Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn NDRC cho biết Mỹ có nguồn cung hàng hóa chất lượng cao trong các lĩnh vực năng lượng, chế biến chế tạo, nông sản, y tế và dịch vụ tài chính. Trung Quốc sẽ chi thêm ít nhất 200 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm tới và đổi lại 2 bên cam kết gỡ bỏ một số thuế quan lên hàng hóa của nhau theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vừa được ký hôm 15/1 tại Nhà Trắng.
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - trưởng đoàn đàm phán thương mại cấp cao với Mỹ, thỏa thuận này sẽ không ảnh hưởng đến lợi ích của các bên thứ 3, nhất là các đối tác cung cấp nông sản theo thỏa thuận cho Trung Quốc.
Đài CCTV của Trung Quốc đưa tin, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ nhập khẩu nông sản Mỹ dựa theo nhu cầu người tiêu dùng và mức cung cầu trên thị trường.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) lo ngại các cam kết mua hàng của Trung Quốc theo thỏa thuận với Mỹ có thể khiến giao dịch trên thị trường bị méo mó và ảnh hưởng tới doanh nghiệp EU.
Dẫn lời các quan chức ngoại giao và các nguồn tin khác, tờ South China Morning Post nhận định, Trung Quốc đang tìm cách trấn an doanh nghiệp châu Âu rằng họ sẽ không bị thiệt thòi bởi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Một số ý kiến lo ngại ở châu Âu cho rằng thỏa thuận trên là “thương mại kiểu kiểm soát”, làm méo mó giao dịch thị trường. Cao ủy thương mại EU Phil Hogan mới đây đánh giá thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vừa qua gây bất lợi cho khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và thị trường việc làm.
Đại sứ EU tại Trung Quốc Nicolas Chapuis cho biết, trong cuộc gặp mới đây tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông được thông báo rằng doanh nghiệp châu Âu sẽ không bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung. Những điều mà EU đánh giá cao là sự quan tâm của Trung Quốc đến thị trường châu Âu tăng lên đáng kể trong năm ngoái.
Bắc Kinh cho biết sẽ ưu tiên mối quan hệ với EU trong năm nay và 2 bên sẽ tăng cường cam kết nhằm kết thúc đàm phán và đi đến Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra ngày 14/9.
Đại sứ Chapuis đánh giá các cuộc trao đổi giữa 2 bên đã có bước tiến quan trọng và những tiến bộ đó thấy rõ sau từng tháng. Tháng trước, 2 bên đã trao đổi cung cấp thông tin và điều chỉnh cách thức tiếp cận thị trường cho phù hợp.
“Chúng tôi ngày càng nhận thấy chính quyền Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận đầu tư với EU và do đó đã bố trí nhân lực và thời gian cần thiết để xúc tiến thỏa thuận này”, Đại sứ Chapuis nói.
Một nguồn tin khác cho biết, thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc sẽ có ý nghĩa và toàn diện hơn so với thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1, trong đó đề cập đến những thay đổi về cấu trúc và mở cửa cho các nước trên thế giới. “Trung Quốc có lẽ muốn đồng thuận với đối tác không dí súng vào đầu mình", nguồn tin này nói thêm.
Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU, 2 bên sẽ có các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu vào cuối tháng 2 tại Bắc Kinh. EU cũng dự kiến sẽ tổ chức các cuộc đàm phán chiến lược và đối thoại nhân quyền với Trung Quốc trước Hội nghị này.
EU và Trung Quốc cần phải giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, số hóa, tăng trưởng kinh tế và an ninh khu vực trên tinh thần hợp tác và xây dựng, Đại sứ Chapuis nhận định.