Hai thập kỷ phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng chóng mặt khiến quốc gia đông dân nhất thể giới trở thành thị trường tiêu thụ thực phẩm, năng lượng và các loại nguyên liệu thô để sản xuất hàng hóa, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Đây là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ nhiều hơn Mỹ, là khách hàng lớn nhất của đủ loại hàng hóa bao gồm quặng sắt, đồng, đậu nành, cỏ khô, thịt lợn…
Tổng giá trị nhập khẩu nguyên liệu thô của Trung Quốc đạt 366 tỷ USD trong năm 2015, tăng hơn gấp đôi so với mức 116 tỷ USD thập kỷ trước, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).
Mặc dù vậy, các loại nguyên liệu mà Trung Quốc nhập khẩu, từ dầu thô cho tới đậu nành đều được định giá theo đồng USD tại các sàn giao dịch quốc tế được đặt ở các quốc gia khác, nơi thị trường có độ mở cao hơn.
Sau vài năm tự xây dựng thị trường nội địa cho các sản phẩm chủ chốt như sàn giao dịch các loại ngũ cốc tại Đại Liên, kim loại thô tại Thượng Hải, Trung Quốc muốn mở rộng cánh cửa hoạt động cho các nhà đầu tư nước ngoài tại quốc gia này.
Các nhà quản lý sàn giao dịch cũng đang lên kế hoạch thêm vào hợp đồng tương lai với các loại nguyên liệu thô chủ chốt bao gồm thịt lợn, táo, sợi bông, trái cây, phân bón và hợp đồng quyền chọn với đồng, ngũ cốc và bông.
“Quốc tế hóa các thị trường giao dịch hàng hóa tương lai có thể thúc đẩy việc thay đổi vị thế của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu, khiến quốc gia này trở thành người định giá, thay vì phải chấp nhận giá. Điều này không chỉ phù hợp với chiến lược nâng cao vị thế của đồng Nhân dân tệ trên trường quốc tế, mà còn giúp các nhà sản xuất nội địa hạn chế được rủi ro của việc mua hàng tại thị trường nước ngoài”, Han Qian, giáo sư tài chính tại Viện Nghiên cứu kinh tế tại Đại học Hạ Môn cho biết.
Hiện tại, thị trường giao dịch hàng hóa nội địa của Trung Quốc đã bao gồm hơn 1.000 sàn giao dịch, nơi gặp gỡ trao đổi mọi loại hàng hóa. Tuy nhiên, đây là các thị trường nhỏ với giao dịch giới hạn giữa người mua và người bán ở trong nước.
Ngay cả các sàn giao dịch lớn tại Đại Liên và Thượng Hải, nơi khối lượng hàng hóa trao đổi không ngừng gia tăng trong thập kỷ qua, cũng được tổ chức theo quy mô mang tính địa phương, với các hợp đồng dành cho nhà đầu tư cá nhân.
Một hợp đồng ngũ cốc cơ bản tại Đại Liên có khối lượng 10 tấn, so với hợp đồng mang tính tiêu chuẩn toàn cầu tại Sàn Giao dịch Chicago là 127 tấn.
Mặc dù giới chức Trung Quốc đã đưa ra nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên, không ít thành viên thị trường vẫn còn nghi ngại về việc liệu Đại lục có thực sự muốn mở cửa thị trường này.
Thực tế, các thay đổi đang diễn ra khá chậm chạp, bởi nhà cầm quyền có xu hướng không chấp nhận rủi ro, Jim Huang, CEO China-America Commodities Data Analytics Inc, đồng thời là cựu Giám đốc CME Group Inc cho biết.
Hiện tại, Ủy ban Giám sát chứng khoán Trung Quốc vẫn chưa chấp thuận bất kỳ hợp đồng tương lai mới nào và việc bắt đầu giao dịch hợp đồng quyền chọn đối với một số loại nguyên liệu đã bị trì hoãn nhiều lần.
“Vẫn còn một chặng đường dài để đi trước khi các sàn giao dịch hàng hóa tại Trung Quốc đủ sức mạnh trở thành nơi quyết định giá đối với thị trường quốc tế. Việc mở cửa các sàn giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài cũng là một thử thách lớn, bởi Trung Quốc kiểm soát rất chặt các dòng tiền ra – vào”, Jim Huang cho biết.