luôn dự đoán sẽ có một sự bùng nổ về tiêu dùng cá nhân ở Trung Quốc, nhưng điều đó đã không xảy ra, bởi người dân nước này thích tiết kiệm hơn.

Những năm trước, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc luôn đạt mức cao đã tạo ra một tầng lớp trung lưu, nhưng mức tiêu dùng của họ thực ra còn rất thấp so với các nước khác.

Không ở đâu tỷ trọng tiêu dùng đóng góp vào sản lượng kinh tế thấp như Trung Quốc. Tại Mỹ, tỷ trọng tiêu dùng chiếm 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), ở Đức, nơi sản xuất công nghiệp là cơ bản, tiêu dùng cũng chiếm tỷ trọng 60% GDP, ở Trung Quốc chỉ là 35%, mặc dù dự kiến trong 10 năm tới sẽ tăng thêm 6% nữa. Trong khi đó, xuất khẩu và đầu tư nhà nước của Trung Quốc cho lĩnh vực hạ tầng cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế lại đóng vai trò rất quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cho đến nay dựa chủ yếu vào hai nhân tố đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và xuất khẩu, nhưng kinh tế thế giới suy giảm do khủng hoảng kinh tế - tài chính đang tác động mạnh vào kinh tế nước này.

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, trong những tháng tới nếu kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm, sẽ có những vấn đề lớn. Kinh tế Mỹ cũng chưa có dấu hiệu khả quan. Ở khu vực châu Âu, các quốc gia đang phải thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt bởi khủng hoảng nợ mà chưa có giải pháp hữu hiệu.

Trong bối cảnh toàn cầu như vậy, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm và mất đi động lực cho tăng trưởng GDP. Thực tế thống kê cho thấy, tháng 8 vừa qua, xuất khẩu chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2011, còn nhập khẩu lại giảm 2,6%, trái ngược hoàn toàn với dự báo của các chuyên gia là tăng trung bình 3,5%. Nhập khẩu giảm, gián tiếp cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm. Do vậy, lĩnh vực tiêu dùng nội địa được Chính phủ Trung Quốc xác định sẽ là nhân tố mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này.

Nhiều chuyên gia đánh giá tiêu dùng cá nhân từ lâu được coi là tương lai của Trung Quốc, nó sẽ thay thế xuất khẩu và đầu tư phát triển để trở thành nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế ở nước này.

Một số người thậm chí tin rằng, nhu cầu tiêu dùng nội địa ở Trung Quốc tăng lên còn có thể kéo kinh tế thế giới khỏi vũng lầy suy thoái. Tuy nhiên, Trung Quốc có tiềm năng khổng lồ, nhưng đến nay, lĩnh vực tiêu dùng chỉ đóng góp một tỷ lệ rất khiêm tốn vào GDP.

Trung Quốc thất vọng về tình trạng tiêu dùng yếu của người dân  ảnh 1

Tiêu dùng ở Trung Quốc chỉ chiếm tỷ trọng 35% tổng sản phẩm quốc nội GDP

 

Kế hoạch 5 năm là một sự biến đổi lớn, trong đó khẳng định gia tăng tiêu dùng cá nhân và cũng có nghĩa là xuất khẩu sẽ giảm đi chút ít vai trò quan trọng của nó và kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, nhưng xã hội cân bằng hơn, ít chênh lệch hơn về thu nhập giữa miền duyên hải phát triển bùng nổ và vùng sâu trong nội địa, đặc biệt quan trọng là lực đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tiêu dùng cá nhân sẽ đóng vai trò là dây cu-roa cho nền kinh tế quốc dân và thay thế lĩnh vực xuất khẩu, bởi xuất khẩu phụ thuộc vào môi trường kinh tế bên ngoài. Trong bối cảnh thảm họa như ở Nhật Bản thì quyết định này giờ đây càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Song có lẽ các nhà kinh tế đã không hiểu được tại sao dân Trung Quốc lại không tiêu dùng nhiều mà lại tiết kiệm đến như vậy.

Ông Quelsch, Hiệu trưởng Trường thương mại Quốc tế châu Âu của Trung Quốc ở Thượng Hải cho rằng, hoàn toàn có những lý do dễ hiểu về điều đó. Nhiều người Trung Quốc hoài nghi về câu hỏi: sự bùng nổ kinh tế kéo dài được bao lâu nữa?.Do đó, họ cần tiết kiệm, thay vì chi tiêu một cách vội vàng. Thêm vào đó là mạng lưới an sinh xã hội còn rất mỏng. Mọi người phải tích trữ tiền để đề phòng bệnh tật ốm đau và các khó khăn khác. Tuy nhiên, Chính phủ tìm cách hóa giải điều này bằng việc đầu tư mở rộng hệ thống phúc lợi xã hội, nhưng rõ ràng vẫn chưa đủ để đưa đến một sự thay đổi tư duy trong dân chúng và cuối cùng tiết kiệm vẫn là bản chất truyền thống lâu đời của người dân Trung Quốc.

Có thể vì nhiều lý do khác nữa, nhưng dù sao, các chuyên gia cũng đã dự đoán sai. Điều này ảnh hưởng tới cả những người tiêu dùng lẫn các nhà đầu tư ở nước này, bởi lý thuyết mà họ đưa ra về sự bùng nổ tiêu dùng sắp tới ở Trung Quốc và các nước kinh tế mới nổi khác đã dẫn đến việc nhiều tổ chức tài chính và ngân quỹ bán cổ phiếu của họ. Hậu quả là những cổ phiếu đó giờ đây có giá trị rất cao, không chỉ ở Trung Quốc.

Ông Michael Godfrey, Giám đốc Quỹ M&G toàn cầu thị trường mới nổi cho hay, các nhà sản xuất hàng tiêu dùng ở các nước mới hiện đang giao dịch cổ phiếu đó với mức tăng 80% trên thị trường rộng lớn và ngay so với mức trung bình lịch sử thì mức tăng thêm vẫn là 30%.

Theo ông Quelch, ở Trung Quốc sẽ xảy ra một số điều như phải giảm thuế, bởi mức thuế cao nhất hiện nay là 45%. Song song với cái đó, hệ thống y tế phải được kiện toàn để đảm bảo thực sự chế độ bảo hiểm. Hiện tại, chỉ 95% dân Trung Quốc được bảo hiểm y tế và chỉ với 16 USD/năm cho một người. Song, ngay cả bước đi như vậy được thực hiện thì cũng còn rất lâu tiêu dùng mới thực sự trở thành nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và Chính phủ không muốn chờ đợi lâu như vậy.

Những tháng gần đây, Chính phủ Trung Quốc hy vọng tiêu dùng sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, nhưng vô vọng. Do vậy, họ quay lại với các biện pháp truyền thống quen thuộc và khởi xướng một chương trình mới về phát triển cơ sở hạ tầng, ví dụ trong những năm tới sẽ xây dựng 25 hệ thống tầu điện ngầm và giao thông đô thị ở 18 thành phố lớn cũng như 2.000 km đường sá và đường cao tốc với tổng số vốn 250 tỷ euro. Có nghĩa là tất cả lại như trước, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc lại tập trung cho lĩnh vực đầu tư xây dựng và xuất khẩu. Tiêu dùng cá nhân vẫn khập khiễng tụt hậu.

Các chuyên gia Ngân hàng UBS nhận xét rằng, ở các quốc gia kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia… thường chứa đựng trong lĩnh vực tiêu dùng những cơ hội tăng trưởng kinh tế lớn. Song, chiếc bong bóng hàng tiêu dùng ở các nước mới nổi mới chỉ được thổi phồng lên quá ít, nhưng thời cơ rồi sẽ đến để nó bùng nổ, vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi và lúc đó, nó sẽ trở thành nhân tố thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh.

Trung Quốc trong tương lai sẽ bằng lòng với tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn, khi đã đủ đường sá, cầu cống và các nhà máy điện để có thể tạo ra tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch. Trong bối cảnh đó, tiêu dùng nội địa sẽ đóng một vai trò rất lớn. Vì vậy, động viên người dân tham gia mạnh hơn vào thị trường tiêu dùng trong nước là một quyết sách quan trọng để duy trì tăng trưởng kinh tế.